Công ty cà phê lớn thứ hai trên thế giới – Mondelēz International, cam kết đầu tư 200 triệu USD phát triển cây cà phê tại Việt Nam…
Ngày 4/7, công ty cà phê lớn thứ hai trên thế giới – Mondelēz International, sở hữu các thương hiệu Jacobs, CarteNoire và Kenco, đã mở trung tâm tập huấn cà phê đầu tiên dành cho nông dân để thúc đẩy hoạt động canh tác và kinh doanh cà phê tại Việt Nam.
Đây là hoạt động trong chương trình phát triển bền vững của Mondelēz International với tên gọi “Coffee Made Happy” (Cà phê khởi nguồn hạnh phúc) với cam kết đầu tư tối thiểu 200 triệu USD để hỗ trợ một triệu nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020.
Cụ thể, chương trình này sẽ đào tạo 1.500 nông dân về thực hành nông nghiệp giúp họ gia tăng sản lượng cà phê và nâng cao chất lượng hạt. Các khoản đầu tư này sẽ giúp người nông dân có khả năng cung ứng khoảng 7.000 tấn cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn 4C.
“Trọng tâm của “Coffee Made Happy” là giúp người nông dân trở thành các thương nhân thành công hơn bằng cách phối hợp với các đối tác cải thiện hoạt động canh tác và kỹ năng kinh doanh cà phê”, ông Hubert Weber, Chủ tịch cà phê toàn cầu của Mondelēz International, cho biết.
Được biết, Mondelēz International là một trong những khách hàng thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam. Dự án đầu tư ở Việt Nam giúp Mondelēz International thực hiện mục tiêu phát triển nguồn cung cấp bền vững cho 100% lượng cà phê của công ty ở Tây Âu tới năm 2015.
Chỉ tập huấn thôi ư? Mondelez nên làm nhiều hơn, như Nestle chẳng hạn, họ đang hỗ trợ giống mới để tái canh cà phê.
Mondelēz International đầu tư 200 triệu USD để đào tạo 1.500 nông dân cung ứng khoảng 7.000 tấn cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn 4C.
Nhưng Mondelēz International lại không được phép mua 7.000 tấn cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn 4C này trực tiếp từ 1.500 nông dân do họ đào tạo, theo lệnh cấm của Chính Phủ VN!
Thật trớ trêu!?
@NC : Mondelez mới vô lần đầu mà bạn . Còn Nétle đã hoạt động lâu rồi !
Dễ hiểu thôi! Xứ sở của mọi bất hợp lí mà Nông Cà
Sao lại không? Đây chính là chiêu lách Thông tư của Bộ TM trước và Bộ CT mới đây của các DN-FDI đã chuẩn bị và các chuyên gia luật quốc tế tư vấn cho họ từ 2 năm trước, tôi đã cảnh báo trong 1 số bài báo của mình mà có ai nghe đâu.
Họ ký với Bộ NN&PTNT để đầu tư vùng nguyên liệu thì Bộ CT sao cấm được vì cùng cấp. Và ai ngăn chặn được hàng không ở vùng đầu tư chuyển đến vùng đầu tư để bán cho họ? Dễ thấy nhất là cứ đưa sổ HK ra làm hợp đồng theo lối ghi tên, sản xuất được 10 tấn thì ký 15 – 20 tấn cũng được, ai mà kiểm tra? Chuyện còn dài…
– Bác Anh Văn hiểu vụ này ghê. Một hình thức để lách luật thôi. Thực tế dân vẫn thiệt thòi.
– Điều quan trọng nhất là vấn đề giá cả đầu ra của sản phẩm. Còn việc làm theo tiêu chuẩn nào cái đó tùy mỗi công ty. Việc làm chứng nhận là đảm bảo uy tín của họ về sản phẩm của họ từ nguyên liệu cho đến sảm phẩm cuối cùng; và như vậy, cũng chỉ là bảo đảm lợi ích/lợi nhuận của họ mà thôi.
– Có công ty nào đầu tư về Điện – Đường – Trường – Trạm đâu! Tất tần tật, nhà nước mà thực sự là tiền thuế của nông dân/người dân Việt Nam cả. Về phương diện kinh doanh chẳng ai tội gì không làm để có tiếng trên thương trường.
———Đục nước béo cò————-
Họ lách luật mà họ được phép la làng lên để kể công với Nhà nước, với nông dân là nhờ có họ bà con mới biết trồng cà phê, trước khi họ vào thì bà con chỉ biết trồng “cà pháo” nên năng suất mới gấp đôi thế giới thôi, giờ có họ vô “đầu tư” thì hạt cà phê VN mới thơm hơn, bán đắt hơn và trốn thuế được nhiều hơn !
Mondelez là nhà sản xuất khá nhiều sản phẩm như bánh kẹo , cà phê , chocola . Là công ty cafe đứng thứ 2 thế giới .
1 sản phẩm quen thuộc của hãng này ở VN chính là bánh OREO !
Họ làm thế càng tốt thôi, họ được lợi, nông dân cũng được lợi. Nếu không có các cty này mà chỉ có các cty trong nước và tư thương Trung Quốc thử hỏi sẽ ra sao?
Thực chất Mondelez đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1997 chứ không phải mới vào VN như bạn Tuấn nghĩ đâu, tuy không đầu tư giống cách Nestle đang làm, nhưng Mondelez là một trong những công ty hàng đầu giúp Việt Nam nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, chẳng hạn như loại sp wet pol 30 lỗi theo TCVN 4193. Nếu bạn là người trong ngành cà phê thì chắc bạn sẽ biết tiêu chuẩn này. Thân chào.
Đã tham gia WTO thì phải cạnh tranh lành mạnh không thể duy trì kiểu “ngăn sông cấm chợ” đối với các DN FDI như thời kì trước ở ta được. Mà thực tế thì họ vẫn mua được hàng tuy phải qua khâu trung gian. Với họ thì tổng chi phí không thay đổi nhưng thay vì trả cho người sản xuất tất cả thì nay chia ra một phần chỉ trả cho các khâu trung gian (DN nội) nên thu nhập của người sản xuất mà chủ yêú là nông dân bị thu hẹp lại.
Tại sao không đặt vấn đề: Với trình độ, năng lực điều hành, quản lí kinh tế chưa ngang tầm của một số DN nội trong lĩnh vực KD- XK cà phê thì nên cho phá sản, để nông dân được bán trực tiếp cho DN FDI cho thêm thu nhập mà cứ phải hà hơi cho mấy DN nội “chết chưa chôn” bằng chính sách ngăn chặn DN FDI để tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Theo tôi việc đầu tư này sẽ có lợi cho cả 2 bên, người đầu tư và bà con nông dân mình nũa.
Còn chuyện đầu tư điện, đường, trường, trạm thì huộc về môi trường đầu tư, chúng ta phải đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư chứ!
Vấn đề quan tâm là cuối cùng nông dân mình có thể cải thiện được thu nhập hay không.
Thông tin nói Mondelez International “cam kết đầu tư 200 triệu USD phát triển cây cà phê tại Việt Nam” là SAI.
Công ty chỉ nói sẽ đầu tư 200 triệu đô la Mỹ vào phát triển cà phê tới năm 2020, giúp cho khoảng 1 triệu nông dân ở các nước sản xuất cà phê được hưởng lợi, trong đó có Việt Nam.
http://www.mondelezinternational.com/MediaCenter/country-press-releases/us/2013/Pages/multi_media_070313.aspx
Cũng trong thông báo ngày 4-7-2013 nói trên, Mondelez nói các nước được hưởng lợi từ dự án này gồm Việt Nam, Peru, Indonesia, Honduras, Brasil và một số nước trồng cà phê quan trọng khác.
Bài báo cũng không sai như bạn phản ánh đâu. Chỉ có điều chi tiết phản ánh chưa được mạch lạc và cụ thể nên dễ gây ra hiểu nhầm khi đọc không kỹ.
-Đây là hoạt động trong chương trình phát triển bền vững của Mondelēz International với tên gọi “Coffee Made Happy” (Cà phê khởi nguồn hạnh phúc) với cam kết đầu tư tối thiểu 200 triệu USD để hỗ trợ một triệu nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020.
Đoạn này viết đúng nhưng do lỗi không rõ ràng đã nói trên và nhan đề bài báo mới gây hiểu nhầm, cũng từ thói quen thích “nổ” của báo chí hiện nay để câu bạn đọc mà ra.
Dù sao với một tờ báo có uy tín thì cũng không nên như vậy bạn nhỉ !