Cục Sở hữu trí tuệ vạch rõ Vinacafe Biên Hòa lừa dối

“Nếu một địa danh đăng ký bảo hộ địa lý cho một sản phẩm này mà lại quảng cáo cho một sản phẩm khác là không đúng”.

> “Quảng cáo cà phê thật giống người bán sừng tê giác”

Vinacafe Biên Hòa đang tung ra một clip quảng cáo được chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam, trong đó có lời dẫn “Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản (Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê) ngon nhất Việt Nam”… để khẳng định chỉ có cà phê của mình mới là thật và ngon nhất.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Đất Việt, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, sự thật không phải như vậy.

Tất cả việc quảng cáo ‘láo’ đã được chỉ rõ qua phân tích của Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và công nghệ).

Không có khái niệm sản phẩm “ngon nhất”

Theo ông Thanh, Quy định chỉ dẫn địa lý được quy định trong pháp luật Việt Nam một cách đầy đủ và cơ bản nhất phù hợp với các quy định của pháp luật, Luật thương mại, WTO, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

thi nghiem ca phe that
Thí nghiệm đổ cà phê vào nước để nhận biết cà phê thật được Vinacafe Biên Hòa truyền thông tới nhân dân, tuy nhiên sự thật khoa học lại khác. (Ảnh TTO)

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Theo quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể, khoa học.

Khi được bảo hộ rồi thì chỉ những người trong khu vực đó mới được mang tên bảo hộ. Những người ngoài khu vực không được phép gắn tên bảo hộ cho sản phẩm của mình.

Nếu những người ngoài khu vực mà sử dụng tên này là vi phạm pháp luật và vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Những người trong khu vực được bảo hộ mà chưa được phép sử dụng thì cũng không được sử dụng.

Ông Thanh cho biết, trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe đưa ra chỉ có duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 7 vùng còn lại vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn.

Buôn Mê Thuột, cũng phải hiểu rất linh hoạt. Mặc dù mang tên Buôn Mê Thuột nhưng không phải toàn tỉnh được bảo hộ, mà chỉ có những khu vực nào đáp ứng được tiêu chuẩn chung, mang lại được sản phẩm có tính chất đặc thù thì mới được mang cái tên Buôn Mê Thuột. Hơn nữa, sản phẩm phải gắn liền với lịch sử lâu dài chứ không phải sản phẩm trồng hôm nay, ngày mai được mang tên Buôn Mê Thuột.

Một vấn đề nữa là cách dùng từ “ngon nhất” như trong quảng cáo là không ổn. “Trong luật sở hữu trí tuệ không có khái niệm thế nào là “ngon; ngon nhất”. Định nghĩa từ “ngon” đã rất khó đánh giá rồi, ngon với tôi nhưng không ngon với người khác, nên rất khó để định nghĩa. Dùng từ ngon, ngon nhất là không đúng với cách dùng từ của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định, chỉ có thể là chất lượng đặc thù, đặc trưng, ông Thanh cho biết thêm.

Vinacafe Biên Hòa đem vùng bảo hộ hồ tiêu đi quảng cáo cà phê

Ông Thanh phân tích, một địa danh có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng nếu một địa danh đăng ký bảo hộ địa lý cho một sản phẩm này mà lại quảng cáo cho một sản phẩm khác là không đúng.

quang cao ca phe that
Quảng cáo cà phê được tuyển chọn từ 8 vùng đặc sản ngon nhất của Vinacafe Biên Hòa. Cơ sở nào khẳng định đây là 8 vùng ngon nhất, các vùng khác là cà phê không ngon?

Ví dụ, 8 địa danh mà Vinacafe khẳng định là 8 vùng địa lý có cà phê đặc ngon nhất nhưng chỉ có duy nhất Buôn Mê Thuột đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với sản phẩm cà phê. Chư Sê đăng ký hồ tiêu, Long Khánh là cao su và các sản phẩm công nghiệp…

Việc Vinacafe Biên Hòa sử dụng địa danh đăng ký bảo hộ hồ tiêu, cao su để quảng cáo cho cà phê là không ổn, như vậy là lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Đối với hạt tiêu Chư Sê, để đăng ký bảo hộ UBND tỉnh phải cho phép tổ chức đó đứng ra đăng ký tổng thể cho toàn bộ những người sản xuất, kinh doanh hạt tiêu Chư Sê. Tổ chức này được thành lập hợp pháp và phải đảm bảo được quyền và quyền lợi của những người kinh doanh trong khu vực, lúc đó UBND tỉnh mới cho phép tổ chức đó sử dụng cái tên Chư Sê để đăng ký nhãn hiệu.

Ví dụ, cùng một loại cà phê có thể là cà phê nhân, cà phê tươi.. thì được coi là một loại cà phê. Tuy nhiên, cà phê với hạt tiêu thì lại là hai loại hoàn toàn khác nhau và phải được đăng ký bảo hộ khác nhau.

Nếu Chư Sê chỉ đăng ký hồ tiêu mà Vinacafe lại quảng cáo cà phê cho Chư Sê thì rõ ràng là đã vi phạm quy định của pháp luật (chỉ đăng ký hạt tiêu mà lại sử dụng quảng cáo cà phê), thứ hai, UBND tỉnh chỉ cho phép đăng ký tên Chư Sê bảo hộ cho hạt tiêu thôi chứ không được quyền đăng ký cho sản phẩm khác. Với hai nhận định đó thì rõ ràng Vinacafe Biên Hòa không được làm như vậy. Đó là đánh đồng khái niệm.

Tuy nhiên, việc xác định Vinacafe Biên Hòa vi phạm luật hay không phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định. Trong luật đã quy định rất rõ về dấu hiệu, hành vi và hình thức xử lý.

Cách phân biệt cà phê thật và cà phê giả ]

Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ: không có khái niệm chỉ dẫn nào là “tốt nhất, ngon nhất”

“Có hai đối tượng tham gia vào việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thứ nhất là: Người muốn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đó phải nộp đơn tới Cục sở hữu trí tuệ. Dựa vào hồ sơ đó, Cục sẽ xem xét có công nhận bảo hộ đăng ký chỉ dẫn địa lý đó hay không. Để đưa ra được chứng nhận bảo hộ phải dựa trên những cơ sở pháp luật, cụ thể là Luật sở hữu trí tuệ.

Trong đó có những tiêu chí cụ thể, như bảo hộ đó dùng để chỉ dẫn cho sản phẩm nào. Sản phẩm đó phải có chất lượng, đặc tính, đặc thù. Còn chất lượng đó do từ đâu mang lại thì có thể là do tự nhiên, yếu tố địa lý, yếu tố con người tất cả phải xuất phát từ một khu vực địa lý cụ thể, nó làm cho sản phẩm đó có những tính chất đặc thù.

Trên cơ sở những gì đã có trong hồ sơ Cục sẽ xem xét có phù hợp, đủ tiêu chuẩn để cấp chứng nhận bảo hộ hay không.

Trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý không có khái niệm chỉ dẫn nào là “tốt nhất, ngon nhất” mà chỉ có khái niệm là đặc thù và đặc trưng. Ví dụ, khái niệm tốt nhất hoàn toàn là phụ thuộc vào đánh giá của người tiêu dùng chứ không phải là cơ quan quản lý.

Với quảng cáo của Vinacafe về “8 vùng cà phê đặc sản ngon nhất” không đúng là bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý không nhằm vào mục tiêu chỉ sản phẩm đó là tốt nhất hay ngon nhất… nó chỉ nhằm khẳng định sản phẩm đó có chất lượng đặc thù, đặc trưng do vùng địa lý đó mang lại”.

Các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý

Khoản 3, Điều 129 – Luật sở hữu trí tuệ quy định: Các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;

c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;

d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.

Luật cũng quy định rõ các biện pháp xử lý hành chính, dân sự, hình sự với các hành vi trên.

(Trích Luật sở hữu trí tuệ)

Kỳ tới: Vinacafe Biên Hòa dạy phân biệt cà phê thật sai khoa học như thế nào? Câu chuyện đằng sau việc tuyên xưng cà phê thật.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bo

    Tôi nghĩ là các cơ quan truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo !
    Chứ không lẽ tôi thuê nói bậy mà truyền thông cứ nói mà ko chịu trách nhiệm gì?
    Dân ta có thói quen tin vào những gì do đài báo đưa ra mà!

  2. MINH HẢi

    Đây là bản sao của Massan, dùng công nghệ quãng cáo để bán hàng. Họ luôn cho sản phẩm của họ là thật, là tốt cho sức khỏe còn sản phẩm của người khác ăn vào là bị ung thư chết ngay. Có thể thấy họ dùng chiêu này tiêu diệt các cơ sở chế biến nước tương, nước mắm, mì gói (chưa thành công do có nhiều đối thủ ngang tầm). Họ nói mới nghe thì rất hay nhưng suy xét kỹ thì thấy rất nhảm nhí và chất lương sản phẩm của họ chưa chắc được 1/10 như họ quãng cáo. Họ khẳng định cà phê của họ không dùng hóa chất nhưng thực tế cà phê hòa tan của họ 100% phải có hóa chất. Phải hiểu ngược lại điều họ quảng cáo thì sẽ hiểu đúng về sản phẩm của họ.
    Minh Hải

  3. Tư Cà Nam Đà

    Theo ý kiến riêng Tôi, cho việc quảng cáo trên là đúng đi nhưng trách nhiệm là các nhà quản lý chất lượng phải bảo công ty vinacfe Biên Hòa công bố chất lượng sản phẩm cụ thể gồm số lượng, tỷ lệ cà phê của từng vùng trong 8 vùng đã quảng cáo là bao nhiêu thì biết ngay là thôi chứ không bàn cãi nhiều. Nếu không đúng tỷ lệ như đăng ký thì thu giấy phép kinh doanh, phạt tiền thật nặng không thể đánh lừa người tiêu dùng như thế được. Tôi đây gợi ý cho vinacafe Biên Hòa lần sau nên lấy cà phê ở những nơi này và quảng cáo như thế này “Được lấy từ những hạt cà phê của vùng đất đỏ Tây Nguyên gồm Buôn hồ (ĐakLak), Biển Hồ (GiaLai), Đắk Mil (DakNong), Đắk Hà (Kon Tum), Bảo Lộc hoặc Di Linh (Lâm Đồng)” là ổn vì những vùng này có được những hạt cà phê chất lượng cao nổi tiếng ở địa phương không nên chạy ra tận Chiềng Ban, Khe sanh để lấy cà phê xô về rang xay thì chi phí lớn lắm mà cà phê chẵng ra gì.

  4. cafe tối

    Nhà báo này có vẻ thiển cận và bảo thủ. Căn cứ vào đâu mà lại bảo lấy địa danh Chư Sê, Long Khánh là lừa dối? Không lẽ ở 2 nơi này cấm trồng cà phê.
    Như Long khánh theo nhà báo là trồng cao su, còn tiêu, cà phê và nhiều loại trái cây khác không được dùng tên Long Khánh à? nhà nước mình có luật cho phép độc quyền hay sao mà cấm dùng chỉ dẫn địa lý trùng tên cho nhiều loại hàng hóa khác nhau? tôi chưa hề nghe nói.
    Tin gì được, cục kít chồn mà cũng đăng ký sở hữu trí tuệ, bó tay !

  5. Y Kadel

    Hết sức thiển cận. Có chút chữ nghĩa cứ đi nói bừa !
    Chư Sê chỉ mới tiêu và cà phê mà đã sợ nhầm lẫn, đã cho là lừa dối. Hỏi nhà báo, nhà quản lý, chỉ mới chỉ dẫn địa lý HUẾ đã có bao nhiêu sản phẩm hàng hóa trùng tên mà có ai nhầm ko? Hay là mấy vị đi ăn bún bò Huế mà người ta đưa cho 1 tô mắm ruốc Huế ra cũng ráng nuốt à? (xin lỗi vì ví dụ cũng chưa tế nhị) Chắc là không phải lừa dối mà tại nó có cục u.

  6. Tâm Cà

    Từ ngày thằng Masan mua lại Vinacafe Biên Hòa thì quảng cáo nói láo đúng thật. Tất cả các sản phẩm của Masan đều quảng cáo láo. Tôi đã dùng qua các sản phẩm của Masan và đúng là chất lượng quá cùi, giá trên trời. Và toàn quảng cáo láo. Hận nó tới giờ.
    Giờ mà món gì liên quan đến Masan tôi cạch.

    1. Cuôr Đa

      Mà sao Vina lại là của Massan? Vina là Việt Nam chứ?
      Không lẽ nhà nước cho phép bán cả tên nước cho DN ngoại à?

  7. Thanh Phượng

    Giờ mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái, đừng mê muội như một tín đồ. Thời đại đang bùng nổ và nhiễu loạn thông tin. Trước những thông tin từ nhiều nguồn tin khác nhau chúng ta nên tỉnh táo đánh giá và phân tích. Dù sao, cho đến thời điểm này, những kênh thông tin từ các báo đài lớn như VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ, báo VnExpress vẫn có độ chính xác và tin cậy cao nhất.

Tin đã đăng