Cơ hội đầu tư những tháng cuối năm được tạo ra do nhiều yếu tố. Trên thế giới có nhiều nhận định cho rằng suy giảm kinh tế đã đến đáy – tức là không xuống sâu hơn nữa – và khả năng nằm ở đáy sẽ không kéo dài, cùng lắm là đầu năm tới sẽ đi lên (tất nhiên để hồi phục, hiểu theo nghĩa rộng là tăng trưởng bằng với tốc độ trước khi khủng hoảng, thì vẫn phải chờ thời gian).
Trong nước, tăng trưởng kinh tế đã thoát đáy; vượt dốc đi lên qua từng quý, từng tháng, nhờ đầu tư tăng, tiêu thụ trong nước tăng, công ăn việc làm bớt khó khăn hơn,…
Những yếu tố trên sẽ làm cho các loại thị trường, các kênh đầu tư sẽ ấm hơn tuy với mức độ khác nhau, tạo ra các cơ hội khác nhau. Vấn đề đặt ra là cơ hội đầu tư trên các kênh tới đây ra sao?
Kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng tăng lên, cộng hưởng với lượng tiền ra lưu thông do lãi suất còn rất thấp và lượng tiền khổng lồ mà các chính phủ tung ra để giải cứu, kích thích kinh tế khỏi suy thoái sẽ làm cho thế giới đứng trước nguy cơ lạm phát. Giá vàng vì thế sẽ tăng, mặc dù do yếu tố đầu cơ lướt sóng sẽ lúc tăng, lúc giảm, nhưng xu hướng chung là sẽ cao lên. Ở Việt Nam, từ năm 2001 đến nay, giá vàng tăng liên tục, đến mức “vàng bỏ ống” cũng có lãi. Do phải kiềm chế nhập siêu, nên tỷ giá VND/USD hầu như chỉ có tăng mà gần như không có giảm nên giá vàng tăng kép (tăng do giá thế giới tăng, tăng do tỷ giá tăng). Từ giữa năm ngoái đến nay ngưng nhập khẩu, trong khi quý I lại xuất khẩu vàng với khối lượng lớn, nên giá vàng trong nước có xu hướng tăng. Nhưng do giá vàng hiện đang ở mức cao, phụ thuộc vào giá vàng thế giới, lại bị yếu tố đầu cơ làm cho lên/xuống mạnh, nên sức hấp dẫn của đầu tư vào vàng chủ yếu đối với những người có tâm lý “tích cốc phòng cơ”, với những món tiền không lớn,…
USD trong nước tuy có xu hướng tăng (như đã nói ở trên), nhưng trên thị trường thế giới lại có xu hướng giảm; chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương (tức là “cánh kéo” tỷ giá còn lớn); dù tỷ giá thị trường tự do có sự nóng lạnh bất thường, nhưng thường rất ngắn, làm cho nhiều người không kịp đầu tư hoặc chỉ mua theo, bán theo, mà mua theo/bán theo thường lãnh hậu họa thua lỗ.
Bất động sản đã một vài lần ấm nóng ở một số nơi (có dự án công trình giao thông, đô thị mới,…), ở một số loại sản phẩm (đất nền, căn hộ diện tích nhỏ) nhưng chưa thể “sốt” được. Hơn nữa, đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi lượng vốn lớn, tính thanh khoản vừa khó, vừa chậm.
Chứng khoán đang là một kênh đầu tư có nhiều triển vọng nhất hiện nay bởi đang có xu hướng đi lên do tác động của nhiều nguyên nhân. Như diễn biến sáng sủa hơn của kinh tế thế giới và trong nước, từ kết quả kinh doanh tốt của các công ty niêm yết, sự mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài kéo dài gần 1 tháng qua và giá trị giao dịch hiện vẫn ở mức cao (trên sàn HOSE, trong 10 phiên gần đây giá trị giao dịch đạt trên 17 nghìn tỉ đồng, cao gần gấp đôi con số trên 9,1 nghìn tỉ đồng trong 10 phiên trước đó). Ngoài ra, số liệu từ 20.7 đến nay cho thấy số điểm tăng cao hơn số điểm giảm bình quân một phiên, đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước…
Theo TNO