Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai là vùng trọng điểm cà phê của cả nước.
Theo quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mới đây, đến năm 2020, các địa phương trong vùng trọng điểm này giảm diện tích cà phê xuống chỉ còn 447.000ha (Đắk Lắk xuống còn 170.000ha, Lâm Đồng còn 135.000ha, Gia Lai còn 73.000ha, Đắk Nông còn 69.000ha), chiếm 89,4% so với tổng diện tích cà phê của cả nước.
Thế nhưng, hiện nay các địa phương vùng trọng điểm cà phê này đều đã vượt xa cả hàng trăm ngàn ha so với quy hoạch; trong đó tỉnh Đắk Nông vượt trên 40.000ha, Đắk Lắk, Lâm Đồng mỗi địa phương vượt từ 30.000ha trở lên…
Theo kế hoạch, các địa phương trong vùng trọng điểm cà phê từng bước rà soát, loại bỏ những diện tích cà phê ở những vùng có điều kiện sinh thái không thích hợp để phù hợp với quy hoạch chung của cả nước; đồng thời chỉ đạo kiên quyết không để phát triển tự phát cà phê ngoài vùng quy hoạch.
Các địa phương cũng thực hiện tốt hơn quy trình kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, đặc biệt là tập trung chuyển giao, nhân rộng các giống cà phê vối, cà phê chè có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận thay cho các giống cà phê đã thoái hóa, trồng thực sinh trước đây.
Các địa phương cũng hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê cần thực hiện tốt hơn các biện pháp tưới nước tiết kiệm, bón phân hợp lý, trồng cây che bóng, chăm sóc tích cực, quản lý dịch hại tổng hợp, khuyến khích mở rộng thực hiện các chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận như cà phê Utz, 4C, Rainforest Alian, VietGAP, Global GAP.
Từng địa phương trong vùng cà phê trọng điểm của cả nước cũng có kế hoạch rà soát, phân loại diện tích cà phê hiện có để có lộ trình, giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trồng tái canh hoặc chuyển đổi cà phê sang cây trồng khác, theo hướng trồng tái canh cuốn chiếu, mỗi năm trồng lại từ 15% đến 20% diện tích…
Cũng theo kế hoạch, mặc dù giảm diện tích, nhưng thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, các địa phương trong vùng trọng điểm sẽ đạt sản lượng từ 1 triệu tấn cà phê nhân/năm trở lên (gần bằng sản lượng hiện nay).
Từ năm 2008 đến nay, các địa phương vùng trọng điểm cà phê của cả nước đã bắt đầu triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm diện tích để phát triển cà phê theo quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương, khi giá cà phê tăng, một bộ phận nông dân, doanh nghiệp vẫn tự phát mở rộng diện tích ngoài vùng quy hoạch dẫn đến diện tích cà phê vượt quá quy mô theo định hướng của Chính phủ. Các địa phương hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giảm diện tích cà phê theo đúng quy hoạch.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các địa phương trong vùng trọng điểm đã có tổng diện tích cà phê trên 539.800ha; trong đó tỉnh Đắk Lắk có trên 201.340ha, Lâm Đồng có 145.700ha, Đắk Nông có trên 116.350ha…
Ngay mùa mưa năm 2012, các địa phương trong vùng trọng điểm cà phê vẫn tiếp tục trồng mới thêm gần 6.000ha; trong đó trồng mới nhiều nhất là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Cũng do mở rộng diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch, hàng năm cứ đến mùa khô, các địa phương trong vùng trọng điểm cà phê liên tục bị khô hạn, thiếu nước tưới làm chết khô, hoặc giảm năng suất hàng chục ngàn ha cà phê, làm thiệt hại nhiều tỷ đồng cho nông dân. Chỉ riêng mùa khô năm nay, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 26.000ha cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới làm giảm năng suất hoặc chết khô.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích, sản lượng cà phê nhiều nhất nước. Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh (chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), tạo việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê. Hiện tại và trong nhiều năm tới, cây cà phê vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Từ năm 2008, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây cà phê bền vững trong thời kỳ mới. Mục đích của Nghị quyết là ổn định từ 150.000-170.000ha cà phê trong vùng sinh thái thuận lợi để thâm canh, tăng năng suất đạt sản lượng mỗi năm từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên. Thế nhưng, từ khi có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây cà phê bền vững, đến nay diện tích cà phê ở Đắk Lắk chẳng những không giảm mà mỗi năm lại một tăng.