Cuối mùa, giá cà phê vẫn rớt sâu

Giá cà phê nội địa chạm các mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay. Lượng cà phê xuất khẩu ít đi do hết hàng hay vì lý do khác? Brazil bắt đầu thực hiện chương trình quyền chọn bán arabica, để mong giá được giữ vững. Nhưng, tác động của nó vẫn chưa rõ ràng. 

Thị trường nội địa quá yếu

Giá cà phê nội địa tuần qua rớt xuống mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay, có lúc chỉ còn quanh 36.200-36.500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên. So với giá đỉnh trong mùa, mức này đã giảm trên 10.000 đồng/kg.

Sáng nay thứ Bảy 14-9, giá vẫn ở mức thấp 36.200 đồng/kg, mất 1.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Tuy chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc niên vụ 2012/13, người còn hàng tỏ ra lo lắng không hiểu vì sao thị trường cuối vụ càng lúc càng yếu. “Đáng ra, ở thời điểm này các năm trước, giá có xuống cũng không tệ như thế này, xuống mức thấp nhất trong mùa”, một người còn hàng tại tỉnh Đăk Lăk than thở.

Nhiều người cho rằng dù xuất khẩu hai tháng gần đây xuống dưới mức 100.000 tấn/tháng, lượng hàng còn tồn trong dân cư vẫn không ít. Lượng hàng ấy thường được gọi là “tồn kho giấu mặt” (invisible stocks), khó kiểm chứng và chỉ xuất hiện khi được giá. Theo đánh giá của một hãng kinh doanh cà phê lớn có đại diện tại TPHCM, ước hàng tồn kho loại này còn quanh 300.000 tấn ở rải rác trong dân cư các vùng sản xuất. Dù lớn hay nhỏ, con số này thường dễ bị bàn cãi, nhất là tại thời điểm cuối vụ.

Hôm qua 13-9 tức rạng sáng hôm nay thừ Bảy 14-9, giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE giảm 6 đô la Mỹ trong ngày giao dịch, chỉ còn 1.747 đô la/tấn cơ sở tháng giao dịch chính là tháng 11-2013. So với tuần trước, giảm 17 đô la/tấn.

Giá chào bán xuất khẩu cao

“Từ mấy tháng nay, sở dĩ robusta Việt Nam không ra thương trường vì các lý do chính sau đây: một là hàng tồn chủ yếu nằm trong tay một số người đầu cơ, giá mua vào cao, có khi trên 40.000 đồng/tấn, nên không thể bán với giá thấp vì thua lỗ; hai là nhiều nhà xuất khẩu đang bị kẹt trong “trận đồ” mua bán cà phê của nhóm cung ứng gian lận thuế; nay nhiều cơ quan thuế đang vào cuộc để thanh-kiểm tra, tạm thời ách tiền hoàn thuế, làm tắc phần nào hoạt động xuất khẩu”.

Nhờ vậy, “giá chào xuất khẩu robusta loại 2,5% đen vỡ của Việt Nam hiện cao hơn Indonesia chừng từ 40-60 đô la/tấn. Chúng tôi đang mua hàng cùng chất lượng tại Indonesia với mức bằng giá niêm yết sàn giao dịch robusta Liffe NYSE, London cơ sở giao hàng tháng 11-2013. Trong khi giá chào từ Việt Nam hiện có mức cộng 60 đô la/tấn FOB so với giá London,” một nhà nhập khẩu cho biết.

“May mà hiện nay giá xuất khẩu chào có mức cộng. Nếu có mức trừ so với giá niêm yết sàn London giống thời gian trước, giá nội địa chắc không được như hiện nay mà có khi chỉ dưới mức 35.000 đồng/kg”, một nhà xuất khẩu so sánh.

Người còn hàng đang cố gắng giữ giá mức cao, song nhu cầu mua yếu. Trong khi đó, các nguồn thay thế cho cà phê nước ta từ các nước xuất khẩu khác đang dần dần lộ mặt.

Brazil bắt đầu thực hiện chương trình giữ hàng

Hôm qua, Brazil bắt đầu giao dịch quyền chọn bán cà phê arabica để hỗ trợ giá arabica đang xuống những mức thấp, gây thiệt hại cho người trồng. Đứng trước một vụ mùa “thất” theo chu kỳ, nhưng vụ cà phê năm nay của Brazil vẫn được xem là bội thu, ước báo thấp nhất 49 triệu, đến cao cỡ 55 triệu bao (60 kg x bao). Thực ra, Brazil áp dụng chương trình quyền chọn bán chủ yếu để hạn chế lượng hàng bán ra mạnh ở những tháng đầu vụ, có thể gây sức ép trên thị trường làm giá giảm. Hơn nữa, vụ mùa tới 2014/15 của Brazil sẽ vào chu kỳ “được”, sản lượng cà phê dễ dàng lên mức 60 triệu bao, nên tìm biện pháp giữ lại hàng tỏ ra hết sức cần thiết.

Đáng tiếc, số lượng dự kiến 6 triệu bao cho 2 đợt vẫn là quá ít. Kết quả có 860.000 bao đã bán lần này. Giá thực hiện quyền chọn bán là 343 real Brazil (BRL) tức tương đương mước 2500 đô la/tấn cho 1 triệu bao lần đầu, chưa tính chi phí đặt cọc và quản lý, so với giá hiện nay trên thị trường Ice là 120 cts/lb hay chừng 2645 đô la/tấn. Chính vì vậy, chương trình quyền chọn năm nay của Brazil xem ra chưa có tác động gì đáng kể, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM nhận định.

Dù chương trình giữ lại hàng cà phê của Brazil đã bắt đầu, phản ứng của sàn kỳ hạn arabica Ice hết sức hững hờ. Đóng cửa phiên cuối tuần, arabica Ice vẫn giảm 0,60 cts/lb, tức chừng 13 đô la/tấn, đứng ở mức 120 cts/lb. Nhưng cả tuần, giá niêm yết sàn arabica Ice tăng 2,15 cts/lb hay 47 đô la/tấn.

Thanh khoản giảm bớt?

Trong những ngày này, các bộ trưởng tài chính châu Âu đang nhóm họp tìm cách áp thuế trên các giao dịch tài chính, trong đó có các thị trường tài chính phái sinh, gồm có các hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn. Đề xuất của 11/28 nước thuộc Liên minh Châu Âu đối với thuế đánh trên các hợp đồng tài chính phái sinh là 0,01%. Tuy nhiên, tin đồn rằng hiện Vương quốc Anh, một trung tâm tài chính quan trọng của châu Âu và cả thế giới đang chống lại nỗ lực này. Dù sao, việc áp thuế đối với các hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn sẽ hạn chế mức độ tham gia của đầu cơ, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến lượng giao dịch và khả năng thanh khoản trên thị trường; từ đó, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua và giá cả của nhiều loại hàng hóa, trong đó có cà phê.

Trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng xem xét liệu có cho phép các ngân hàng kinh doanh như trường hợp JPMorgan Chase hay Goldman Sachs (Mỹ) trước đây tham gia mua bán hàng thực trên các thị trường kỳ hạn, nhằm tránh tình trạng dùng sức mạnh đồng tiền làm giá tăng hay giảm thất thường.

Phải công nhận rằng, trên thị trường nông sản trong thời gian vừa qua, nếu nhìn từ phía thanh khoản, lực lượng đầu cơ đóng một vai trò quan trọng để giúp giá cà phê tăng mạnh. Nếu họ rút đi khỏi thị trường kỳ hạn hàng hóa, đó chính là một điều đáng tiếc.

Chuẩn bị cho một chiến lược kinh doanh bền vững, lập quan hệ mật thiết với các hãng rang xay, tích cực tìm thị trường mới, đồng thời khuyến khích tiêu thụ cà phê tại thị trường trong nước đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng