Tin buồn

Thị trường cà phê: Lá rụng về cội

Sau vài ngày chao đảo, giá sàn robusta London tăng lại vào cuối tuần. Sức mua tại các tỉnh Tây Nguyên giảm, giá cà phê nội địa xuống mức 37.000 đồng/kg, rớt 1.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Song theo bức tranh chung của thị trường hàng hóa, giá đang yếu.

Thị trường tan hoang sau lệnh “rút quân”

bieu do thi truong hang hoa
Biểu đồ 1: Kết quả hoạt động một số thị trường hàng hóa và cổ phiếu 6 tháng đầu năm 2013 (NewEdge)

Đối với thị trường tài chính, ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói chắc Mỹ khỏi bơm tiền kích cầu nay mai, lập tức chỉ số đồng đô la Mỹ liên tục lên giá, hầu hết thị trường hàng hóa nào lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán, đều sụp đổ.

Từ ngày ông chủ tịch Fed phát biểu vào giữa tháng Sáu này, giới kinh doanh tài chính xem như là lệnh rút quân ít nhiều chính thức. Thực ra, thị trường hàng hóa đã bị “dịch cúm” từ lâu nay, các quỹ đầu tư hàng hóa đã âm thầm rút vốn dần. Giá các sàn kỳ hạn hàng hóa đã lẳng lặng xuống từ mấy tháng nay do thiếu tiền, mất dần thanh khoản.

Đã có 25/36 thị trường có giá xuống trong 6 tháng đầu năm 2013, trong đó kim loại quý như vàng, bạc và các thị trường nông sản nhiệt đới (soft commodities) có tỉ lệ mất nhiều nhất (xin xem biểu đồ 1).

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng mất trên 25% nay còn quanh mức 1200 đô la/oz (cột thứ 10 màu đỏ đếm từ trái sang), giá 3 sàn cà phê tại Mỹ, Anh Quốc và Brazil đều rớt trong khoảng từ 15-20% (cột 1, 2 và 3 màu đỏ tính từ bên trái sang). Chỉ riêng trong quí 2 năm nay, giá sàn arabica giảm 22 cts/lb (tức 485 đô la/tấn) và robusta giảm 321 đô la/tấn.

Cà phê: “Ta về ta tắm ao ta”

Từ 2009 đến cuối năm ngoái, đầu cơ đã huy động một lượng vốn không dưới 2.000 tỉ đô la nằm thường trực trên các thị trường hàng hóa. Thông qua các quỹ đầu cơ như quỹ bảo vệ (hedge funds) và quỹ kinh doanh hàng hóa (Exchange-Traded Funds / ETF), họ bơm tiền kích mua kích giá hàng hóa tăng mạnh. Giá lên cao, nông dân phấn khởi tăng năng suất. Đang lúc nhiều loại nông sản đang cho sản lượng cao, thậm chí dư thừa, đầu cơ ôm tiền bỏ đi!

Thị trường thiếu thanh khoản, thiếu người mua, giá xuống. Rất có thể đối với nhiều mặt hàng nông sản, đây là thời gian chuyển tiếp từ thị trường người bán sang thị trường người mua. Nên, đối với ngành cà phê, bắt đầu nghiên cứu thật kỹ cung cầu thật kỹ là vừa, bên cạnh việc theo dõi dòng vốn đầu cơ như đã làm trong thời gian các quỹ vốn đầu tư “lộng hành”. Đấy mới chính là căn cơ của sản xuất và kinh doanh cà phê từ trước đến nay.

bieu do gia ca phe robusta theo tuan 2013
Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta trong tuần (tác giả tổng hợp)

Hôm qua, thứ Sáu 28-6, đối với thị trường cà phê là ngày giao dịch chốt giá bán cuối cùng cho các hợp đồng giao hàng cơ sở tháng 7-2013. Đấy cũng là ngày cuối quý 2 và cuối nửa đầu năm.

So với đóng cửa ngày đầu năm, giá tháng giao dịch chính của sàn kỳ hạn robusta London mất chừng 200 đô la/tấn.
Tuy có giá đóng cửa cuối tuần chốt mức 1.759 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 9-2013, tăng 14 đô la/tấn so với hôm trước đó (xin xem biểu đồ 2), sàn robusta vẫn đang trong thế yếu vì các quỹ đầu cơ đang muốn bán ra hơn mua vào.

Tính đến nay, lượng hợp đồng bán khống vừa kỳ hạn vừa quyền chọn đang ở mức gần 100.000 tấn. Mức kỷ lục bán khống sàn robusta có khi đạt chừng 380.000 tấn, nên cửa đi hướng này còn rộng.

Giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay đang ở mức 37.000 đồng/kg, giảm so với đỉnh lập trong tháng Ba là 46.000 đồng/kg, mất 9.000 đồng/kg trong quý 2 này.

bieu do ton kho ca phe robusta
Biểu đồ 3: Tồn kho thuần robusta certs vơi sau 3 kỳ báo cáo liên tiếp (tác giả tổng hợp)

Giá cà phê xuất khẩu tính theo giá chênh lệch (differential) với giá niêm yết của sàn robusta cho loại 2, 5% đen vỡ đang được chào ở mức cộng 80-100 đô la/tấn. Tuy nhiên, ít người mua vì những mức này, người mua không đủ “sở hụi”. Giá robusta loại 2 Liffe theo qui định của sàn robusta London giao tại các kho Liffe NYSE tại châu Âu chỉ được bán ở mức trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết. Nếu cộng thêm chừng 70 đô la cho các chi phí chuyên chở, giao nhận, tài chính…giá xuất khẩu robusta loại 2 từ cảng TP. Hồ Chí Minh đang cao hơn giá niêm yết 200 đô la/tấn.

Chính vì vậy, người có hàng tại các kho Liffe ở châu Âu đang bán hàng ra ngoài vì được lợi hơn. Báo cáo định kỳ 2 tuần một lần của sàn robusta Liffe NYSE cho biết lượng tồn kho thuần robusta được xác nhận chất lượng (certs) tại các kho được sàn chỉ định giảm 1.560 tấn, chỉ còn 119.580 tấn đến hết ngày 24-6. Vậy, so với cách đấy 1 năm, lượng tồn kho này giảm 27%, bấy giờ ở mức 162.810 tấn.

>> Xuất khẩu Cà phê 2013: Giải khó khăn cố hữu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tuan

    Thị trường phản ánh chuẩn nhất cung cầu. Nó chỉ chao đảo quanh mức giá hợp lý 1 khoảng nào đó thôi chứ không hề có sự bóp méo của giới đầu cơ.
    Chả có ông thánh nào dám đẩy giá tăng trong khi mặt hàng đó cung đang vượt cầu cả, và ngược lại chả có quyền lực nào đủ sức đẩy giá xuống nếu mặt hàng đó đang thiếu hụt.

    1. Lê Đức Phú Cam

      Chà, bữa nay mới nghe bạn “tuan” mới chịu nói về cung-cầu. Nói vậy thôi chứ nếu bạn đang có vị thế bán khống 5 lot hàng giấy, bạn thắp nhang niệm chú sao cho giá xuống và xúi người ta bán đi cho giá xuống, dù bạn chỉ kiếm được vài ba đô, còn người khác nghe theo có khi thua cả vài trăm ngàn đô. Còn như bạn có 5 lot mua, cũng cầu sao cho giá tăng để kiếm chút cháo còn người khác ra sao thì kệ. Đầu cơ cũng nhờ các cái miệng cò con, ăn tí hỏa hồng, để đánh lạc hướng thị trường, đặc biệt thị trường có máu đỏ đen như tại Việt Nam.
      Khi có mục đích ấy, người ta mờ mắt và ít thấy bức tranh chung.

  2. Giang

    Xin hỏi, như vậy có nghĩa là sàn giao dịch trở thành công cụ cho đầu cơ dùng để thao túng thị trường và thu lãi?

  3. sự thật

    Tin tồt. Nên hiểu là vì hàng thực khan hiếm nên phải sử dụng đến hàng dự trữ trong kho. Khi trong kho cũng hết thì giá sẽ tăng mạnh. Nếu tính một cách đầy đủ thì giá Robusta hiện nay người nông dân đã không có lợi nhuận. Nếu so sánh với các mặt hàng nông sản khác qua các thời kỳ thi giá Robusta hiện nay là thấp nhất. Trong khi tiêu thụ Robusta trên thế giới ngày càng tăng cao.

  4. sự thật

    Hàng thật mới có gía trị thật. Mấy vị bán khống hàng giấy mà đến hạn không có hàng giao là nguy nhất. Lúc đó bằng mọi giá phải mua hàng thật để giao. Hiện tượng vắt giá sẽ xảy ra. Tăng gấp đôi là bình thường.

  5. tuan

    Thị trường luôn đúng, nếu thật sự thiếu hàng thì các nhà rang xay cứ lên sàn LD mà khuân hàng về, lúc nào mà chả có sẵn , mặc dù kho LD đang tồn kho thấp nhưng sao ko thấy các nhà rang xay đâu nhỉ ? Họ mà khuân hết thì giá LD ắt phải tăng để cân bằng với giá hàng nội địa mà thôi.

  6. tuan

    @Tân BL : châu á được bao nhiêu nhà rang hả bác ?

    Indo nội địa xài ko hết . VN thì xuất . Ấn Độ cũng thế !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84