Tin buồn

Cà phê: Xuất khẩu giảm, giá không tăng

Trong khoảng mươi ngày đầu tháng 8-2013, giá kỳ hạn robusta tăng khi có tin tồn kho của sàn giảm mạnh. Nhưng, liên tiếp những ngày về sau, giá đổ dài dù xuất khẩu từ nước ta mấy tháng nay giảm.

Giá kỳ hạn eo sèo

Còn chẳng bao lâu nữa là sang vụ cà phê mới bắt đầu từ ngày 1-10 mà giá tại các thị trường nội địa và kỳ hạn cứ rớt dài. Trong mươi ngày đầu tháng 8-2013, khi nghe tin lượng tồn kho thuần robusta của sàn kỳ hạn giảm mạnh, phản ứng của thị trường chỉ hùng hổ được mấy bữa, rồi lại quay về giao dịch âm trầm một cách kỳ lạ.

bieu do gia ca phe robusta london
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn Liffe NYSE trong tháng 8-2013 (tác giả tổng hợp)

Trong tháng 8 vừa qua, hai kỳ báo cáo tồn kho được sàn kỳ hạn robusta chứng nhận giảm mạnh. Lượng cà phê rút ra sử dụng có mức cao kỷ lục, ít nhất tính từ cả năm nay, ngót nghét 30.000 tấn.

Chính nhờ vậy, từ mức đóng cửa ngày đầu tháng 1.867 đô la Mỹ/tấn, đã cà phê robusta đã nhảy lên 1.955 đô la/tấn chỉ 10 ngày sau đó. Tuy nhiên, từ đỉnh hôm ấy, giá sàn chủ yếu đi theo đường xuống. Tính đến hết ngày giao dịch cuối tháng 30-8, cũng là bữa giao dịch cuối tuần này nhằm ngày thứ Sáu tức rạng sáng thứ Bảy 31-8, giá đóng cửa sàn kỳ hạn London trong ngày tuy tăng 15 đô la/tấn, chốt mức 1.779 đô la, giảm 88 đô la so với ngày đầu tháng, nhưng lại mất 176 đô la/tấn nếu tính từ mức đỉnh giá đóng cửa trong tháng (xin xem biểu đồ trên).

Giá arabica suốt tháng giảm nhẹ dù có nhiều cơ hội tăng. Mấy ngày qua, Ngân hàng trung ương Brazil đã quyết cứu đồng real Brazil (BRL), bán đô la mua đồng BRL, nên BRL tăng trở lại, từ mức thấp nhất trong 8 năm nay là 2,45 BRL ăn 1 đô la Mỹ lên lại 2,34 BRL. Tin đồn rét đậm rét hại cây cà phê tại bang Parana cũng chẳng giúp gì được cho giá arabica trên sàn Ice New York. Đóng cửa ngày cuối tháng giá cà phê arabica đạt mức 116,30 cts so với ngày đầu tháng là 118,35 cts/lb, giảm 2,05 cts/lb hay chừng 45 đô la/tấn.

Giá nội địa và xuất khẩu đều yếu

Giá nội địa men theo kỳ hạn, giảm mạnh từ 41.000 đồng những ngày đầu tháng xuống chỉ còn quanh mức 37.500 đồng, sau khi xuống mức thấp 37.000 đồng mới mấy ngày trước đây. Giá yếu, lượng bán ra cầm chừng do một mặt thời điểm kết thúc niên vụ gần kề; hai là tại một vài nơi, nhờ đợt ra hoa sớm năm ngoái, nay đang bắt đầu chín lác đác. Ngược lại, nhiều người vẫn còn muốn thử sức, giữ lại hàng, có lẽ do giá mua vào đã cao.

Thường trong những năm trước, giá thấp dễ tạo cho giá bán xuất khẩu có mức chênh lệch (differential) với giá niêm yết của sàn. Nhưng vừa qua tình hình không phải như thế. Giá chào xuất khẩu loại 2,5% xuống chỉ còn quanh mức cộng 10 đô la Mỹ/tấn FOB giao cảng TP HCM so với cộng 30 đô la/tấn mấy tuần trước.

Tại sao lượng cà phê xuất khẩu giảm?

Đối với người mua là các hãng kinh doanh và rang xay cà phê, giá nhảy nhót trên sàn từng phút từng giây là cần theo dõi, nhưng không phải là quan trọng nhất. Cái cốt lõi của lợi nhuận nằm tại mức chênh lệch giữa giá sàn và giá xuất khẩu từ cảng giao hàng ở các nước xuất khẩu cà phê. Hiện nay giá chào bán loại 2,5% của Việt Nam hay loại tương đương của Indonesia đang ở từ mức cộng 10 đến cộng 30 đô la/tấn tính tại cảng đi của nước xuất khẩu.

Thế mà giá chuẩn loại 2 theo quy định của Liffe NYSE chỉ ở mức trừ 30 đô la/tấn. Cộng với cước vận tải và các chi phí khác ước phải tốn thêm chừng từ 70-100 đô la/tấn. Như vậy, giá cộng tại các nước xuất khẩu là ít hấp dẫn. Nói thế để thấy rằng, giá của London áp đặt nhằm mua hàng từ các nước sản xuất tỏ ra quá lạc hậu và bất công từ mấy năm nay. Giá thấp so với giá mua vào, các nước xuất khẩu không bán được nên nhà nhập khẩu phải mua hàng từ các kho thuộc sàn London.

“Giá mua của London thấp, hàng ta không bán được, hàng kẹt lại, trong khi nhà nhập khẩu ung dung thanh lý trước vụ mới 2013/14” , một nhà phân tích thị trường tại TP HCM giải thích tại sao lượng xuất khẩu cà phê nước ta giảm trong thời gian gần đây.

Thật vậy, xuất khẩu cà phê tháng 8-2013 của nước ta tiếp tục giảm, ước xuống còn 86.000 tấn, giảm so với mức 93.000 tấn của tháng 7, thu được 183 triệu đô la Mỹ, Trung tâm Tin học và Thống kê thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết. Lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2013, cơ quan này ước đạt 974.000 tấn, doanh thu 2,09 tỉ đô la Mỹ, giảm 23,2% về khối lượng và 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Đức và Mỹ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta trong 7 tháng đầu năm với thị phần của Đức là 13,1% và Mỹ là 11,3%, song tổng giá trị xuất khẩu vào hai thị trường này giảm mạnh so với năm 2012, lần lượt là 18,7% và 30,3%.
Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 2.142 đô la/tấn. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới, giá bình quân 7 tháng đầu năm 2013 của sàn kỳ hạn robusta London chỉ ở mức 1.990 đô la/tấn. Vậy, giá xuất khẩu của ta cao hơn giá sàn 152 đô la/tấn trong suốt 7 tháng đầu năm.

Về phía người bán, họ chẳng cần biết giá chênh lệch là mấy, chỉ biết hàng phải bán khi đầu ra có giá cao hơn. Hiện tượng gian thuế, mua bán cà phê lòng vòng đẩy giá nội địa tăng cao làm cho “giá nội đội giá ngoại”, gây khó khăn thực sự cho dòng chảy tự nhiên của thị trường.

Dù sao, cũng phải nói rằng thị trường vẫn phải cần hàng robusta của nước ta, nhưng có thể lượng hàng tháng sẽ nhỏ hơn trước do các nước sản xuất robusta cạnh tranh khốc liệt: Brazil, Indonesia, Uganda, Ấn Độ….đều là những địch thủ có nhiều kinh nghiệm.

Bài toán nan giải: xuất khẩu hết lượng hàng nhưng vẫn giữ được giá đang nằm ở phía trước.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hằng Nguyễn

    Vấn đề bán trước mua sau. Mọi thứ rối tung lên, tung hỏa mù còn ngư ông đắc lợi. Chả trách sao nông dân không giàu, DN càphê phá sản hoài.

    1. Hồng Vân

      Xuất khẩu giảm vì giá không tăng? Vậy mà tôi cứ nghĩ là xuất khẩu giảm vì ta đã cạn hàng. Hổng lẽ hàng vẫn còn nhiều? vậy thì hàng nằm ở đâu?

  2. Nguyenhuong

    Hàng còn cũng chả đáng là bao, trong dân cũng cạn rồi. nhà nào mà còn ít, thì giá này họ chả thèm quan tâm.

    Nếu giá khoảng 2000 usd/1 tấn, thì mới gom đc hàng trong dân chứ không thì chờ mùa sau nhé.

  3. Đinh tân lâm

    Trong tháng 9 này có thể giá cà phê thế giới sẽ nhích lên, và có lẽ đây sẽ là một đợt xả hàng từ Việt Nam, sợ rằng sau đó giá sẽ giảm sâu hơn.

  4. Tam Vo

    Đầu tháng 9 này có thể giá cà phê thế giới sẽ nhích lên. Nếu vậy, ai còn cà thì nên vét kho, sợ rằng sau đó giá sẽ giảm sâu hơn.

  5. Văn Thành

    Đừng chủ quan , sau xả hàng của người bán , nhà đầu cơ đã gom được một lượng hàng kha khá , lúc đó họ đẩy giá cao lên để trục lợi (điều này vẫn thường xẩy ra).

Tin đã đăng

Tin mới nhất

76