Trong 8 tháng năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, thủy sản đã đạt trên 8,25 tỷ USD.
Mặc dù lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng từ 6-46,8% so với cùng kỳ 2008, nhưng do giá XK của các mặt hàng nông sản đều giảm đã làm cho XK của nhóm hàng này giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điệp khúc được mùa – mất giá
Cà phê
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: Dù vẫn tăng lượng xuất khẩu nhưng từ đầu năm đến nay giá cà phê đã giảm 14%. Nếu như đầu năm 2008, giá cà phê ở mức 42.000 đồng/kg, đến thời điểm tháng 6-2009 đã hạ xuống còn 25.500 đồng/kg, sau đó lại giảm liên tục, hiện chỉ còn 21.500 – 22.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Giá thấp, người trồng cà phê không bán bởi không có lãi, trong khi đó các đại lý cấp 1 cũng giữ hàng để chờ giá lên khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì không có hàng giao mà hợp đồng đã được ký từ lâu. Để tránh tình trạng bị kiện vì phá vỡ hợp đồng, nhiều DN đưa ra biện pháp lùi thời điểm giao hàng từ tháng 7 sang tháng 9, do đó mỗi tấn cà phê phải bù thêm 35 USD.
Gạo
Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức gần thấp nhất thế giới. Phó Chủ Hiệp hội Lương thực Việt Nam-ông Huỳnh Minh Huê cho biết: Tính đến hết ngày 27/8, Việt Nam đã ký xuất khẩu 5,632 triệu tấn gạo, tăng 66,58% so với cùng kỳ năm 2008.
Lượng xuất khẩu tuy tăng nhưng giá bán lại giảm 193,22 USD/tấn so với năm 2008, hiện giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 408,60 USD/tấn. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu đã giảm 29% so với cùng kỳ năm 2008.
Việc giá gạo xuất khẩu giảm khiến giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1,834 tỷ USD, giảm 3,64%. Không chỉ có gạo, cà phê giá mới giảm mà nhiều mặt hàng khác như hồ tiêu, điều… mặc dù có tỷ trọng xuất khẩu hàng đầu thế giới về số lượng nhưng giá trị mang lại vẫn thấp như hồ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 96.000 tấn, tăng 46,8% so với năm trước nhưng giá lại giảm 34%.
Đâu là nguyên nhân
Việc giá hàng nông sản xuất khẩu giảm mạnh ngoài nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp còn do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới, bằng cách bán phá giá đã làm cho mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp khó khăn.
Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam than phiền: Mặt hàng dứa đông lạnh thường xuất khẩu với giá 1.000 USD/tấn, nay có nhiều doanh nghiệp đã chào bán với giá 850 USD/tấn.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do chưa quy hoạch được vùng chuyên canh; qui mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ làm đội giá thành; chưa tổ chức được liên kết vùng dẫn đến nhiều vùng, nhiều địa phương cùng trồng một loại nông sản… dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, chất lượng không ổn định.
Không chỉ có vậy, công tác điều hành nông sản ở nước ta hiện quá chồng chéo, nhiều bộ, ngành chủ quản, nhưng dường như không có cơ quan nào làm “nhạc trưởng”, khiến mối liên kết các khâu trong ngành hàng thường rời rạc, luôn bất cập.
Để hàng nông sản phát triển bền vững và tránh tình trạng số lượng hàng xuất khẩu tăng nhưng giá giảm, các cơ quan có liên quan phải thống nhất quản lý, đồng thời có thể giao quyền điều hành cho các hiệp hội hoặc liên đoàn ngành hàng. Hiệp hội phải có quyền lực điều tiết trong tất cả các khâu: Từ sản xuất, tiêu thụ, giám sát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra nhà nước cần phải quy hoạch cụ thể vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động XK. Bên cạnh đó, nông sản XK của Việt Nam muốn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tăng được giá bán phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống quản lý phải đạt ISO 9001:2000; HACCP…
Thứ trưởng Bộ Công thương – Nguyễn Thành Biên cho rằng: Để tránh tình trạng bị ép giá, các doanh nghiệp XK hàng nông, thủy sản trong những tháng cuối năm bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới cần đẩy mạnh xuất khẩu sang những nước đã ký hiệp định đối tác kinh tế với Việt Nam để tận dụng tối đa những lợi thế về ưu đãi thuế, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như giá bán.
Theo đó, với thị trường Nhật Bản, từ 1/10/2009 có đến 86% hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được hưởng ữu đãi về thuế, trong đó mặt hàng tôm được giảm thuế xuất nhập khẩu xuống 1-2%. Đối với mặt hàng cà phê, dự kiến trong 4 tháng cuối năm nguồn cung trên thế giới sẽ giảm khoảng 6%, đây là cơ hội để doanh nghiệp XK tăng giá cà phê Việt Nam bằng giá cà phê XK của Brazinl, Ấn Độ.