Cà phê có chứng nhận quốc tế: Nhiều chưa chắc đã hay

Nếu sản lượng cà phê có chứng nhận dư thừa quá nhiều buộc phải bán với giá thông thường dẫn đến thua thiệt.

Niên vụ vừa qua, cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng cà phê của Việt Nam, vượt mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đặt ra. Sản xuất cà phê có chứng nhận giúp cả doanh nghiệp và người nông dân đều được lợi nhờ giá bán cao, còn các nhà nhập khẩu thì có nguồn hàng ổn định với chất lượng bảo đảm. Đây là dấu hiệu tốt giúp ngành cà phê Việt Nam nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Hiện cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng.
Hiện cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng.

Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nếu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nhiều cà phê chứng nhận chưa chắc đã thu được lợi ích tương xứng. Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống phải nhìn lại để cà phê Việt Nam phát triển bền vững, hài hoà.

Tại Đắk Lắk, Công ty cà phê Thắng Lợi đang cùng với nông dân sản xuất 1.200 ha cà phê theo chứng nhận của UTZ CertifedRain Forest. Phó Tổng giám đốc Công ty, ông Vũ Đình Nội cho biết, sản phẩm cà phê xuất khẩu của đơn vị luôn được lợi hơn khoảng 300 USD/tấn so với cà phê không có chứng nhận, do không bị trừ lùi mà lại được cộng thêm tiền thưởng chất lượng.

[ Tìm hiểu các chứng nhận cà phê phổ biến trên thế giới ]

Cũng theo ông Vũ Đình Nội, có 3 yếu tố cơ bản để thành công trong sản xuất cà phê bền vững, đó là phải làm tốt công tác bảo vệ vườn cây, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, và cộng thưởng khuyến khích người lao động.

Việc sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận quốc tế đang được thực hiện rộng khắp ở Đắk Lắk cũng như cả vùng Tây Nguyên. Các loại hình cà phê chứng nhận phổ biến là 4C, UTZ , RFA (rừng nhiệt đới), và Fairtrade (thương mại công bằng). Đến nay cà phê có chứng nhận đã chiếm 1/3 diện tích, và đạt tới 58% tổng sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk. Tính chung toàn ngành cà phê, niên vụ vừa qua, cà phê có chứng nhận quốc tế đã đạt trên 50% sản lượng, sớm 2 năm so với mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đặt ra.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, sản xuất cà phê có chứng nhận không phải càng nhiều càng tốt, vì thực tế đã bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp khó bán được loại cà phê cao cấp này.

“Các doanh nghiệp cà phê đang liên kết với nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên việc phát triển cà phê có chứng nhận trong những năm vừa qua đã đi quá nhanh, có tình trạng sản xuất nhiều nhưng chưa bán được. Do đó, ngành cà phê địa phương cũng như quốc gia cần phải xác định sẽ làm cà phê có chứng nhận ở mức độ nào để duy trì được tính bền vững”, ông Minh cho biết.

Cũng với cái nhìn cẩn trọng, TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, cái khó của sản xuất cà phê có chứng nhận không là quy trình sản xuất, mà chính là thị trường tiêu thụ.

Thực tế ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia sản xuất cà phê khác, không phải tất cả sản phẩm cà phê có chứng nhận đều dễ bán, vì các nhà rang xay luôn có tính toán riêng của mình, nhập nhiều loại cà phê, với giá cao thấp khác nhau để thu được lợi nhuận tối ưu. Nếu sản lượng cà phê chứng nhận dư thừa quá nhiều sẽ buộc phải bán với giá thông thường, dẫn đến thua thiệt.

[ Xem thêm: Danh sách tiêu chuẩn cà phê Việt Nam ]

TS. Lê Ngọc Báu cho rằng, các doanh nghiệp cần có thông tin cụ thể về nhu cầu của thị trường để sản xuất cà phê chứng nhận với quy mô phù hợp.

Sản xuất cà phê có chứng nhận và tiêu thụ được cà phê theo chứng nhận bao giờ nó cũng có sự chênh lệch nhất định. Doanh nghiệp và người nông dân cần phải có những tính toán và dự báo tương đối sát, không phải cứ càng nhiều chứng nhận là càng tốt, làm sao phải bán được nhiều sản phẩm có chứng nhận mới là điều quan trọng”, TS. Lê Ngọc Báu khuyến cáo.

>> Ngành cà phê lo đi tìm… chứng chỉ

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. mmtuan

    Cái này là thực trạng đáng buồn hiện nay . Khối lượng cà phê chứng nhận quá nhiều , trong khi đầu ra thì hạn chế , dẫn đến ko thể tiêu thụ được cà phê chứng nhận , hoặc có tiêu thụ được thì cũng bị ép giá xuống , nên mức cộng thưởng thực tế rất thấp .

  2. Phan Trọng Anh

    Năm ngoái tôi có ngồi uống cà phê với một giám đốc đai diện công ty nước ngoài : anh nói mua hàng UTZ của đại lý + 30 usd , mà bán chào đối tác ngược lại UTZ + 25 usd mà họ chưa chịu mua , anh nhấn mạnh chắc trong vài năm nữa cũng bỏ mua hàng UTZ . Đôi lời chia sẻ

  3. Dan Viet

    Mọi người ơi, chúng ta hãy nhìn xa một chút chứ không chăm chăm cái lợi ngắn hạn về giá bán chứng nhận so với không chứng nhận:

    + Môi trường trong lành.
    + Đất đai không bạc màu.
    + Tạo ra được thương hiệu quốc gia uy tín….
    + ++++
    Không phải là những điều đáng quan tâm sao?

  4. mmtuan

    @Phan Trong Anh : Các cty vẫn mua hàng chứng nhận UTZ , nhưng giá thấp hơn hàng thường 400-500 đồng. Sau đó cộng thêm giá thưởng vào nữa thì cũng ngang bằng với giá hàng thường mà thôi.

  5. Chùa bộc

    Ngẫm tí nhé các Bác:
    – Cà phê chứng nhận cũng là loại hàng hóa, thì nó chịu sự cung cầu thôi.
    – Vấn đề ở chỗ, ai được hưởng trong cái chuỗi giá trị 4C/Utz/Rainforest/… này? Người nông dân, người buôn, nhà rang xay hay người tiêu dùng?
    – Trước đây, lấy lý do cà phê Việt Nam chất lượng kém nên khó bán/giá thấp. Vì thế, người dân/doanh nghiệp tham gia các chương trình để có chứng nhận về chất lượng cà phê tốt hơn, sản xuất theo quy trình,… nhưng lại khó bán hơn, hoặc chỉ như cà phê thường.
    – Bác Dân Việt ơi, nếu giá trị kinh tế không đạt được thì làm mấy cái này làm gì? Không có tiền, làm sao mà cải thiện môi trường, duy trì độ màu mỡ phân bón, hay là thương hiệu,….?

  6. mmtuan

    @Chùa Bộc : Dần dần sẽ phát triền theo hướng cà phê chứng nhận ko còn được cộng thưởng nữa . Mà tác dụng duy nhất của cà phê chứng nhận là nó sẽ dễ bán hơn hàng thường nếu cả 2 cùng giá .

  7. ho nam

    Trước đây tôi thấy cà phê R1…R2… đến nghe nói in sàng 16 hay 14 gì đó nhưng nay thì hạt to cũng như hạt nhỏ hạt màu vàng cũng như hạt xanh, hạt đen lẫn lộn đại lý đều cho một giá miễn rằng có độ ẩm và tạp chất như nhau! Cho nên đâu đó vẫn có người thu hoạch cà phê xanh, non. Vậy cà phê có nhiều chứng nhận chưa chắc đã hay – nghe qua có phần đúng nhưng ngẫm nghĩ thấy mà buồn!

Tin đã đăng