Hiện nay, nông dân ở Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL đang “méo mặt” vì nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Nông dân yêu cầu các ngành chức năng cần sớm vào cuộc ngăn chặn tình trạng này để người dân yên tâm sản xuất.
Tại Cần Thơ, nông dân thuộc các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền và Vĩnh Thạnh rất lo lắng vì hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu phân bón, nên họ không thể phân biệt được thật giả. Chỉ đến khi bón cây thấy không hiệu quả mới biết thuốc giả, hoặc kém chất lượng thì việc đã rồi, lúc đó chỉ còn biết méo mặt mà kêu trời!
Theo các nhà sản xuất và kinh doanh phân bón: Hiện nay trên thị trường Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có trên 50% lượng phân NPK 20-20-15 kém chất lượng. Có nhiều nguồn tin cho rằng, hầu hết lượng phân bón kém chất lượng này là do các Đại lý cấp I ở các tỉnh mở công ty tự sản xuất phân bón theo phương pháp thủ công nên giá cả cũng rất cạnh tranh…
Tại thời điểm này, phân NPK 20-20-15+TE của Cty Phân bón Bình Điền vẫn đứng đầu về giá với 710.000 đồng/bao, trong khi đó sản phẩm cùng loại của nhiều đại lý cấp I chỉ bán với giá 560.000 đồng/bao. Thực tế, do nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh rất lớn, nên việc quản lý là vô cùng khó khăn.
Trước thực trạng trên, các nhà quản lý nông nghiệp kiến nghị các ngành chức năng cần phải xử phạt vi phạm hành chính thật nặng các cơ sở, đại lý sản xuất phân bón kém chất lượng. Nhưng cũng theo các nhà quản lý, để xử phạt được thì ngoài Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh cực phân bón, cơ quan thẩm quyền và ngành chức năng cũng cần phải có văn bản hướng dẫn một cách cụ thể mới có thể thực hiện được.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cũng đã nhiều lần kiến nghị Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để làm rõ phân loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng để tránh thiệt hại cho bà con nông dân khi sử dụng.
Tại buổi sơ kết sản xuất lúa đông xuân 2012 – 2013 và triển khai vụ Hè thu năm 2013, trước tình các địa phương phản ánh về tình hình phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khuyến cáo các địa phương: Trong vụ Hè thu và Thu đông 2013, sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phối hợp chặt với cơ quan chức năng quản lý tốt hơn chất lượng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu để đảm bảo chất lượng, qua đó giúp bà con nông dân an tâm, hướng đến lợi nhuận cao trong sản xuất lúa.
Về cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật giao cho Cục Trồng trọt bám sát để chỉ đạo cho các địa phương, song song đó phải tập trung kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào. Vấn đề chất lượng giống, phân bón, thuốc BVTV… đã có chỉ đạo của Ban, ngành có liên quan nhưng còn hạn chế, do đó các địa phương cần nỗ lực vượt khó để làm tốt, trong đó tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.