Cà phê lắm chuyện

Như một duyên tiền định, nước ta tự nhiên trở thành nhà xuất khẩu nhiều loại nông sản lớn nhất nhì của thế giới. Từ gạo, đến tiêu, hạt điều (đào lộn hột), chè, cà phê, rồi nhiều loại gia vị khác như quế, hoa hồi…cũng rất dễ lên ngôi vương.

quan-ca-phe-pho-co
Cà phê lắm chuyện

Tuy nhiên, cà phê là loại hàng hóa có thị trường khó chịu bậc nhất. Nghe rằng, các quỹ đầu cơ thường đặt thị trường hàng hóa cà phê vào tầm ngắm của mình, quan trọng không kém gì với thị trường vàng và dầu thô.

Khi nói đến kinh doanh hàng hóa, thường ta chỉ nghĩ nó cũng như một cái chợ bình thường, mua bán cái chi, số lượng bao nhiêu cũng được. Điều đó không đúng. Hàng hóa ở đây, trong tiếng Anh được gọi là “commodities”, nó có cái gì đó rất chung như đóng gói, bao bì, lượng giao dịch… Muốn mua hàng hóa dầu thô, bạn chỉ được quyền mua theo đơn vị thùng, nếu kinh doanh vàng, phải mua theo “ounce”, còn cà phê phải mua bán theo bao 60kg và đơn vị hợp đồng kinh doanh trên sàn là 10 tấn cho mỗi lô (lot). Chứ lên trên sàn, bạn đòi mua hay bán 5 chỉ vàng là không xong rồi hay dầu thô bạn chỉ cần mua mươi lít thì xin đi chỗ khác…

Cũng không phải do giá cả khó chịu mà cà phê thành món hàng nhiễu sự hay lắm chuyện. Chính bản thân quanh ly cà phê đã có quá nhiều dịch vụ ăn theo, như là một điểm văn hóa rất riêng, chỉ có cà phê mới có. Thế này nhé, quanh cà phê, về nhóm chữ nghĩa, chúng ta thường gặp nào là cà phê triết học, cà phê văn chương, cà phê nghệ sĩ, cà phê báo chí… đến nhóm tài chính người ta lại đặt cà phê chứng khoán, cà phê tài chính…rồi ngay cả nhóm đại học cũng có nhiều tên như cà phê kiến trúc, cà phê văn khoa… Nói chung, đủ thứ để tạo nên quanh ly cà phê những đối tượng có chung những ý tưởng, nghề nghiệp, sở thích. Thế mà vẫn chưa hết đâu, có người lại sử dụng ly cà phê, món cà phê để kinh doanh ý tưởng, thậm chí còn qua nó để “mua danh ba vạn”…

Cách đây mấy hôm, ghé thăm một quán cà phê do một anh bạn trẻ làm chủ trên một con đường nhỏ thuộc quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, anh ta khẽ khàng bảo rằng kinh doanh quán cà phê tất nhiên để bán cà phê, nhưng đấy chỉ là cái cớ. Thực ra, theo ý hướng của anh, bán cà phê chính là để phục vụ khách hàng văn phòng, sinh viên, những ai cần một nơi yên ả để làm việc với máy tính, với không gian thư giãn thoáng đãng. Tôi giật mình, vì anh nói đúng quá. Từ lâu, mình cứ quanh quẩn với hạt cà phê, giá cả hàng hóa tăng giảm mà quên đi những dịch vụ chạy quanh ly cà phê, để làm nó khác đi, có giá trị hơn so với ban đầu.

Tôi có nhiều anh bạn cùng nghiên cứu về giá cả thị trường cà phê với tư cách hàng hóa, cứ trách miết tại sao nông dân mình khổ thế, giá bị chèn ép thế, trong khi giá ly cà phê tại các đô thị lớn như New York, Geneva hay Paris, London, thậm chí Bắc Kinh hay Thượng Hải…người uống có khi phải trả từ 5 đến 7 đô la Mỹ cho một ly cà phê. Trong khi đó, một kí cà phê thô nay chỉ được chưa đến 2 đô la lẻ!

Cách so sánh nghe rất dễ được người trồng cà phê đồng cảm. Nhưng, khi làm chuyện so sánh, nhiều người quên rằng có khi lên bàn phục vụ, hạt cà phê đã phải qua biết bao nhiêu khâu được tính giá cộng thêm mà không phải “bản năng gốc” của nó. Này nhé, nhà rang xay mua hạt cà phê thô về, rang nó ra, ngoài chi phí tài chính, họ còn phải trả hao mòn máy móc thiết bị, hao hụt tính từ đầu vào đến đầu ra ngay trên thể tích, cân lượng của hạt cà phê. Chưa hết, hàng cà phê chủ yếu phải đưa vào siêu thị bán lẻ. Hoa hồng cho siêu thị phải tốn chí ít 20% giá trị. Lại hàng bán không chạy, không hết, phải đem hủy bỏ vì quá hạn sử dụng, quá “đát”, cũng phải ít nhất 15-20% số lượng trưng bày, ủy thác bán lẻ. Lên kệ siêu thị, có nơi hàng bán được rồi, cũng phải đợi từ 3 đến 6 tháng mới nhận được tiền bán sản phẩm.

Tính thế vẫn chưa đủ với ly cà phê được đưa lên bàn tiêu thụ. Nếu bạn uống một ly cà phê trong một tiệm sang trọng, khách sạn 5 sao chẳng hạn, giá có khi phải trả trên trời vì cái bạn trả không phải cho ly cà phê đơn thuần mà cho cái vị trí, tiền trả công phục vụ ông chủ tiệm cà phê phải trả cho nhân công…nên giá trị thực của ly cà phê không nằm trong giá tính gộp của những dịch vụ đi kèm. Đó là chưa nói đến những lần đến uống cà phê ở một số nơi, chủ tiệm mời một vị triết gia hay học giả, văn thi sĩ gì đó tiếp chuyện, làm diễn giả, có khi phải trả tiền triệu. Hay ngay cả vào các đêm ca nhạc, hay xem một trận bóng đá, kêu một ly cà phê để uống, giá hoàn toàn khác. Cho nên, tính toán và so sánh giữa 2 loại giá, một bên là giá hàng hóa trên sàn một bên là giá bán lẻ, dịch vụ…không khéo trở thành khiên cưỡng và gây hiểu lầm không cần thiết.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe tối

    Lắm chuyện thật! 90 triệu dân đầu tắt mặt tối mới làm nên được chứ sao lại là “tự nhiên trở thành…”. Sao không viết giúp cách nào để nông dân cà phê VN bớt khổ.

  2. Cà phê chát

    Chỉ một lao động phổ thông tại nước Mỹ, tiền công 1 tháng bình quân cũng đạt 2000 USD đủ mua 1 tấn cà phê của 1 nông dân VN làm quần quật suốt 1 năm với giá cao như hiện nay.
    Dù sao thì tất cả dịch vụ đều ăn theo trên lưng hạt cà phê với giá rẻ mạt. Giá trị của hạt cà phê chỉ chiếm 1 phần nghìn của tổng giá trị gia tăng ăn theo nó.
    Tuy nhiên đó là quy luật cung cầu của thị trường. Người nông dân thực sự được hưởng lợi chính từ giá trị tăng lên của hạt cà phê, chỉ khi… Nếu… tiêu hủy đi 3/4 lượng cung cà phê của thế giới. Điều không tưởng!

  3. Nguyễn Thị Tường Vi

    Tất cả mọi người nhìn vào chỉ nhìn thành quả. Nhà có cafe nhiều sướng thế hay có này có kia nhiều thế đại loại vậy. Sướng thì sướng thật nhưng cái công sức bỏ ra sau 1 năm làm lụng vất vả thì không sướng tí nào. Rồi giá thì thấp tè tè.. riết mọi người nhìn cây cafe mà thở dài dần dần mọi người hầu như chặt hết cafe để thay bằng 1 loại cây trồng đem lại lợi ích cho họ hơn.
    Mang tiếng cafe xuất khẩu đừng thứ nhì ba gì đó thế giới nhưng họ đâu nhìn vào cái khổ cái khó của người dân. Cứ tình hình này thì Việt Nam chẳng có nhiều cafe xuất khẩu nữa đâu

Tin đã đăng