Tin buồn

Giá robusta lừng khừng, vì sao?

(giacaphe 26-3) Kết thúc giao dịch ngày 25-3, cơ sở tháng 7-2015 giá kỳ hạn robusta giảm 2 đứng mức 1844 USD, arabica lại tăng 2.65 cts/lb đạt 143.20 cts/lb.

Thông tin từ sàn robusta cho biết mua bán mới ít, lượng chốt bán từ Việt Nam không nhiều, nhưng thiếu người mua, nên giá lảo đảo không chịu tăng.

Lời bình:

Thêm một ngày giá robusta không tăng, giữ trạng thái lừng khừng so với một sàn arabica sôi động hơn vì có lên có xuống. Cũng dễ hiểu vì ảnh hưởng của đồng USD đối với sàn arabica nhiều hơn do đóng tại Mỹ. Sàn robusta đóng tại châu Âu nên chi phối của đồng Euro có ảnh hưởng nhất định dù không khỏi “cái bóng” USD.

Hãy thử suy nghĩ xem tại sao giá robusta không tăng dù tin đồn rất mạnh nói rằng 1) sản lượng robusta Brazil vụ sau giảm; 2) Việt Nam mất mùa do nắng hạn năm ngoái cũng như năm nay như quan chức VICOFA báo; 3) xuất khẩu nước robusta số 1 thế giới giảm như Bộ Nông nghiệp&PTNT cho biết; 4) xuất khẩu Indonesia, nước robusta lớn thứ 3 thế giới giảm; 5) lượng bán bảo vệ và mua bán mới trên sàn hôm qua không nhiều; 6) đồng USD giảm giá ảnh hưởng giá hàng hóa nói chung tăng

Không lẽ 6 yếu tố này đang xảy ra một lúc không làm dậy nổi thị trường robusta?

Trong một tin đồn khác, ngân hàng trung ương Brazil có kế hoạch ngưng thực hiện các hợp đồng đấu giá SWAP (hoán đổi giữa các loại đồng tiền) cho đến hết tháng này. SWAP thường đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình kinh tế-tài chính và giảm dao động thất thường của đồng tiền. Điều này làm giới tài chính-ngân hàng và đầu tư thế giới nghi ngờ tính ổn định của đồng Real BRL trong thời gian trước mắt. Tuần trước, đồng BRL đã mất giá xuống mức sâu nhất tính từ 12 năm nay và là một trong các loại bản tệ tệ nhất trong năm nay. Từ đầu năm 2015 đến nay, BRL mất 16% so với USD.

Đồng BRL mất giá làm các nhà xuất khẩu cà phê Nam Mỹ cho rằng Brazil sẽ xuất khẩu mạnh hơn.

Phải chăng đây là lý do làm thị trường arabica sôi động? Nhưng điều quan trọng đối với nước ta không phải vì giá mà thôi mà thị phần robusta và cà phê nước ta đang mất dần vì cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay.

Được biết giá bình quân xuất khẩu 2 tháng đầu năm của nước ta cao hơn sàn kỳ hạn gần 150 đô la/tấn (2122 so với 1974)

Dự kiến sàn kỳ hạn robusta mở cửa chiều nay từ giảm nhẹ đến không đổi.

                                                                                                                                    Giacaphe.com

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lê Hữu Phúc

    “Cũng dễ hiểu vì ảnh hưởng của đồng USD đối với sàn arabica nhiều hơn do đóng tại Mỹ.”
    Lý do này chỉ là một bất lợi nhỏ cho thị trường Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm qua Mỹ, bởi vì tỷ giá tiền đồng Việt Nam được niêm yết cố định theo tiền đô của Mỹ, nên đồng đô Mỹ tăng thì đồng Việt Nam tăng theo. Điều này khó khăn hơn khi xuất khẩu hàng qua các nước khác ngoài Mỹ, bởi vì tiền đồng Việt Nam tăng, còn xuất qua Mỹ thì cơ hội cạnh tranh với các nước khác xuất cà phê qua Mỹ như Indonesia…
    -Những người làm cà phê chúng tôi cơ cực để làm ra những sản phẩm, cố gắng đạt chất lượng tốt, cần một nhà đại diện có tâm, có tầm giúp đỡ bà con nông dân để không bị ảnh hưởng bởi những nhà đầu cơ.
    – Nhất định chúng tôi không bao giờ bán ra với giá chưa được như mong đợi, chúng tôi chờ những phân tích có giá trị.

    1. Nguyễn Quang Bình

      Chào bạn Lê Hữu Phúc.
      Diễn đàn sẽ không hiểu bạn nói khi đồng USD tăng thì VND tăng theo.
      Tôi lấy thí dụ:
      1 USD = 21,400 vnd
      bây giờ 1 USD = 21500 vnd
      => VND tăng hay giảm?
      1 USD = 21.400 vnd
      bây giờ = 21.300 vnd
      => VND tăng hay giảm?
      Nên khi nói tăng giảm, mình nên có thí dụ để tránh hiểu lầm. Tôi thấy, ở nhiều trang báo, nhiều người đều chưa rạch ròi về khái niệm tăng giảm trên.
      Xin diễn đàn cho ý kiến.

  2. manh tuan

    Tại Việt Nam các vùng cà phê già cỗi cho năng suất 1.5-2 tấn/ha ngay khi vùng trồng mới cho năng suất 3-7 tấn/ha. Ngay khi tại Indonesia các vùng cà phê tại Sumatra cho khoảng 900kg/ha, chỉ bằng 20% sản lượng so với Việt Nam khi nông dân Việt Nam chuyên canh cà phê Arabica và Robusta đạt mức cao kỳ lục.

  3. anhdung

    Theo cá nhân tôi thì lý do chính giá chưa tăng được là vì số lượng hợp đồng kỳ hạn đang chờ chốt giá trên sàn còn nhiều ( chuyển từ T1 , T3 sang T5 ) trong khi đó hợp đồng mở tháng 5 đang ở mức 57.5 k kết hợp với thời gian này các quỹ đầu cơ liên tục đi short . Mấy hôm nay đồng USD giảm mà cà phê có bung lên được đâu , có lẽ phải kiên trì chờ đến tháng 5, 6 thôi .

  4. BOOK

    Có Bác nào biết những nguyên nhân (càng nhiều càng tốt) giá xuất khẩu bình quân cao hơn so với giá niêm yết bình quân không?

    1. Nguyễn Vịnh

      Vấn đề này khá đơn giản.
      -Giá bình quân niêm yết trên sàn là giá của loại chuẩn đấu giá trên sàn.
      -Giá bình quân xuất khẩu tính trên giá hàng thực được xuống tàu, bao gồm rất nhiều loại như trên sàng 13, 16, 18, 2%, 3%, 5%, 8%, chế biến ướt, … , có hàng chục loại. Tháng nào có nhiều hàng đi chất lượng cao hơn thì giá bình quân trong tháng sẽ cao, và ngược lại.
      Chưa tính là giá bình quân xk cũng không phân biệt cà A hay cà Rô.

  5. nga hoàng

    Cho mình xin hỏi tại sao mình đăng nhập không được, hệ thống báo số điện thoại mình đã tồn tại. vì mình mua giá cà phê mà

    1. Kinh Vu

      Bạn đã đăng ký được rồi và tài khoản của bạn đã được kích hoạt, bây giờ chỉ đăng nhập thôi.
      Hệ thống CSDL bên bạn mua giá và VFM là khác nhau, không phải vì thế mà báo là số điện thoại đã tồn tại đâu bạn nhé.

      1. Nguyễn Hiếu

        Tôi có ” nhiều tiền ảo” trên hệ thống VFM nhưng chưa chuyển đổi qua ngày sử dụng! hiện giờ hệ thống báo tài khoản trên VFM đã hết hạn sử dụng! vậy “số tiền ảo” do lợi nhuận giao dịch ảo thu được chẳng lẽ mất hết sao ???

  6. mr trịnh

    Có 1 câu chuyện này kể ra cho bà con nghe và phân tích nhé, giá cà phê vì sao giữ giá khi trong thời điểm thu hoạch đỉnh điểm 2066$ và sau 19.2 có lúc xuống 1700$, có người nói do đầu cơ giá lên, nhưng vì sao bây giờ không là 2100 2200$ mà là quanh quẩn 1800$ ?, lúc đầu mùa cho tới tết cà phê vẫn xung quanh 40 ngàn thì ai là người được lợi , theo tôi dn xuất khẩu, và nông dân, còn đại lý và doanh nghiệp tư nhân thu mua từ dân và khâu trung gian là không được gì vì họ tuởng ngon ăn, gửi và gửi, tiền đâu ứng và ứng nhỉ, các đơn vị xuất khẩu đã chốt giá cao lúc đó hết rồi , ứng tiền lấy lãi cho đại lý và doanh nghiệp thu mua trong nước, ngồi không ăn lãi
    Nên giá thế giới không cao , mà tội gì cao khi có đủ cà kí hợp đồng rồi, tiếp tục ông nội địa, giá bây giờ trên sàn là 1815$ tương đương 37700 giá tại cảng nhưng giá thu mua nội địa 39000 đ, lí do là chốt cao, bây giờ giá thấp nhưng thiếu hàng thực do kháng giá nâng cao 1 chút mua cũng không sao, cà trong dân tuy không còn nhìêu nhưng cà gửi kho ứng tiền thì rất nhiều nên nếu cà gửi chưa bị cắt bán giá rẻ(do dlý ứng tiền phải chịu lời) thì giá cf nội địa khó ngoi đầu, nhưng quá trình này lâu không chưa ai biết nhưng trước mắt giá cà phê ì ạch vẫn ì ạch.

  7. Trần Văn Thời

    Không hiểu báo cáo bình quân giá xuất khẩu 2 tháng là 2122 usd thì giá quy đổi là khoảng 45 nghìn vnđ mà người nông dân có bán được cái giá đó đâu. Cái giá trên chỉ giành cho các doanh nghiệp xuất khẩu và đại lý lớn mà thôi, lúc giá thế giới tăng cao thì mấy nhà xuất khẩu ép giá (trừ lùi cao đến 90usd) và đại lý thu mua eép xuống nữa thì lấy đâu ra cái giá ấy. Thật bất công đối với người nông dân quá.

    1. Nguyễn Quang Bình

      Chào bạn Trần Văn Thời,
      Giá cao hơn giá niêm yết còn được hiểu là nhiều loại hàng xuất khẩu hạng cực sạch, cực tốt như không đen, không tạp chất, sàn 18, sàn 16…Bạn muốn bán hàng có giá cao hơn, không bị ép? Rất dễ. Đàm phán hợp đồng với nhà chế biến, giao hàng sạch, cứ cao hơn một nấc chất lượng, đòi thêm giá, tùy vào chất lượng đầu vào của họ đầu ra của bạn. Còn so sánh như bạn thì nhà xuất khẩu chỉ biết bán hàng thô, bạn giao sao người ta xuất khẩu vậy. Hơn nữa, người ta phải chịu lỗ tiền chuyên chở, làm hàng, vay ngân hàng…Vậy thì các nhà chế biến đóng cửa sớm, đi ngủ còn hơn, phải không bạn?

  8. kimanh

    Theo tôi, nông dân chúng ta không nên trông chờ vào một loại cây nào đó, mà chúng ta phải trồng it nhất là 2 hoạc 3 loại cây trên cùng 1 diên tích, tránh đựơc rủi ro, giá cả cũng như thời tiết.

  9. BOOK

    Xin phép đưa ra 01 nhận định:

    – Năm 2013 (giá rớt xuống 1.500 USD tương đương 30.000đ/kg): bối cảnh năm đó cà R của Việt Nam mất mùa nặng, Việt Nam cũng nhiều cá nhân, DN trữ cà và thất bại. Nguyên nhân là năm đó cà R mất mùa nhưng cà A của Brazil thì bội thu => cà A kéo cà R đi xuống.

    – Còn năm nay: cà R mất mùa là chắc chắn rồi, cà A thì khả năng cũng không khá hơn là bao => không có cà nào lôi cà nào hết mà có khả năng là cũng kéo nhau lên.

    Những thông tin khác tạm thời không đề cập. Cà sẽ tăng giá lại khi hết tháng 03 (nhận định này thiên về cung cầu là chính).

    Nói gì thì nói vẫn mong giá lên để dân bớt khổ.

  10. Phan Thảo

    Phan Thảo tôi xin chào cả nhà !
    Em xin chào bác Bình ạ .
    Đúng như bài báo trên đã chỉ rõ , thật hiếm có khi nào lại hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để cà phê tăng giá nhưng sao chúng chẳng tăng vậy nhỉ ?.Là một người kinh doanh cà phê lâu năm,có nhiều năm thắng lớn , nhưng cũng có những năm..làm tang hoang cửa nhà , nó đã dạy cho tôi nhiều điều ! Này chỉ xin bàn nội dung bài báo trên thôi .
    Đúng là bài báo của bác Bình có chỉ rõ 6 yếu tố nâng đỡ và giúp giá cà phê bay cao! Bài báo nói rất đúng , nhưng với quan điểm của tôi thì : 6 yếu tố chủ đến 16 yếu tố cũng không cứu nổi giá cà phê lúc này !
    Vì sao vậy ư ? Xin thưa :Nhiều người cho rằng giá cà phê do yếu tố cung cầu quyết định , xin thưa hoàn toàn không phải vậy .Từ hiện tượng đầu vụ giá cao sau đó giá dao động dữ dội với biên độ lớn , sự biến động lên ,xuống liên tục và bao giờ cũng thấp hơn giá đầu vụ . Chứng tỏ dòng tiền đổ vào cà phê là đồng tiền tạm !Dầu lửa đã xuống dưới giá thành rất lâu rồi , khả năng trụ lại của giá dầu không thể lâu hơn được nữa ! Giới đầu cơ trên thế giới đang chờ chực bắt đáy của giá dầu để đổ tiền vào đó !Mặt khác , vàng đã lâu lắm rồi không tăng giá , gói 60 tỷ /tháng của EU tung ra từ tháng này cũng sẽ là cơ hội để hút nguồn tiền vào vàng! Giá luôn thấp hơn đầu vụ chính là để loại bớt người bán , mua để giới đầu cơ dễ dàng xoay chuyển đồng tiền !Bằng kinh nghiệm của tôi , tôi cho rằng giá cà phê năm nay không thể bằng giá đầu vụ được !
    Thưa bác Bình đó cũng là lý do hồi đầu vụ em có nói với bác rằng : Năm nay trừ cả mất nhà là chắc !
    Xin cam on ca nha !

  11. Nguyễn Văn Vinh

    Xem biến động giá năm nay khác với quy luật các năm trước tuy nhiên dao đọng về giá không phải là cao . Theo tôi nguyên nhân chính do thực tế sản lượng cũng như lượng dự trữ hai vụ liên tiếp vừa rồi hạn chế so với các năm trước. Bên cạnh đó yếu tố đầu cơ kiểm soát giá bị chi phối quá lớn nên giá cà chưa lên được. Theo tôi cà phê sẽ có giá thực trong thời gian tới .

    1. Tùng Nguyễn

      chẳng có năm nào giống năm nào hết bạn à.
      Thị trường luôn biến động, ở dưới nhiều cách nhìn thì giá cà phê lúc nào cũng thực.

  12. Maximax

    Chào bà con diễn đàn:
    Giá cà phê không tăng theo cá nhân mình 1 phần do tâm lý thị trường, ngương giao dịch mấu chốt nằm tại vùng 182x- 185x đã bị phá vỡ, giá hồi phục 1 phần do thị trường giao ngay Spot chốt lời nên có sự hồi phục trở lại, Tuy nhiên điều dê hiểu trong tâm lý market, những người chót mua tại ngưỡng 182x-5x sau khi giảm chắc chắn mang trạng thái sợ hãi, vì vậy khi giá hồi phục quanh 182x-5x họ đã chốt nhằm hòa vốn làm cho giá giảm nhẹ, trạng thái lừng khừng rõ ràng là động thái thăm dò thị trường hay giới đầu tư còn ” Tọa sơ xem hổ đấu” hay tâm lý phân vân nên chưa thực sự có lực tác động mạnh làm cho giá lên hoặc xuống.
    Theo cá nhân tôi giá cafe thực sự có đà tăng ổn đỉnh khi được đẩy mạnh qua vùng 182x-5x. Nhưng thật sự, nếu nhìn vào tâm lý market, thì bà con nông dân chúng ta chẳng làm đc gì mặc dù cầm cố cafe đa khá lâu
    Giá cà phê còn rất vất vả để tăng giá, vì trước đó nó đã đánh mất các ngưỡng hỗ trợ rất quan trọng, Tôi tin, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng làm động thái chốt trạng thái hòa vốn khi giá tăng quanh rải rác từ 182x-5x cho tới 1900-1920

  13. Khải Trần

    Tóm lại dân sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam quá chú trọng vào các thông tin cơ bản. Ngược lại hướng giá cà phê được lập trình bằng phương pháp kỹ thuật thuần tuý của thế lực các quỹ đầu cơ lớn thế giới. Vì vậy thông tin kỹ thuật đang cho giá giảm thì tất yếu giá không tăng dù 6 yếu tố hay “n” yếu tố cơ bản thì giá vẫn giảm.

    1. yennguyen

      Đồng ý với bác là hướng giảm vẫn là hướng chủ đạo còn về quan điểm thuần túy là thông tin kỹ thuật thì không đồng ý. Nếu thị trường thuần túy là kỹ thuật thì các giáo sư, chuyên gia bỏ nghề đi đầu cơ hết rồi bác ạ.

  14. Sang Phạm

    Bạn Khải Trần nói hay! Là ra hột cà phê mà không theo dõi cung-cầu thì theo dõi cái chi bây giờ. Tuy nhiên, theo mạch bài của giacaphe.com, ý các tác giả cho rằng không phải lúc nào nghiên cứu cung-cầu cũng số 1, có lúc các yếu tố khác lấn lướt.
    Theo kỹ thuật mà không đếm mấy hột cà phê, có khi tôi thấy mấy anh chị đánh hàng giấy thua trắng mắt, móp má chứ đâu phải tài giỏi cả. Bạn chỉ cho tôi ai dùng kỹ thuật mà thắng từ trên 10 năm nay, tôi sẽ chỉ cho bạn nhiều người phải bán nhà bán cửa do theo lời khuyên của “chiên da kĩ thụt”.

  15. Lão Nông Tri Điền

    Trong bối cảnh này. Nếu cho Tôi một điều ước nho nhỏ, Tôi sẽ ước chỉ số US dollar index quay về mức 79 – 80 điểm, lúc đó mọi chuyện sẽ xảy ra, giới đầu cơ sẽ “quan tâm” những người còn cà fê.

  16. Lão Nông Tri Điền

    Xin hỏi BQT của website: tôi nhấn vào nút trả lời của ý kiến Anh Quang Bình về việc tăng giảm của VND nhưng tại sao không được hiển thị?

  17. An Nguyên

    Tôi cũng đóng góp ý kiến về vấn đề tăng giảm của a Nguyễn Quang Bình từ tối qua đến giờ cũng không thấy hiển thị

  18. Lão Nông Tri Điền

    Xin trả lời Anh Quang Bình: giả sử tỷ giá hối đoái được ngân hàng Trung Ương niêm yết USD/VND = 21.400.
    Nếu nói VND yếu (giảm giá trị) hay tỷ giá hối đoái tăng khi USD/VND = 21.500 và ngược lại. Xét về mặt toán học của biểu thức trên là có lời đáp.Tôi hiểu vậy có đúng không Anh?

  19. Nguyễn Quang Bình

    Cám ơn bạn LN Tri Điền và An Nguyên.
    Thật ra, trong trường hợp mất/được giá của VND đã nêu, do có nhiều cách phát biểu khác nhau, dễ gây hiểu lầm, nên ta nên nói hiện tượng 21500 VND/1 USD là mất giá và 21300 là được/tăng giá so với USD.
    Cũng như trường hợp giá trừ lùi khi trừ 80 USD so với giá kỳ hạn nhưng sau đó ta trừ 100 USD, nhiều người phát biểu giá trừ tăng, nhưng thật ra giảm. Ta gọi đó là giảm. Còn nếu trừ 80 USD nay trừ 50 USD thì ta nên thống nhất gọi là tăng. Thân

    1. An Nguyên

      Mình giải thích thế này, bà con sẽ dễ hiểu và dễ nhớ, dễ diễn đạt lần sau:
      Lấy mốc 1USD = 21,400 VND làm chuẩn.
      * nếu hôm nay đô la Mỹ tăng 1USD = 21,500 VND, nghĩa là ta phải “tăng” số lượng tiền VND bỏ ra để mua 1USD, đồng nghĩa với việc VND bị “giảm” đi giá trị của nó, hay còn gọi là mất giá.
      Vậy khi đô la Mỹ tăng thì tiền VND sẽ bị mất giá (Giảm – giá trị)
      * nếu hôm nay đô la Mỹ giảm 1USD = 21,300 VND nghĩa là ta sẽ “giảm” số lượng tiền VND bỏ ra để mua 1USD, đồng nghĩa với việc VDN được “tăng” giá trị của nó, hay còn gọi là được giá.
      Vậy khi đô la Mỹ giảm thì tiền VND sẽ được giá (Tăng – giá trị)

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90