Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… tình trạng trộm cắp, phá hoại cà phê, hồ tiêu đang ở mức báo động. Để bảo vệ tài sản, nhiều nông hộ đã chủ động thu hái cà phê xanh non. Tuy nhiên, việc thu hái cà phê xanh non khiến chất lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm, sản lượng giảm và lâu dài sẽ có những hệ lụy khôn lường.
Thu hoạch sớm để… tránh trộm
Từ giữa tháng 10 đến nay, tại huyện Cư M’gar, vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk, đã xảy ra hàng trăm vụ trộm cắp cà phê, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ. Nhiều vườn cà phê ở xa các khu dân cư, không người trông coi chỉ sau một đêm, kẻ gian đã hái hết cả vườn. Thậm chí, bọn trộm cắp còn chặt cả cành, cả cây có nhiều quả cà phê chín để đưa ra nơi khác tuốt quả gây thiệt hại lớn trước mắt cũng như về lâu dài cho các nông hộ. Điều đáng lo ngại là kẻ trộm cà phê không đi đơn lẻ mà thường tổ chức thành từng nhóm để ra tay trộm với số lượng lớn theo kiểu triệt phá. Nhóm lẻ từ 3 – 4 người, nhóm lớn lên đến chục người, mang theo xe máy, bao bì để chứa đựng.
Sau khi xảy ra sự việc, người dân đã báo cáo chính quyền, lực lượng chức năng nhưng theo phản ánh của người dân thì chính quyền mới chỉ dừng lại ở chỗ ghi nhận sự việc, còn việc tiến hành điều tra, xử lý thì hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Bản thân các cơ quan chức năng cũng cho rằng, việc điều tra các đối tượng này rất khó, bởi các vườn cây chủ yếu nằm xa khu dân cư, vắng vẻ, hiện trường ít dấu vết, khi trộm cắp nếu có động tĩnh chúng dùng điện thoại để thông báo cho nhau tẩu thoát. Một số người dân sợ bị trả thù nên không trình báo hoặc trình báo chậm… Do vậy, các cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp trước mắt, các chủ vườn phải liên kết cùng nhau bảo vệ, khi phát hiện kẻ trộm thì nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
[ Trái cà phê còn xanh đã bị trộm ]
Cần có biện pháp bảo vệ vườn cây
Do nạn trộm cắp cà phê đang diễn ra khá phức tạp nên mặc dù cây cà phê mới có tỷ lệ quả chín đạt gần 70% nhưng nhiều nông hộ ở Đắk Lắk đành thu hoạch sớm để bảo vệ an toàn vườn cây cho các niên vụ sau, vừa tránh được trộm cắp. Nông dân thu hoạch sớm bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng là khi vườn cây có tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà để góp phần nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu. Mặt khác, theo một số nông hộ, họ thu hái quả xanh nhiều là do chi phí thu hoạch quả và việc bảo vệ quả chín ngoài nương rẫy rất tốn kém. Tính trung bình một đêm trông nương rẫy cà phê trong mùa thu hoạch là 100.000 đồng. Trong khi đó, giá bán sản phẩm giữa quả xanh và quả chín không chênh nhau mấy.
Dưới góc độ chuyên môn, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hầu hết các nông hộ sản xuất cà phê chưa đánh giá đầy đủ những hệ lụy khi thu hoạch cà phê sớm. Qua nghiên cứu cho thấy, việc thu hoạch sớm lẫn nhiều quả xanh không những làm giảm chất lượng cà phê nhân xuất khẩu mà còn gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng. Nếu thu hoạch nhiều quả cà phê xanh vào đầu và giữa vụ thu hoạch, thì sự hao hụt về sản lượng trên khoảng 20% và nếu tiếp tục thu hái nhiều quả cà phê xanh non diễn ra, thời vụ thu hoạch cà phê sẽ chuyển dịch dần vào cuối mùa mưa, gây nhiều bất lợi cho việc thu hoạch và chế biến…
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã có các văn bản, chỉ thị cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm tăng cường bảo vệ các vườn cà phê. Các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh đều bố trí người ngày đêm túc trực trên nương rẫy, hoặc tự liên kết, thành lập các nhóm hộ luân phiên ngày đêm bảo vệ vườn cây. Các xã ở vùng trọng điểm cà phê cần củng cố các tổ an ninh tự quản phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, bảo vệ, không cho người lạ vào vườn cà phê. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra tạm trú, tạm vắng, số nhân hộ khẩu các nơi khác đến làm thuê… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đại lý thu mua cà phê không thu mua cà phê xanh, non, cà phê lẫn nhiều quả xanh của các đối tượng không rõ nguồn gốc. Khi gặp trường hợp nghi ngờ phải báo ngay với các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý.
Khi gặp trường hợp nghi ngờ phải báo ngay với các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý. Còn khi bị mất trộm rồi thì điều tra rất khó, bởi các vườn cây chủ yếu nằm xa khu dân cư, vắng vẻ, hiện trường ít dấu vết,… người dân sợ bị trả thù nên không trình báo hoặc trình báo chậm…
Nhà báo viết đoạn này hay quá !
Nói chung do chính quyền không quan tâm tới an ninh sản xuất nông nghiệp thôi, chứ chính quyền mà quan tâm thì bọn trộm nào có đất sống, an ninh chính trị chỉ nhen nhóm là đã bị dập tắt ngay mà. Cứ hô hào phải hái cà phê chín, chính quyền có bảo vệ người có vườn cà phê đâu mà hô với hào. Chán quá.
HÁI NON HAY HÁI CHÍN?
Không cần phải tới Viện khoa học, Nhà khoa học gì cả, ai mà chả biết là trái chín thì chất lượng hơn trái non. Nhưng ông bà mình có câu “Non trong nhà hơn già ngoài đồng”, chứng tỏ nạn mất trộm cây trái ngoài vườn đã có từ ngày xửa ngày xưa. Nó là một cái gì đó mặc nhiên tồn tại trong xã hội người Việt Nam, không có “Cơ quan chức năng” nào có thể thay đổi một “thuộc tính văn hóa” đã tồn tại cả ngàn năm được. Các bạn cứ mong “chính quyền” dẹp bỏ tệ nạn này để người dân an tâm ngủ ngon chờ đến lúc cà phê chín đỏ rực ngoài đồng rồi mới ra hái cho có chất lượng thì chắc lúc đó dân ta hái cà phê xong về ăn tết Công-gô chứ không phải tết Ta nữa!
Thiưa cụ Vinh, “thuộc tính văn hóa” mà cụ nêu không hẳn để chỉ cho nạn trộm cắp. Tôi thuộc lớp U60, nên ngày xưa nên cũng thường nghe câu này khi hiện tượng thời tiết có dấu hiệu xấu, không an toàn cho mùa màng, cây trái như bão, lũ lụt, cháy…Văn hóa của người Việt là “đói cho sạch, rách cho thơm”, đêm ngủ không cần cài cửa… làm gì có chuyện “văn hóa giữ của” như ý cụ. Còn cái chuyện ” không có “Cơ quan chức năng” nào có thể thay đổi…” thì cụ lại tự ý hạ thấp uy thế của người cầm quyền rồi nhé, hay CQ là cụ vậy? Không thể né tránh vì đó là trách nhiệm. Hãy đọc ngẫm Com của @k duông để thấy hiệu lực của CQ!
Thưa bác Tùng tân bình,
Rất trân trọng ý kiến của Bác.
Thực ra ai cũng muốn bình yên để làm ăn và làm một cách hiệu quả nhất. Ai cũng mong có một “cơ quan chức năng” đủ mạnh để tận tâm, tận lực lo cho an ninh của dân của nước cả. Ngày xưa không biết thế nào chứ bây giờ mà đêm ngủ lỡ quên gài cửa…sáng hôm sau báo công an thì…
Mình có 1 câu hỏi nhờ ai biết có thể trả lời giúp là: cà phê chín với cà phê non thì chênh lệch bao nhiêu về sản lượng. Cà phê chín 100% và cà phê hái cả chín cả xanh thì chênh lệch giá thế nào và ở đâu thu mua cà phê chín 100%, mình ở Đăk Nông. Mong mọi người giúp đỡ!
Cái này bác tự thí nghiệm vườn nhà là ra thôi. Hái ngẫu nhiên từng tỷ lệ chín khác nhau. Mỗi thứ 3 mẫu cho khách quan. Sàng sẩy phơi phóng xong cân lên. Mình nhẩm tính hái non tỉ lệ 70% chín thiệt hại 25-27% tổng lượng. Tức là một ha năng suất trung bình 4 tấn nếu hái chín sẽ đạt 5 tấn thay vì 4 tấn. 1 tấn giá 40tr tha hồ thuê công hái và coi trộm.
Mình có hỏi một số nhà thu mua cà phê nhân nước ngoài là anh/chị đánh giá thế nào về chất lượng cà phê robusta của Việt Nam. Đa số đều trả lời là chất lượng thấp. Nếu phải chọn giữa việc mua robusta của Việt Nam và robusta của Ấn Độ, họ sẽ chọn cái thứ hai. Họ cho rằng yếu tố hái cà phê cả quả/trái non là một trong những yếu tố khiến chất lượng cà phê của ta bị đánh giá thấp hơn Ấn Độ. Nghe xong cũng hơi buồn!!!
Quyền
Anh Quyền à,
Họ có mua robusta Ấn độ được đâu! Nói họ đưa mẫu cho anh xem tận mắt mới biết được. Đôi khi họ nói tầm phào mà không sử dụng một cơ sở nào để chứng minh. Đồng ý là robusta VN nói chung bị thu hái khá ẩu, nhưng chê thì bạn nên hỏi tại sao ra hột nào bán hết hột nấy, năm nào bán cũng sạch kho? Vấn đề chất lượng robusta có nhiều thứ lắm, đôi khi người bạn hỏi không rành, như robusta VN có thành thấp 1kg khô chỉ bằng 0,7 kg rang, khá sốp. Robusta Ấn độ/Indonesia chắc hơn (hard vs soft) nên các nhà chế biến cà phê thích và mua giá cao nhờ đó (như 1kg khô bằng 0,75 hay 0,8 kg rang chẳng hạn). Còn mùi vị, không quan trọng bằng arabica nên miễn bàn ở đây. Nghe họ nói, đừng vội buồn, đôi khi họ muốn dân mình cố gắng nhưng làm sao được, đất đai, khí hậu, tập quán canh tác, giống…anh không nghiệm ra thì buồn đến hết đời vẫn còn buồn.