Thời gian qua, Tây Nguyên luôn phải gồng mình chống hạn. Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục nghìn ha cây trồng khô hạn có nguy cơ mất trắng.
Trong hoàn cảnh ấy, những ngày qua, cây giống cà phê luôn khan hiếm và tăng giá theo từng ngày, điều đó chứng tỏ rằng diện tích cà phê trồng mới của Tây Nguyên sẽ tăng lên với một diện tích rất lớn. Đây quả là con số đáng báo động.
Hiện tại Tây Nguyên đã có 434 nghìn ha cà phê, chiếm hơn 80% diện tích và sản lượng cà phê cả nước. Cà phê Tây Nguyên đã góp phần đưa nước ta chiếm vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, mà nhất là nguồn nước cho sản xuất cà phê ở khu vực này không được bảo đảm, nên cà phê luôn là cây trồng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề khi xảy ra hạn hán.
Theo báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên, hệ thống thủy lợi khu vực này hiện chỉ bảo đảm được nước tưới cho từ 50-60% diện tích cây trồng hiện có. Như vậy, có nghĩa là còn tới 40-50% diện tích cà phê ở đây đã và đang rơi vào tình trạng “bấp bênh về nguồn nước”.
Những đợt nắng hạn xảy ra ở Tây Nguyên cho thấy, cà phê luôn là cây trồng dễ bị tổn thương nhất: Cụ thể trong những ngày này, khi nắng hạn đang hoành hành ở Tây Nguyên, theo thống kê sơ bộ tại tỉnh Đắk Lắk – địa phương có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước (170 nghìn ha, sản lượng hàng năm trên 300 nghìn tấn), hiện đã có 6.338 ha cà phê rơi vào tình trạng khô hạn, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Nếu nắng hạn còn kéo dài, một tỷ lệ không nhỏ diện tích cà phê khô hạn trên sẽ phải chặt bỏ, cưa đốn. Trước đó, cũng tại Đắk Lắk mùa khô (2003-2004) có 40 nghìn ha cà phê bị khô hạn; mùa khô (2004-2005) diện tích cà phê bị khô hạn ở tỉnh này lên tới 99.348ha, trong đó mất trắng 31.456ha. Hạn hán xảy ra trong mùa khô (2004-2005) đã gây thiệt hại cho cây cà phê ở Đắk Lắk tới 1.133 tỷ đồng, hàng chục nghìn diện tích cà phê đã phải chặt bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác.
Theo khuyến cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên, khu vực Tây Nguyên chỉ nên duy trì diện tích cà phê ở con số 400 nghìn ha mới bền vững, đồng thời chuyển một phần diện tích cà phê Robusta sang cà phê Arabica. Những diện tích cà phê trên vùng đất bấp bênh về nguồn nước nên chuyển sang trồng các loại cây chịu khô hạn như ca cao, bơ, sầu riêng và cây ngắn ngày.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng năm nay nông dân các tỉnh Tây Nguyên trồng mới cà phê ào ạt(?). Theo chúng tôi, nguyên nhân chính là do niên vụ vừa qua giá cà phê trên thị trường tăng cao, người sản xuất cà phê có lãi lớn. Vậy là nông dân lại tranh thủ tất cả quỹ đất hiện có để trồng cà phê, bất chấp những khuyến cáo của khoa học, và bỏ qua quy hoạch cơ cấu cây trồng của địa phương.
Đương nhiên, trong điều kiện quỹ đất “không thể đẻ thêm”, thì người ta không ngần ngại trồng mới cà phê ngay cả trên diện tích đất mà mấy năm trước đây đã phải chặt bỏ cà phê do nắng hạn; trồng cà phê cả ở vùng đất không đủ nguồn nước.
Vậy ai dám chắc rằng, mùa khô năm sau, khi xảy ra nắng hạn diện tích cà phê trồng mới năm nay lại không phải chặt bỏ(?). Điệp khúc “trồng, chặt!” cà phê ở Tây Nguyên cứ tái diễn theo giá cà phê, đã gây tổn hại bạc tỷ.