Tại sao giá kỳ hạn cà phê Robusta ì ạch?

Đóng cửa cuối ngày giao dịch 19-3-2015, giá cơ sở tháng 7-2015 robusta Ice châu Âu âm 7 USD xuống 1842 nhưng sàn cà phê arabica Ice Mỹ tăng 4.00 cts/lb lên 147.35 cts/lb. Hai giá đi nghịch chiều nhau, robusta yếu thế.

Xét thuần túy mua bán trên thị trường, mặt hàng nào bị bán nhiều hơn mua, giá sẽ giảm; mặt hàng nào người mua nhiều hơn kẻ bán, giá vì vậy mà tăng.

Đó là nói chuyện theo kiểu hai sàn cà phê hoàn toàn độc lập. Nhưng, nay hai sàn này qui về một chủ nên độ liên thông và cân đối tài chính qua lại rất cao. Nếu hiểu cách ấy, hôm qua, giới mua bán đã bán trên sàn robusta nhưng mua trên sàn giao dịch cà phê arabica.

Cũng cần nói rằng cùng ngày chỉ số USD tăng lên lại chạm gần mức 100 điểm trước đây, nhưng yếu tố này không phải là chính và không được dùng để phân tích bài này.

Diễn biến Robusta tháng 7 trong phiên ngày 19-3-2015
Diễn biến Robusta tháng 7 trong phiên ngày 19-3-2015

Lời bình:

Nhiều tháng nay, thị trường cà phê đã làm quen với từ “kháng giá” (resistance). Nghịch với kháng giá là “hỗ trợ giá” (support). Kháng giá được hiểu đại khái là các mức giá đã được lập nên trước đây thường có lượng giao dịch tập trung. Nếu vượt được mức cao gần nhất, giá sẽ qua mức cao tiếp theo. Ngược lại, nếu không vượt nổi, giá sẽ quay đầu.

Nói như thế để thấy rằng mức kháng giá không phải là cái gì của “kỳ vọng” mà là những mục tiêu đã được xác lập rất cụ thể. Nhưng, oái oăm một điều là nếu “kháng” không đạt như trong trận bóng đá, đá banh không thủng lưới đối phương, dắt bóng lê rê không lọt vào cầu môn, thì khả năng banh đối phương lọt vào cầu môn mình cũng lớn không kém.

Như vậy, hôm qua, ai kỳ vọng lên 1900, thì giá bị ngãng tại mức 1880-1882 (mức cao của tháng 7-2015). Tại sao? Chắc do nhiều người bán hay chốt giá tại mức ấy.

Còn nói về chuyện mua arabica Mỹ bán robusta châu Âu, cũng chẳng phải là dự đoán mà có số liệu đàng hoàng. Tính đến 10-3, tức ngày khóa sổ quyết toán kinh doanh của các quỹ đầu tư cỡ lớn, con số tổng hợp gồm cả hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn, trên sàn robusta họ còn giữ 17.862 lô mua khống (long position) và sàn arabica chuyển sang bán khống (short position) ở mức 4278 lô. Cho nên, khả năng bán ra của sàn robusta cao hơn và khả năng mua vào của sàn arabica nhiều hơn.

Còn bạn hỏi tại sao họ không mua trên sàn robusta để giá tăng? Điều ấy chỉ có trời và chủ sàn mới biết!

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ha thinh

    Thật lòng cám ơn bác bình.bac có rất nhiều bài viết hay và tâm huyết.nhơ bác mà rất nhiều bà con nông dân học được nhiều kinh nghiệm quý báu mà không mất 1 ngàn đồng đi học.ma kinh nghiệm đễ rút ra sau mỗi lần thất bại về giá cà phê là rất lớn nó ảnh hưởng đến kinh tế và cả hạnh phúc gia đình mỗi hộ nông dân trồng cà phê.Chúc bác luôn khỏe manh để sát cánh với bà con nông dân

  2. Hoàng Quân

    Chào bác Bình.
    Em thường xuyên đọc bài của bác và qua đó em biết được giá cà phê không chỉ ảnh hưởng bởi cung cầu, tỷ giá mà quan trọng là sự điều khiển của chủ sàn nữa. Vậy thì nguy quá bác nhỉ vì nông dân mình làm ra sản phẩm với những chi phí, công sức lớn như vậy mà mang đi đánh bạc với các ông ấy thì tội quá. Có cách nào mình bán được sản phẩm trực tiếp cho những nhà rang xay (khách hàng thực) được không và khi đó giá có tốt hơn không? Chúc bác sức khoẻ.

  3. Bình Nguyễn Quang

    Cám ơn các bạn đã có góp ý và lời bình.
    Thật ra, bán trực tiếp cho rang xay không có gì là cao vời vì nhiều nhà xuất khẩu nước ta đã từng làm. Cốt tử khi làm ăn với họ là kỹ thuật mua bán nhuần nhuyễn, giao hàng đúng hẹn và đúng chất lượng, không vì giá tăng giảm mà làm thay đổi mẻ rang của họ. Ngoài ra, họ còn những điều kiện khá khắc nghiệt như thanh toán rất chậm, có khi từ 3-6 tháng sau khi giao hàng mà bản thân người bán chịu không nổi, nhất là trong mấy năm qua ngân hàng vừa tăng/giảm lãi suất thất thường và thu hẹp tín dụng.
    Sàn kỳ hạn không có gì xấu. Nó là cần thiết nếu như nhà xuất khẩu sử dụng nó như công cụ bảo vệ kinh doanh. Song, nhiều người đã dùng nó như chiếu bạc, đặt cược, không chỉ từ phía nhà kinh doanh mà nhiều cấp quản lý đang hiểu nhầm rất lớn về vai trò và vị trí của sàn. Hệ quả là những người tham gia thua lỗ trầm trọng và đổ thừa cho nó.
    Cần thiết phải có những buổi tập huấn và tài liệu hướng dẫn, cũng như những biện pháp chế tài cho những ai dùng sàn để đỏ đen.
    Tôi không nói mình tẩy chay sàn nhưng phải hiểu sàn trước khi kinh doanh như cầu thủ trước khi ra sân phải hiểu luật chơi của nghề bóng đá chẳng hạn.
    Còn ta cứ yêu cầu họ minh bạch, thế này thế khác mà không hiểu họ…chợ mà minh bạch cái nỗi gì!
    Vậy nhé bạn!

  4. haminhduc

    Một bài viết rõ ràng , mạch lạc , dễ hiểu và đặc biệt là hết sức <> . Mong muốn có những bài viết hết sức <> không vụ lợi như thế này được thực hiện tiếp theo để bạn đọc đón nhận . Cám ơn tác giả !

  5. Meobeo

    Hồi đầu mùa > 41.000 đ thì không ai dám chốt, ai ai cũng nghĩ năm nay đang mùa vụ mà giá thế này rồi thì qua tết chắc lên nữa nhưng không phải như vậy, bây giờ lại thấy trông ngóng 19000USD /tấn để mà bán lại thấy khó khăn, đúng là khổ, nếu đã ký gửi và ứng tiền rồi thì lại đến hạn dọn kho và phải chốt giá, năm vừa rồi đến 10/ 10 tôi mới xuất được.Thôi giá 42 cũng an ủi phần nào. năm nay chắc cũng thế quá.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78