Chưa bao giờ nhiều DN SX phân bón như hiện nay. Tuy nhiên ít người hay, trong đó rất nhiều DN không có nhà máy nhưng SX đủ loại phân bón NPK với đủ loại công thức, bao bì rất đẹp, nhưng thực chất là “đặt hàng” gia công từ nơi khác…
Trong vai GĐ một Cty SX phân NPK “cuốc xẻng” ở quận Thủ Đức, TP.HCM vừa mới thành lập, tôi đến Cty CP phân bón C.N có trụ sở ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để đặt vấn đề gia công phân NPK. Theo truyền miệng của các DN SX phân bón vừa và nhỏ, đây là Cty chuyên gia công phân NPK với giá vừa phải. Giám đốc Cty này là ông V.D cho hay, đơn giá gia công phân NPK dạng hạt là 300 ngàn/tấn.
Theo qui định, bên đặt hàng mang nguyên liệu đến “đứng” trách nhiệm về kỹ thuật, công thức phối trộn, còn bên đơn vị gia công đảm bảo máy móc, chịu trách nhiệm công lao động, vô bao bì đóng gói. Ông V.D đưa chúng tôi xem một hợp đồng gia công mẫu mà Cty ông đã ký hợp đồng với một Cty khác. Theo đó, bên A (bên đi gia công, còn gọi đặt hàng) cung cấp nguyên liệu, công thức, tỉ lệ để bên B (bên gia công) phối trộn và đóng gói theo đúng công thức của bên A đưa ra phù hợp với qui định của nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế không phải như vậy. Ông V.D nói: “Người ta đi gia công, chỉ cần thông báo hôm nay SX loại NPK chạy công thức nào, chẳng hạn 20-20-15 hoặc 17-7-17 thì mình chỉ biết đến đó, còn họ chạy “dưới” công thức hoặc phối trộn như thế nào là quyền của họ, mình không can thiệp!”.
Theo ông V.D, trong 1 năm chỉ cần có khoảng 5 DN đến đặt hàng gia công ổn định là “sống khỏe”. Bởi trong 1 tháng, các DN đến đặt hàng bình quân khoảng 700 tấn phân NPK vị chi có 210 triệu đồng, sau khi trừ chi phí điện đóm, công nhân, khấu hao máy móc 50%, chủ gia công bỏ túi 100 triệu đồng ngon ơ. Trong khi đó, chi phí đầu tư ban đầu một dây chuyền phối trộn có công suất thiết kế 160 tấn/ngày vào khoảng 3 tỷ đồng.
Chính vì bên gia công lấy lợi nhuận là chính nên không ít các DN đặt hàng vì hám lợi mà đã sử dụng nhiều “chiêu trò” nhằm giảm giá thành. Đó là, thay vì phải chạy đúng 100% công thức thì họ chỉ chạy chừng 70 – 80%. Thế nên, giá 1 kg phân NPK 20-20-15 nếu chạy đúng công thức đảm bảo chất lượng ghi trên bao bì, lẽ ra phải bán từ 10.500 đ/kg trở lên thì họ bán dưới 10.000 đ/kg, thậm chí có DN bán 9.000 đ/kg! Với giá cả như vậy, chất lượng phân bón thế nào ắt ai cũng hiểu.
Hiện có khá nhiều Cty phân bón lập ra nhưng thực chất không có nhà máy, nhân viên, chỉ có một người đứng chức danh giám đốc và trực tiếp bán hàng. Chủ yếu họ đặt hàng gia công từ những Cty khác, sau đó phân phối cho các đại lý dưới hình thức độc quyền. Thông thường ở mỗi huyện họ chỉ “giao dịch” với một đại lý độc quyền nhưng cũng đủ sức làm lũng đoạn thị trường phân bón.
Tại TP.HCM, theo ước tính của một cán bộ thanh tra Sở NN-PTNT, trong 100 Cty sản xuất phân bón thì có tới 40 Cty đặt gia công ở các nơi khác, thậm chí có Cty vừa SX vừa làm gia công cho hơn chục Cty nên rất khó kiểm tra, kiểm soát về mặt chất lượng. Ông N.V.C, giám đốc một công ty phân bón “3 không” ở huyện Củ Chi (không con người, không văn phòng, không nhà máy) với mặt hàng SX chính là NPK chuyên bón cho cây công nghiệp (cà phê, cao su, tiêu…), chuyên đi đặt hàng SX tại một công ty phân bón ở Long An tiết lộ, NPK còn gọi là phân “bốn màu” gồm urê hạt đục 46% đạm, phân DAP 18 – 46% màu xanh ngọc; phân kali miểng màu đỏ và “chất độn” silic hay Zeolite (nhuộm màu tùy thích).
Tuy nhiên, nếu SX đủ và đúng thành phần nguyên liệu, đồng thời chạy đúng công thức thì giá thành cao không cạnh tranh nổi với các loại phân bón thương hiệu lớn như Bình Điền, Năm Sao, Hóa Chất Cần Thơ, Phân bón Miền Nam, Việt Nhật… nên không ít DN thay vì phải dùng urê có 46% đạm giá 8.000 đ/kg thì họ sử dụng phân SA (21% đạm và 24% lưu huỳnh) nhưng giá rẻ hơn phân nửa (4.000 đ/kg SA).
Theo qui trình kỹ thuật, thành phần nguyên liệu để SX 1 tấn phân NPK 20-20-15 gồm 260 kg urê, 450 kg DAP, 250 kg kali và 40 kg chất độn (silic hoặc Zeolite). Thế nhưng, có trường hợp nhiều DN đi gia công đưa phân SA chiếm đến 450 kg (tức gần 50%) trong 1 tấn sản phẩm, còn lại 550 kg là DAP, kali và chất độn. Làm như vậy, không chỉ tiết kiệm giá thành SX mà vô hình chung hàm lượng đạm trong NPK cũng giảm xuống. Đây là “chiêu thức” mà các công ty phân bón vừa và nhỏ đang áp dụng hiện nay.
“Trong SX phân hỗn hợp NPK, người ta khuyến cáo chỉ nên sử dụng khoảng 20 kg SA trong 1 tấn sản phẩm là đủ, đặc biệt trong NPK 20-20-15 thì không được đưa phân SA vào làm nguyên liệu” – giám đốc một công ty phân bón chuyên gia công ở KCN Tân Kim (Cần Giuộc, Long An) khẳng định.
Được biết, trên thị trường hiện có 4 loại phân NPK được các DN tập trung SX chính là 20-20-15 với giá bình quân khoảng 700 ngàn/bao 50 kg, sau đó là 16-16-8; 17-7-17 và 18-8-16 có giá thấp hơn chút đỉnh do được nhiều nông dân sử dụng. Vì thế, nếu các DN SX phân bón “ăn gian” các kiểu nói trên thì chỉ có trời mới biết, còn người nông dân lãnh đủ, ráng mà chịu! Theo tìm hiểu chúng tôi, các loại phân kém chất lượng so với phân bón đảm bảo chất lượng chênh lệch trung bình khoảng 2 triệu đồng/tấn. Đơn cử, 1 bao phân NPK loại 50 kg (loại kém chất lượng) thường bán với giá thấp hơn thị trường khoảng 70 – 100 ngàn đồng/bao.
Mới đây, QLTT tỉnh Long An phát hiện đại lý Hai Nhâm (Mộc Hóa) bán phân NPK của Cty CP Anh Việt (ấp 5, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TPHCM) sau 2 lần phân tích mẫu vẫn không đạt chất lượng và đề nghị UBND tỉnh xử phạt đến 50 triệu đồng. Điều đáng nói, căn cứ vào kết quả số liệu phân tích mẫu lần 2 với chỉ tiêu công bố ghi trên bao bì thì NPK của Cty này SX quá tệ, bởi thay vì 20-20-15 (tức đạm là 20%; lân 20% và kali 15%) thì kết quả kiểm định đạm chỉ có 13%, lân có 15,1% và kali còn 7,6%!
Đặc biệt, không hiểu có sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà có cùng địa chỉ ấp 5, xã Phạm Văn Cội nói trên là Cty CP Vật tư tổng hợp và phân bón Hóa sinh, trong năm 2012, theo báo cáo của đoàn Thanh tra (số 96) của Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Nông, tại 2 đại lý Cảnh Bình và Trùng Dương bán phân NPK mùa khô 20-5-7-13S và NPK 20-10-15 của Cty này cũng đều phát hiện kém chất lượng. Tương tự, Cty TNHH SX-TM Ba con rồng, bán phân NPK hòa tan 18-4-6 tại đại lý Mạnh Quỳnh kiểm tra mẫu thì đạm chỉ có 13,7%; công ty CP đầu tư XNK Nông Dược Việt, nghe tên rất oách nhưng SX phân NPK 6-6-12 cũng không đạt chất lượng…
+ “Lâu nay, chúng ta quen chỉ quản lý phân bón phần ngọn, tức kiểm tra từ các đại lý buôn bán, nhưng lại buông lỏng không chú ý kiểm tra nơi SX (nhà máy) của các công ty phân bón ghi trên bao bì, tức kiểm tra phần gốc. Nếu làm triệt để và thường xuyên “phần gốc” này thì tình trạng phân bón kém chất lượng chắc chắn sẽ giảm.” – Ông Trần Đình Thắng, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận.
+ Nhằm minh bạch thị trường phân bón thì Thông tư 36/2010 cần phải được sửa đổi, đưa ra những quy chuẩn chặt chẽ hơn, cụ thể là bắt buộc các DN phân bón phải có nhà máy, có máy móc, nhân công… để tránh tình trạng họ lập ra Cty trên giấy rồi đi đặt gia công nơi khác dẫn tới không thể kiểm soát chất lượng và làm rối loạn thị trường phân bón.
(Ông Nguyễn Văn Quí, PGĐ Cty TNHH TM-SX Phước Hưng)
Lâu lâu có một tít nghe lọt tai, mấy “nhà máy” chỉ trộn ba thứ lại với nhau cứ to miệng “sản xuất” phân bón!
Vậy là từ nay cứ nghe phân bón của các công ty Hoàng Nông Phúc, Ba con rồng, Nông dược Việt, Anh Việt là chúng ta bỏ chạy ngay.
Thật cảm ơn bài báo đã mạnh dạn đưa tên các công ty lừa đảo này ra ánh sáng.
Tốt hơn hết bà con không nên mua phân bón NPK làm gì, cứ phân đơn và tốn công trộn đảm bảo chất lượng, lại an toàn