Trong tuần từ 16-22/08, giá các loại phân bón tại Trung Quốc diễn biến theo một đồ thị mang nhiều kịch tính phức tạp. Còn nhập khẩu phân bón của Việt Nam lại giảm khá mạnh, nguồn cung trong nước dồi dào nhưng cầu tiêu thụ ở thời điểm này như một bức tranh có nhiều gam xám ảm đạm.
Trung Quốc – Những biến động trái chiều
Tuần qua, tại thị trường TQ, diễn biến giá cả các loại phân bón hoá học đi theo xu hướng tăng giảm trái chiều, với nhiều động thái tương đối phức tạp.
Giá phân MAP 55% dạng phấn chủ yếu được giao ở mức 228-231 USD/tấn. Còn phân MAP dạng hạt giá 243 USD /tấn. Trong tuần, tại các điạ phương xuất hiện nhiều đơn đặt hàng phân MAP tuy đều là những đơn hàng nhỏ. Tại Hà Nam, phân MAP dạng hạt bán được với số lượng lớn, có thể nói lượng hàng trong kho tại địa phương này đã gần hết. Hiện nay trên các thị trường, cung phân MAP đang nhỏ hơn cầu, do đó rất có thể giá phân MAP sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên nhiều nhà kinh doanh vẫn không lạc quan lắm với tình hình này, họ cho rằng hiện tượng trên chỉ kéo dài đến giữa tháng 09/2009.
Trong khi đó, giá phân DAP tăng với tốc độ tương đối cao: Phân DAP 64% là 323 USD/tấn, và loại DAP 57% tăng lên 279-287 USD/tấn. Hiện nay, nhiều nhà xưởng đã hủy những hợp đồng cũ được ký với mức giá thấp. Tại Hà Bắc có những lúc phân DAP bán lẻ đã lên đến 412 USD/tấn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn rất cẩn trọng quan sát thị trường, và thái độ của họ chưa hề rõ nét đối với sự sôi động của ngành hàng phân DAP nội địa.
Còn giá phân Ure diễn biến theo một đồ thị mang nhiều kịch tính phức tạp. Giá tăng ở Quảng Đông, Quý Châu và khu vực Lưỡng Hồ với nguyên nhân là do tập đoàn Hoàn Hoa đang thu mua với số lượng lớn, khiến các nhà sản xuất tại địa phương điều chỉnh giá gia tăng để thu được lợi nhuận. Mức giá phân Ure tập đoàn Hoàn Hoa mua vào hiện nay khoảng 235 USD/tấn, tăng 2-4% so với mức giá trước đây.
Tại các thị trường khác, giá phân Ure tiếp tục ổn định ở mức thấp. Hiện tượng đóng băng tại cảng Yên Thái vẫn tiếp diễn, do các nhà kinh doanh phân bón trong tuần xuất khẩu với số lượng quá ít, kéo dài tình trạng ứ đọng hàng tại cảng. Có thể nói, cung phân Ure lớn hơn nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường, do đó giá Ure có xu hướng giảm. Giá Ure tại Sơn Đông, Hà Bắc đã giảm xuống khoảng 227 USD/tấn. Còn tại An Huy, do đang trong vụ đông của tiểu mạch, cầu phân bón tăng nên giữ mức giá phân Ure trong tuần ở mức 227-230 tệ/tấn, tuy nhiên lượng hàng bán ra tại thị trường địa phương không nhiều.
Việt Nam – đồ thị nhập khẩu tuột dốc
Nguồn: tổng hợp số liệu của Tổng cục Hải Quan |
Theo số liệu thống kê sơ bộ, nhập khẩu phân bón SA tháng 7/2009 của VN giảm khá mạnh – 26,2% về lượng và 35,4% về giá trị so với tháng 06/2009. Như vậy, tính đến hết tháng 07/2009, lượng phân bón SA nhập về của cả nước đạt gần 655 nghìn tấn, với trị giá 93,5 triệu USD, tăng 37,8% về lượng. Tuy nhiên về giá trị lại giảm 24% so với cùng kỳ tháng 07/2008.
Tháng 07/09, VN nhập khẩu 12,9 nghìn tấn phân SA từ thị trường Nhật Bản, trị giá 1,6 triệu USD, giảm 60% về lượng và 63,8% về giá trị so với tháng 06/2009. Giá phân SA nhập khẩu trung bình từ thị trường Nhật Bản trong tháng 07/2009 đạt 128 USD/tấn, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2008.
Nhập khẩu phân SA từ thị trường TQ trong tháng 07/2009 giảm khá mạnh. Tổng lượng phân SA mà VN nhập về từ thị trường này là 13,8 nghìn tấn trị giá 1,6 triệu USD, giảm 34,33% về lượng và 44,7% về giá trị.
Giá nhập khẩu trung bình từ thị trường TQ trong tháng 07/2009 là 117 USD/tấn, giảm 22 USD/tấn so với tháng 06/2009. Tính chung 7 tháng đầu năm 2009, nhập khẩu phân SA từ TQ đạt 222 nghìn tấn, trị giá 27,8 triệu USD, tăng 60% về lượng nhưng lại giảm 20,15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008.
Trong tuần qua, hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch tại khu vực các tỉnh phía Tây Bắc đã sôi động trở lại do các doanh nghiệp TQ đang gửi hàng sang VN và chờ lên giá. Giá một số loại phân bón tại cửa khẩu Lào Cai như sau: Phân SA mịn: 16.000 đồng/tấn; Phân SA hạt: 4.100 đồng/tấn. Ure bao trắng hoặc vàng: 7.000 đồng/tấn, phân DAP: 2.200 đồng/tấn, phân MAP (10-50): 300 đồng/tấn.
Hiện nay, nhu cầu phân bón hoá học trên thị trường cả nước rất thấp. Tại miền Bắc đã hết vụ hè thu, các thị trường đều tiêu thụ lượng phân bón rất thấp, như tại Thái Bình đã gieo cấy xong và kết thúc chăm bón. Còn tại miền Nam, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang thu hoạch nốt vụ lúa hè thu, nên thị trường phân bón miền Nam cũng khá ảm đạm. Trong khi đó, lượng hàng phân bón tồn kho tại các địa phương vẫn còn nhiều, hiện lượng cung lớn hơn nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, giá phân bón trong thời gian này liên tục có xu hướng giảm nhẹ.
Với giá phân bón trên thị trường ổn định ở mức thấp như hiện nay, cung phân bón tại các địa phương lại dồi dào, có thể nói hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nội địa. Do đó, ước tính trong thời gian tới giá phân bón sẽ vẫn duy trì kịch bản ổn định ở mức thấp như hiện nay.
Theo Stockbiz