Thị trường cà phê: Biết tin đường nào?

Chưa bao giờ tình trạng mất phương hướng về giá trong thị trường cà phê bộc lộ rõ như hiện nay. Biết tin đường nào?

Giá cà phê nhảy nhót từng ngày

Hiếm khi thấy giá cà phê ngày tăng ngày giảm với mức dao động cao có khi cả triệu đồng mỗi tấn như mấy ngày qua. Giá kỳ hạn robusta Ice Liffe London cứ hôm qua tăng vài mươi đô la Mỹ thì hôm nay thấy lọt thỏm xuống sâu cũng vài chục đô la không ít.

bieu-do-gia-ca-phe-robusta-london
Diễn biến giá cà phê Robusta giao dịch trên Liffe tuần qua

Thật vậy, giá cà phê thị trường nội địa và kỳ hạn từ cuối tuần trước đến nay đi theo đường “gãy khúc” hàng ngày. Tại các tỉnh Tây Nguyên, nếu lấy giá cuối tuần mức 40.000 đồng làm chuẩn, tức thì đầu tuần nhảy lên 40.600 đồng, rồi ngay sau đó thụp xuống; đến sáng thứ sáu tăng lên 41.000 đồng thì ngay chiều hôm ấy, đổ xuống 40.300 đồng… “Giá đi theo kiểu này không ai mua bán được vì dao động quá thất thường”, một nhà xuất khẩu tại Buôn Ma Thuột than thở.

Tại London, “giá nhảy nhót như muốn rung sàn kỳ hạn”, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM ví von. Thật thế, giá đóng cửa sàn kỳ hạn London từ ngày 8-5 đến nay cứ ngày hôm trước leo cao là ngay ngày hôm sau rớt sâu. Đóng cửa sàn kỳ hạn robusta khuya hôm qua thứ Sáu giảm 92 đô la/tấn so với hôm trước, nhưng chỉ giảm 47 đô la so với cuối tuần trước để chốt mức 2.046 đô la/tấn (xin xem biểu đồ). Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay thứ Bảy 17-5 chỉ còn 39.500 đồng, thậm chí có nơi các đại lý thu mua còn trả giá thấp hơn, mất 1.500 đồng so với thứ hôm qua và 500 đồng/kg so với tuần trước.

Thị trường toàn nhận định trái chiều

Sàn kỳ hạn đầu tuần đến nay xì xụp, đặc biệt ngay sau khi cấp tùy viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra các báo cáo sản lượng cà phê của nhiều nước. Kết luận sơ khởi: sản lượng không đáng lo như nhiều người tưởng. Bộ phận tùy viên tại Brazil cho rằng khô hạn tại các bang trồng cà phê arabica lớn nhất của nước này trong mấy tháng đầu năm 2014 là không chối cãi; tuy nhiên USDA ước sản lượng Brazil chỉ giảm chừng 8% so với năm ngoái, đạt mức 49,5 triệu bao (60 kg x bao), trong đó gồm 33,1 triệu bao arabica và 16,4 triệu bao robusta. Như vậy, dựa trên báo cáo cũ của USDA, năm nay arabica Brazil mất 6,3 triệu bao hay 15,99% nhưng robusta lại tăng 2,1% hay 14,69%.

Cũng theo USDA, tồn kho từ vụ cũ mang sang qua vụ mới năm nay chừng 6,3 triệu bao, con số khá khiêm tốn vì những ước đoán khác cao gấp đôi. Như vậy, niên vụ mới Brazil sẽ có tổng số 55,8 triệu bao; trong đó ước tiêu thụ nội địa 20,1 triệu và xuất khẩu chừng 32,88 triệu bao. Tính chung, cung cầu đề huề hay cung có nhỉnh đôi chút.

Tại Indonesia, nước sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới, hiệp hội cà phê nước này “phấn khởi” ước niên vụ mới sẽ đạt 11,67 triệu bao, trong đó 5 triệu bao tiêu thụ nội địa và số còn lại có thể để dành cho xuất khẩu.

Ấn Độ, Kenya, Tanzania, Uganda, Đông Phi, USDA đều ước sản lượng vụ tới không giảm và còn tăng nhẹ.

Ngược lại ý kiến của USDA, Conab, đơn vị đánh giá sản lượng nông nghiệp của chính phủ Brazil cho rằng hạn hán vừa qua rất nghiêm trọng, làm sản lượng cà phê nước này thiệt hại nặng nề, không chỉ trước mắt mà còn cả năm sau. Vả lại, do trước khi xảy ra hạn hán, giá thị trường thấp, nông dân cắt bỏ cành, hạn chế đầu tư để nuôi cây, nào ngờ do khô hạn mà giá đã tăng lại.

Ước báo ra ngày 15-5 của Conab cho rằng sản lượng năm này của Brazil chỉ đạt 44,57 triệu bao, giảm 9,3% so với ước báo trước của họ, trong đó arabica đạt 32,23 triệu bao, giảm 5,8% và robusta 12,33 triệu bao, tăng 13,4%.

So với ước báo của USDA, dự báo của Conab thấp hơn 5 triệu bao, nhìn riêng lẻ thì lớn nhưng đưa nó vào bức tranh chung sản lượng cà phê thế giới hay nhìn vào lượng tồn kho mang sang, con số này có thể được bù đắp bởi nhiều nước được mùa hay được robusta thay thế.

Tóm lại, USDA đứng trên vị thế nước tiêu thụ cho rằng thế giới không thiếu cà phê, Conab nằm phía sản xuất nói rằng sắp tới không đủ cà phê để uống.

Nói giá tăng hay kích lòng tham?

Nhà phân tích sản lượng và thị trường có tiếng của Mỹ Judith Ganes-Chase lại có cái nhìn hết sức tiêu cực về sản lượng Brazil và tích cực về giá kỳ hạn. Theo bà này, hệ lụy của đợt khô hạn Brazil làm thị trường “có vấn đề lâu dài chứ không phải đùa”. “Chắc chắn năm 2015 sản lượng Brazil sẽ còn giảm nữa. Không chỉ là cà phê ít hơn, chất lượng cũng kém hơn như kích cỡ hạt nhỏ hơn, lỗi phát hiện từ thử nếm sẽ nhiều hơn,” bà Ganes-Chase nói.

Và Ganes-Chase mạnh dạn dự báo rằng giá kỳ hạn New York phải đến 300 xu mỗi cân Anh (cts/lb) (hiện nay là 200 cts).

Trong khi đó, Mark Nucera, một nhà phân tích khác cũng cho rằng giá kỳ hạn robusta có thể leo lên đến 3.000 đô la/tấn do tại Việt Nam người ta bán robusta nhưng “canh” arabica để nương theo.

Thật ra, những nhận định của các nhà phân tích có thể không dựa mấy đến tình hình hạn hán mà nhìn vào lượng tồn kho đạt chuẩn arabica và robusta của các tay đầu cơ càng lúc càng lớn.

Thống kê của sàn kỳ hạn London cho biết tồn kho robusta đạt chuẩn tính đến hết ngày 12-5 đạt 33.554 tấn, tăng 17.370 tấn chỉ sau hai tuần. Còn tại sàn arabica, lượng tồn kho đạt chuẩn đến ngày 15-5 là 154.218 tấn.

Rõ ràng hạn hán làm giảm sản lượng cà phê thế giới nhưng động thái ghim hàng một lượng lớn, tạo nên những đợt thiếu hàng cục bộ hay giả tạo, cộng với mua một lượng hợp đồng kỳ hạn cực lớn để đẩy giá tăng, gây sốt và siết giá… thì không cần phân tích thị trường vẫn đoán được. Tuy nhiên, chắc các nhà kinh doanh chuyên nghiệp và rang xay nay đã có quá nhiều kinh nghiệm để tránh thiệt hại do tác động đầu cơ, nên giá có thể tăng nhưng có lẽ sẽ không mạnh như ý muốn của người tạo “hiện trường giả”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tran hòa

    Cách đây vài tháng usda tuyên bố thế giới thiếu hụt cafe ,nay bộ này lại nói cung vừa đủ cầu , rõ ràng không thể tin usda được

  2. nguyen thanh long

    Tôi vẫn tâm đắc việc bác N Q Bình nói về bẫy thời tiết, hoặc bẫy cung cầu. Các dự đoán trên các bản tin của nuớc ngoài thì họ phải đưa tin có lợi cho chính họ, lâu lâu lại có tin đúng làm cho các nước SX không biết đâu là thật là bịa, vi sao? Vì ho là người làm ra các bản tin dự báo, họ nói ông nọ bà kia phân tich, nhận định lung tung, sản lượng thì nay thế này mai thế khác, khi không còn gi để nói họ lại quay sang phân tich nhu cầu tiêu thụ, rồi có khi những tin ở tận Châu phi cũng được họ sử dụng trong kinh doanh. Đúng là “biết tin vào ai?”

Tin đã đăng