Tin buồn

Nông dân Việt Nam hạn chế bán hàng và đẩy nhanh thu hoạch

Nông dân trồng cà phê ở Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, hiện đang hạn chế bán hàng để chờ một mức giá cao hơn sau khi tiến trình thu hoạch nhanh hơn năm ngoái. Được biết, hãng Nestle SA (NESN) sử dụng cà phê Robusta của Việt Nam để chế biến cà phê hòa tan.

Các nông dân đã thu hoạch được 75% vụ mùa, tương đương khoảng 1,1 triệu tấn, và đã bán được 360.000 tấn, theo một khảo sát của Bloomberg. Theo đó, vụ mùa năm nay sẽ giảm 12% xuống còn 1,45 triệu tấn so với mức kỉ lục 1,65 triệu tấn trong năm trước. Cà phê giao dịch tại sàn London có thể tăng 14% lên 2.150 USD/tấn vào cuối tháng 6, một khảo sát khác cho thấy.

Việc hạn chế bán hàng của Việt Nam có thể hỗ trợ giá khi nguồn cung toàn cầu tăng lên. Các nông dân trên thế giới sẽ thu hoạch được khoảng 56 triệu bao cà phê Robusta trong niên vụ 2012/13, tăng so với mức 53,3 triệu bao của niên vụ trước, theo ước tính của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Giá cà phê Robusta đã giảm 13% kể từ cuối tháng 9 khi vụ mùa bắt đầu ở Việt Nam.

“Chúng tôi không thấy có sự ồ ạt nào trong việc bán hàng như trước đây,” ông Alexander Gruber, Trưởng đại diện tại Việt Nam của công ty Tong Teik, một thành viên của Tập đoàn Hàng hóa châu Á RCMA, cho biết trong một hội thảo của ngành công nghiệp diễn ra vào tuần trước. “Hôm nay các nông dân ngồi đó, và ít nhất mỗi ngày có 10 thương nhân hoặc nhà môi giới gõ cửa hỏi mua cà phê.”

Các nông dân có nguồn tài chính để hạn chế việc bán hàng và vẫn đang chờ đợi mức giá trong nước tăng lên 40.000 đồng/kg (1,92 USD), ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết trong một buổi phỏng vấn ngày 6 tháng 12 tại thành phố Hồ Chí Minh. Giá hiện đang ở mức khoảng 38.000 – 39.000 đồng và đôi khi thấp hơn nữa. Các nông dân có thể vay ít nhất 50 triệu đồng mà không cần thế chấp kể từ đầu năm nay do sự hỗ trợ của chính phủ.

TỐC ĐỘ NHANH HƠN

Thu hoạch diễn ra nhanh hơn năm ngoái do các nông dân bắt đầu thu hoạch sớm hai tuần và thời tiết khô ráo, các thương nhân cho biết. Tỉnh Đăk Lăk, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam, hầu như không có mưa và trời nắng đẹp, khá thuận lợi cho việc thu hoạch trong 10 ngày đầu của tháng 12, Cục Khí tượng Thủy văn cho biết hôm 11 tháng 12. Thời tiết của khu vực này 10 ngày tiếp theo sẽ tương tự như vậy.

Bốn trong số năm thương nhân và nhà phân tích do Bloomberg khảo sát cho biết họ lạc quan về giá và dự đoán giá kỳ hạn trên sàn London vào cuối tháng 6 sẽ tăng lên các mức cao khác nhau, từ 1.950 USD/tấn đến 3.000 USD/tấn, do các nông dân Việt Nam hạn chế bán hàng và kinh tế thế giới phục hồi. Một người trả lời khảo sát dự đoán giá kỳ hạn có thể giảm thấp xuống 1.700 USD/tấn.

Cà phê Robusta được trồng chủ yếu ở châu Á và một phần châu Phi, trong khi cà phê Arabica được trồng ở châu Mỹ Latin.

Trên sàn Liffe hôm qua, thứ Sáu 14/12, hợp đồng cà phê Robusta giao tháng 1 giảm 21 USD, tức giảm 1,1%, xuống 1.908 USD/tấn, trong khi trên sàn ICE, hợp đồng cà phê Arabica giao tháng 3 giảm 0,45 cent, tương đương 0,31%, xuống 143,15 cent/lb. Mức chênh lệch của cà phê Robusta so với cà phê Arabica đã giảm xuống 58,47 cent so với mức 145 cent hồi cuối năm 2011.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thùy Vân

    Xin hỏi, tôi nghe nói khi giá chênh lệch xuống thấp thì nhà rang xay sẽ mua nhiều cà phê Arabica hơn vì giá rẻ. Nhưng khi giá chênh lệch cao thì nhà rang xay sẽ mua cà phê Robusta pha trộn để tìm kiếm lợi nhuận.
    Tôi nghĩ khi phối trộn như vậy thì chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu sẽ bị giảm sút. Không lý gì nhà sản xuất tự làm mất uy tín của mình bằng việc phối trộn? Hình như có gì đó ở lời giải thích này không được ổn?

    1. Nghĩa

      Cháu không nghĩ là họ hạ uy tín của họ, đơn giản là họ mua dự trữ chính lượng cà phê ab còn rb thì trộn theo lượng tỉ lệ nhất định, vì uy tín trong kinh doanh là trên hết.

    2. Cà phê đắng

      Theo như tôi được biết thì như thế này: Khi mức chênh lệch giá giữa Ara và Rob ở mức thấp thì các nhà rang xay sẽ có xu hướng mua lượng ara nhiều hơn, bởi với cùng mức giá họ sẽ có được lượng hàng chất lượng tốt nhiều hơn và ngược lại họ sẽ mua rob. Tuy nhiên họ mua như thế không phải là để thay đỗi công thức phối trộn, bởi lẽ hàng rang xay bao giờ cũng có công thúc cố định và là bí kíp của từng nhà SX, ngược lại như chúng ta đã biết hàng rang xay cũng chia thành nhiều loại hàng, ví dụ như hàng loại 1, loại 2… người ta sẽ căn cứ vào kho dự trứ của họ để quyết định sx hàng gì nhiều hơn thôi. Bên cạnh đó hàng ara chủ yếu để sx cà phê bột (sau khi đã phối trộn với hàng rob), còn hàng rob thì chủ yếu được dùng để chiết xuất cafein làm cà phê hòa tan, nên suy cho cùng họ có mua nhiều hàng ara hay nhiều hàng rob hơn thì cũng không ảnh hưởng đến sx là mấy.

  2. Giang

    Trong thực tế là các nhà rang xay châu Âu có phối trộn nhưng phải giữ được mùi vị, chất lượng ở mức người tiêu dùng chấp nhận được chứ còn khác nhau quá thì không thể.
    Bạn nói đúng, phải gìn giữ uy tín của thương hiệu và chất lượng sản phẩm nữa chứ.

  3. Cư Kuin

    Buồn quá các bác ơi ! Vụ mùa năm hay hái không ra cà nên rửa bạt nghỉ sớm. Nhà tui mất tới 50% luôn. Chắc phải chờ giá may ra gỡ gạt được tí nào chăng.

    1. Nghĩa

      Theo cháu đọc báo và theo dõi các bác, chú và ba nói chuyện thì những người ở vùng Đắc Lắc dổ ra thường thất thu nặng trong năm nay vì mưa và 1 số nơi sương muối, bên đó có sự tấn công của nấm làm cây đỏ… ở LĐ chỗ cháu thì có thất, nhà cháu cũng thất hơn 1 tấn, nhìn chung thì tòan tây nguyên nếu biết đồng tâm giữ giá = cách giữ cà thì có thể phần nào kéo giá mức sàn 40k. Đoàn kết là sức mạnh. Còn muốn VN điều khiển giá cà thế giới thì đơn giản chúng ta phải có sàn và nắm thóp trong xuất khẩu, là món hàng giao dịch nhiều thứ 2 thế giới nhưng chúng ta chưa giỏi trong việc điều khiển giá theo ý mình muốn- cháu nghĩ cũng dở thật. Mặc dù đó là điều RẤT KHÓ KHĂN.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82