Xuất khẩu cà phê: Doanh nghiệp ngoại đang thất thế?

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam từng rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản khiến cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thao túng thị trường. Song đến thời điểm này, các doanh nghiệp nội địa đã có cú bứt phá, lấy lại thị trường.

Kinh doanh cà phê
Doanh nghiệp ngoại đang thất thế?

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cà phê Việt Nam tại buổi họp báo “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – 2013” diễn ra mới đây.

Theo ông Hải, niên vụ 2012, Việt Nam có sự bứt phá về xuất khẩu cà phê với 1,76 triệu tấn, trị giá 3,7 tỉ USD, tăng 40% về lượng và 36% về giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam đã vượt qua Brazil trở thành nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, với khoảng 70% lượng cà phê Robusta giao dịch trên thị trường thế giới. “Các thị trường xuất khẩu và các nhà rang xay cà phê trên thế giới bắt đầu khẳng định, cà phê Robusta của Việt Nam là một phần không thể thiếu của họ”, ông Hải nhấn mạnh.

Việc “lội ngược dòng” ngoạn mục của các doanh nghiệp cà phê trong nước, nếu như niên vụ 2011, Việt Nam chứng kiến hàng loạt đại gia cà phê “ngã ngựa”, một loạt vụ vỡ kho ký gửi cà phê tư nhân… khiến niềm tin vào ngành hàng cà phê giảm sút, ngân hàng ngại cho vay, thì bắt đầu từ niên vụ 2012 đến nay, các doanh nghiệp cà phê nội địa đã tăng cường thông tin thị trường đến nông dân và vận động họ không bán cà phê ra ồ ạt như những năm trước mà bán theo từng tháng với giá không dưới 40.000 đồng/kg. Chính điều này đã khiến cho các doanh nghiệp FDI suy yếu vì sai lầm trong chính sách thu mua do họ nhận định là nông dân sẽ bán ra ồ ạt, khi đó họ sẽ mua vào rồi lại chờ bán lại hưởng lợi nhuận mà không cần xuất khẩu. Vì vậy, trong niên vụ 2012 có gần 70% sản lượng cà phê xuất khẩu thuộc các doanh nghiệp trong nước.

Để tiếp tục là người chiến thắng trong cuộc chạy đua với các doanh nghiệp FDI, ông DHăm ÊNuôl, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, các doanh nghiệp cà phê cần làm tốt công tác thông tin thị trường và có mối liên kết chặt chẽ với nông dân. Trong đó, chương trình “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – 2013” diễn ra từ ngày 9 – 12/3/2013 tại TP Buôn Ma Thuột sẽ góp phần nâng cao giá trị cà phê Việt Nam. Bởi, trong 9 nội dung chính của Lễ hội cà phê như hội chợ – triển lãm, lễ hội đường phố, thi “Nữ hoàng cà phê”… thì điểm khác biệt của lễ hội năm 2013 là tạo thêm điều kiện cho nông dân tham gia các hoạt động nhằm tôn vinh người trồng cà phê.

Theo đó, sẽ có đông đảo nông dân trồng cà phê đến từ các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia. Người trồng cà phê sẽ thể hiện những hiểu biết của mình trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ cà phê. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu cũng được mời tham gia lễ hội để họ nhận xét sản phẩm của mình, để sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu.

>> Cấm công ty FDI mua cà phê từ nông dân: Nên cân nhắc!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hai lúa

    Tôi không cần biết DN nội hay ngoại nhưng thấy khi DN ngoại mua cà phê trực tiếp từ nông dân thì giá cà phê rất là cao, có lúc trên 50.000đ/kg như vậy thử hỏi nông dân ai thích ai hơn. Còn giờ đây DN nội trực tiếp thu mua cà phê thì như nào, không lên nổi 40.000đ/kg.

    “Buồn” mặc dù biết là DN nội thu mua thì nhà nước và DN sẽ cùng được lợi nhưng nông dân thì còng lưng ra nếu mà nói thật thì không đủ bù chi phí chứ nói gì là dư dã vậy làm sao mà khá được.

  2. Văn Nhơn

    Như vậy là từ nay đừng báo cáo, tham mưu với chính phủ rằng do ta thiếu thông tin còn nước ngoài nhiều thông tin, nên ta thua nữa nhé. Nếu lỗ thì đừng nói ta thiếu thông tin để nhờ chính phủ tái cấu trúc nữa nhé.
    Cái tui thấy nhãn tiền là từ khi có các doanh nghiệp FDI, giá trừ lùi được cải thiện đáng kể. Trước đây, khi chưa có FDI, giá trừ lùi trăm đến vài trăm dưới giá Lơn đơn là chuyện thường.
    Còn từ vài năm nay, chỉ trừ ít nghe nói cộng trên Lơn đơn nữa. Điều này, không biết vị lãnh đạo phát biểu trong bài giải thích thế nào đây?

Tin đã đăng