Thị trường cà phê tuần 36 (8/9 – 13/9/2014)

Trong tuần 36, giá cà phê Robusta giảm 82 USD/tấn, tương đương giảm 3,94 %, giá cà phê nhân xô giảm 1.200 đồng/kg, tương đương giảm 2,94 % và giá cà phê Arabica giảm 13,5 cent/lb, tức giảm 6,82 %. Giá cà phê Robusta kỳ hạn có tuần giảm mạnh nhất trong gần 5 tháng.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11 tuần 36 (8/9 – 13/9/2014)
Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11 tuần 36 (8/9 – 13/9/2014)

 Cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn có phiên điều chỉnh trái chiều trên hai sàn giao dịch.

Trên sàn LIFFE – London, giá cà phê Robusta có phiên điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng 9 USD, tương đương tăng 0,45 %, lên 1.997 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2015 cũng tăng 9 USD, tương đương tăng 0,45 %, lên 2.007 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất ít ỏi.

Trái lại, trên sàn ICE – New York, giá cà phê Arabica có phiên điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm 0,9 cent, tức giảm 0,49 %, xuống 179,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2015 cũng giảm 0,9 cent, tức giảm 0,47 %, còn 188,6 cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 đồng, lên ở mức 38.400 – 39.700 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, được chào 1.927 USD/tấn, FOB – HCM, với trừ lùi ở mức 70 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm 82 USD/tấn, tương đương giảm 3,94 % và giá cà phê nhân xô trong nước giảm 1.200 đồng/kg, tương đương giảm 2,94 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn giảm 13,5 cent/lb, tức giảm 6,82 %. Giá cà phê Robusta kỳ hạn có tuần giảm mạnh nhất trong gần 5 tháng.

Giá cà phê thế giới suy giảm do USD tiếp tục mạnh lên trong rổ tiền tệ.

Trong khi đó, tỷ giá đồng nội tệ tăng thêm thúc đẩy người trồng cà phê ở Brazil, Colombia và một số nước sản xuất khác gia tăng bán ra.

Thống kê cho thấy khối lượng cà phê xuất khẩu từ Brazil trong vòng 12 tháng qua đã lên tới mức kỷ lục 35,3 triệu bao, một con số gây bất ngờ cho thị trường tiêu dùng. Vì quốc gia sản xuất hàng đầu phải gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong thập kỷ hồi hai tháng đầu năm làm sản lượng vụ vừa thu hoạch sụt giảm nghiêm trọng. Lượng cà phê xuống tàu của Colombia cũng gia tăng thêm 2 triệu bao, tính trong 11 tháng đầu niên vụ 2013/2014.

Các nhà môi giới trên thị trường hàng hóa cho biết, USD tăng cao làm cho các loại hàng hóa giao dịch bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ. Trong khi đó thị trường cũng dự kiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) sớm tăng lãi suất cơ bản, sau khi gói kích thích kinh tế kết thúc vào tháng 10, do kinh tế Mỹ hiện tăng trưởng lạc quan hơn mức dự tính. Chính sách này có thể khiến các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi một số thị trường.

Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC), số hợp đồng quyền chọn và kỳ hạn đặt cược vào giá tăng của 11 loại nông sản giảm 14% xuống còn 237.297 hợp đồng, tính đến ngày 9/11.

Các thương nhân quốc tế dự kiến lượng hàng Việt Nam xuống tàu trong tháng Chín sẽ khoảng 1,67 – 2 triệu bao cà phê so với 1,5 triệu bao xuất khẩu tháng Tám, chủ yếu là thực hiện các hợp đồng giao sau chứ không phải là những thương vụ mới.

Theo các nhà phân tích, thương nhân của quốc gia sản xuất Robusta hàng đầu thường bán khống khá nhiều vào đầu vụ làm cho giá chênh lệch so với giá kỳ hạn bị kéo giãn ra, chủ yếu vì nhu cầu tài chính.

Anh Văn (giacaphe.com) 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nga hoàng

    Chính vì những thương nhân buôn bán như trên, họ tự mình bán khống, sàn giao dịch luôn nhanh chóng no, làm kìm hãm sự tăng giá của thị trường, người nông dân kháng giá đến đâu cũng không thoát khỏi bàn tay họ. Thế mới hiểu được tại sao sàn có giá 2.112$/tấn mà thị trường chỉ trên 41.000 đ/kg. Dù thông tin tốt đến đâu, giá cũng không lên nổi 42 !

    1. dutran

      Đây mới thật là vấn đề cốt lõi, chỉ khổ cho nhà nông chúng ta mà thôi! Làm lụng vất vả cả năm trời không bằng chúng đầu cơ một phiên giao dịch… nản toàn tập.

  2. nga hoàng

    Vụ mùa 2013- 2014 nông dân Việt Nam bán róc nguồn hàng dự trữ, hãy đợi xem vụ mùa 2014-2015 thu hoạch thực tế là bao nhiêu. Bởi vì giá bán vào tháng 6 năm 2013 giảm xuống rất mạnh nên người nông dân đã giữ hàng lại, nâng tổng số xuất khẩu 2014 tăng lên. Còn năm tới vừa mất mùa, vừa không còn hàng dự trữ sẽ không còn là 23 triệu bao nữa mà sẽ thấp hơn!

  3. tiep pham

    Bây giờ chắc cà phê trong dân cũng đã hết, kho dự trữ thì cũng đủ xài nên chả ai thèm mua bán gi cả, buồn ghê… Nhưng bà con yên tâm, vụ mùa 2014 – 2015 thế nào giá cũng cao, vì ko có tồn kho của vụ cũ đưa sang vụ mới.

  4. Bình nguyen

    Kinh doanh không có vốn, phải vay NH. Muốn vay thì phải có hợp đồng nên đành phải bán khống cho có, khách mua nước ngoài lợi dụng cơ hội ép giá chênh lệch trừ lùi tăng lên nữa. Vòng lẩn quẩn này cuối cùng người nông dân trồng cà phải chịu. Kêu ai ? ai nghe ?…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88