Sẽ còn gốc rễ những cây gì…

thuong lai trung quoc thu mua nong sanThời gian gần đây người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê (Gia Lai) xôn xao việc thương lái Trung Quốc thông qua tiểu thương trên địa bàn lùng mua gốc, rễ hồ tiêu với giá cao.

Cho đến lúc này người dân thôn 4, xã Ia Blang cũng không hiểu thương lái mua gốc, rễ tiêu về để làm gì và mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa có tình trạng người dân thu gom gốc, rễ tiêu bán mà chỉ có một gia đình trong vùng tận thu gốc, rễ tiêu từ những vườn cây già cỗi, thoái hóa được cải tạo để trồng mới… tuy nhiên, nhiều người lo lắng, rất có thể những kẻ phá hoại sẽ tăng giá mua để đạt mục đích. Một số người dân nhận thức kém nếu thấy lợi trước mắt sẽ chặt bỏ vườn tiêu để bán gốc và rễ, thậm chí còn trộm cắp để bán…

Cẩn tắc vô ưu

Được khai sinh từ thế kỷ XVII như là một loại cây công nghiệp lâu năm của nông nghiệp VN, hồ tiêu đã vươn mình thành một người khổng lồ không những của nông nghiệp VN mà của cả thế giới. Tuy mới tham gia xuất khẩu nhưng VN đã nhiều năm giữ vững ngôi vị số một thế giới, xuất khẩu ra hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên 50% sản lượng giao dịch hồ tiêu trên thị trường thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng tiêu xuất khẩu năm 2012 đạt 118 ngàn tấn với kim ngạch 802 triệu USD, giảm 4,3% về lượng nhưng tăng 9,6% về giá trị so với năm 2011. Các thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của VN vẫn là Hoa Kỳ chiếm 14,7% thị phần, Đức chiếm 10,1% và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất chiếm 8,48%…

Theo các chuyên gia, với giá trị lớn của hồ tiêu, phổ biến 1ha hồ tiêu cho thu hoạch 5- 7 tấn/năm, giá trị từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng, nếu xét về giá trị kinh tế, bà con không dại gì phá bỏ hồ tiêu vì giá bán gốc, rễ chẳng đáng bao nhiêu. Tuy nhiên, chính “giá trị” cũng như tiềm năng lớn như vậy, không loại trừ hồ tiêu trở thành mặt hàng mà các đối thủ láng giếng muốn đánh bại. Và trước khi để hiện tượng thu gom gốc rễ hồ tiêu này diễn ra phổ biến, thì các cơ quan chức năng cần cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho bà con, tránh để kẻ xấu lợi dụng phá hoại sản xuất.

Còn đó những câu hỏi:

Tại sao?

Từng có thời gian, thương lái Trung Quốc về các chợ nông thôn VN thu mua móng trâu với giá rất cao, thậm chí những cái móng từ 4 chân của một con trâu được mua với giá hơn hẳn một con trâu. Thế là nông dân VN và bọn “trâu tặc” ra sức chặt móng trâu đem bán… vẫn còn lãi một con trâu thịt mang bán ở chợ. Chỉ một thời gian rất ngắn, bọn chúng đã triệt phá tan hoang sức kéo của nông dân nghèo. Tiếp đó, dân loan tin cho nhau, “lái trâu” từ bên Trung Quốc tràn qua biên giới để “tiếp thị” bán trâu. Trong “đội ngũ” thương lái mới này còn có cả kẻ tiếp thị bán trâu sắt (máy kéo). Lúc này, dân tình vỡ lẽ: Thì ra chúng thu mua móng trâu là vì như thế!

Trước đó, khoảng giữa thập niên 1990, con buôn Trung Quốc từng đặt mua mèo, trăn, rắn không giới hạn số lượng và sau những đơn đặt hàng này, mùa màng ở tất cả các miền gần như mất trắng vì bị chuột phá hoại…

Tuy nhiên, cho đến nay, cũng chưa có bất cứ một cơ quan nhà nước nào trả lời câu hỏi “tại sao” của việc thương lái phía “bạn” mua vét mèo những năm 90 thế kỷ trước. Cũng không ai có ý kiến sau khi họ tiếp tục thu gom những mặt hàng “hiểm” sau này: thớt nghiến, rễ hồi, râu ngô non, ốc bươu vàng, đồng vụn, cáp quang, gỗ sưa, đỉa… và gần đây là phân trâu, lá vải, lá điều…

Còn nhớ, ngày 18/2/1998, Thủ tướng Chính phủ buộc phải có Chỉ thị 09 về những biện pháp cấp bách phòng trừ chuột bảo vệ mùa màng trước dịch chuột kéo dài suốt gần 5 năm nghiêm trọng . Văn bản do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký ngày đó yêu cầu “xử lý thật nghiêm các vi phạm về săn bắt các thiên địch của chuột để xuất khẩu và làm thực phẩm, đặc biệt cấp bách hiện nay là việc săn bắt trộm, vận chuyển và buôn bán mèo qua biên giới”. Và có lẽ, cũng đã đến lúc cần có những “chỉ thị” mạnh tay ngăn chặn việc thu gom, mua bán những sản phẩm “khó hiểu” của thương lái Trung Quốc… Nếu không, rất có thể sau những rễ hồi, lá vải, lá điều… rễ cà phê, hay thậm chí cả… mạ non của VN cũng có thể sẽ là những mặt hàng mà thương lái Trung Quốc thu gom sau này…
Box: Cần có những giải pháp mạnh tay ngăn chặn việc thu gom, mua bán những sản phẩm “khó hiểu” của thương lái Trung Quốc.

Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, hàng hóa ngoài tính chất thông thương còn có thể có mục tiêu khác, ý định khác ngoài tính chất thương mại, thậm chí trong nhiều trường hợp không loại trừ cả ý đồ chính trị. Các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực về xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hải quan… phải rất cẩn trọng trong hoạt động nghiệp vụ của mình. Đối với các sai phạm phải điều tra làm rõ trách nhiệm của ai. Cơ quan chức năng phải vào cuộc để thanh lọc thị trường cũng như ngăn chặn những ý đồ đen tối…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. buôn hồ

    Gì chứ thương lái Trung Quốc mua gốc rể hồ tiêu giá cao thì còn lâu nông dân mới bán. Chỉ bán gốc rể hồ tiêu già chặt bỏ ở vườn bị sâu bệnh chết, mua cho nông dân nhờ.

  2. Blackman

    @buôn hồ: gốc rễ nhà mình thì không bán nhưng sẽ tìm cách đào của nhà khác. Như thế lại mất thêm công giữ đấy ạ.

  3. KimDung

    Lại thêm 1 hình thức phá hoại nữa, khổ cho những người nông dân cực khổ, nhà nước có thể ngăn chặn ko,

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82