Lâm Đồng: Doanh nghiệp cà phê bỏ trốn, nông dân kêu cứu

Những ngày này, nhiều hộ dân ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) lo lắng gửi đơn tố cáo đến các cơ quan pháp luật về việc bị Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thiện Nhân có trụ sở tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của họ nhiều tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Chú thích ảnh : Bà Lan một trong những nạn nhân trình bày với PLVN

Lần theo dấu vết.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để tạo lòng tin cho các “khổ chủ”, năm 2009 vợ chồng bà Hoàng Thị Hà Lê và ông Nguyễn Chiến Chiến đã thành lập Doanh nghiệp Hoàng Thiện Nhân do bà Lê làm giám đốc. Trong quá trình kinh doanh, giai đoạn đầu vợ chồng bà Lê thanh toán khá sòng phẳng, nên tạo được “uy tín” với khách hàng.

Từ đó, nhiều bà con tìm đến bán và mua cà phê với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sau khi đã lấy được lòng tin thì mọi chuyện lại khác. Bà Lê Thị Lan, ngụ tại Liên Nghĩa (Đức Trọng) đưa cho chúng tôi xem một xấp giấy nhận nợ, giấy mượn tiền do bà Lê viết và chua xót kể: “Năm 2011 bà Lê đã dùng thủ đoạn chốt giá cà phê lấy tiền trước, giao hàng sau, đồng thời vay tiền của tôi để đáo hạn ngân hàng, vì tin tưởng nên tôi đã giao tiền cho bà Lê. Nào ngờ sau đó vợ chồng bà Lê chiếm đoạt luôn, không giao hàng mà cũng không trả tiền cho tôi tổng cộng là 2.880.000.000 đ. Tôi đã nhiều lần đến nhà đòi nợ nhưng bà Lê toàn lẩn tránh, sau đó hứa hẹn và cuối cùng là bỏ trốn về TP Hồ Chí Minh.”

Còn bà Nguyễn Thị Hồng, bà Trần Thị Nhỏ, ông Lê Đình Lân, ông Nguyễn Minh Tân…là những nông dân trồng cà phê một nắng hai sương quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tại xã Đà Loan làm ra hạt cà phê để bán cho vợ chồng bà Lê, người ít thì 1.400kg, người nhiều 2.000kg cà phê nhân cay đắng cho biết: Khi mua cà phê của họ, bà Lê có viết giấy biên nhận hẳn hoi.

Song từ năm 2011 đến nay, họ nhiều lần đến nhà bà Lê yêu cầu được trả số tiền mua cà phê thì vợ chồng bà bà Lê lại tránh mặt, sau đó hứa sẽ trả vào niên vụ cà phê năm 2012. Nhưng từ tháng 7/2012 đến nay vợ chồng bà Lê đã “biến” khỏi địa phương, mà không nói với họ một câu, trong lúc tài sản nhà đất bà Lê đã thế chấp hết cho Ngân hàng, nên họ chỉ còn cách làm đơn tố cáo tập thể gửi đến các cơ quan pháp luật nhờ can thiệp, giúp đỡ. Tính đến thời điểm này đã có ít nhất 5 hộ dân trồng và kinh doanh cà phê tại địa phương đã trở thành nạn nhân của vợ chồng bà Lê. Sáng ngày 7/12 PV tìm đến DN Hoàng Thiện Nhân để xác minh thêm sự thật thì được chính quyền cho hay ông bà Lê đã “ đi vắng” khỏi địa phương!

Cơ quan chức năng nói gì?

Sau khi nhận được đơn tố cáo của bà Lan và nhiều hộ dân địa phương, Công an huyện Đức Trọng đã vào cuộc xác minh, làm rõ và trao đổi với VKSND huyện Đức Trọng về việc khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trả lời PLVN Phó Viện trưởng VKSND huyện Đức Trọng cho biết: “Công an huyện có hỏi ý kiến của chúng tôi về việc tố cáo trên. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu điều tra làm rõ thêm thì mới có thể quyết định khởi tố hay không. Làm không khéo thì “vướng” khổ lắm!”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Bửu – Trưởng Văn phòng luật sư Bửu Tín, với những yếu tố nói trên đã có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ điều luật này quy định người nào có một trong những hành vi vay, mượn tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm doạt tài sản đó hay đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cấu thành tội phạm.

Nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì rơi vào khoản 4, Điều 140 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt tù từ 12 năm đến đến 20 năm hoặc tù chung thân. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ quan tiến hành tố tụng có lẽ vì ngại trách nhiệm nên thường “dân sự hóa” những quan hệ hình sự như thế này.

Xem thêm: Tìm hiểu thị trường cà phê – Phần 4: Những tác động xấu khi giá tăng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. toitim

    Xưa rồi diễm ơi, có biết bao nhiêu vụ như vậy rồi, kịch bản quá cũ rồi, sau 1 thời gian lại xuất hiện với cái tên khác và hoạt động tiếp, hình như không có pháp luật. Chúng không hề bị bể đâu mà dựng kịch bản chết giả để xù bà con, Vì đâu? Công quyền ở đâu?

  2. smskute

    Phải xử lí nghiêm tình trạng này. Không thể người dân chịu thiệt được.
    Các cấp các ngành có liên quan phải vào cuộc kịp thời!

  3. menfuong

    Điểm yếu của hệ thống ‘tín dụng’ tự phát này là không có những điều khoản quy định bắt buộc thi hành theo pháp luật, hay “dân sự hóa” những quan hệ hình sự như thế này như bài báo đề cập, hay như không được hệ thống hóa mà cứ để các cá nhân/doanh nghiệp tự làm riêng lẽ.

    Mình có tìm hiểu mô hình của Brazil khi đã giải quyết khá thành công vấn đề trên. Các bạn có thể tham khảo bài viết tại đây: http://www.slideshare.net/menfuong/phuong-h-m-nguyen-2012-ca-phe-tin-dung-va-brazil.

    Tái bút: Vì lý do bản quyền nên mình chưa thể cung cấp Y5Cafe bản text của bài báo được, nên các bạn hoặc xem tạm qua link trên, hoặc tìm báo Tuổi trẻ Cuối tuần số 50 ngày 14/12/2012 http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan//Tuoi-tre-cuoi-tuan/524758/Don-doc-Tuoi-Tre-Cuoi-Tuan%C2%A0so-50-2012.html. Mình vẫn cứ vào website của Tuổi trẻ Cuối tuần để xem họ đã chuyển sang bản online chưa, nếu đã chuyển sang bản online n thì Y5Cafe có thể mang bài viết đó sang rồi, nhưng đến lúc này vẫn chưa thấy. Thành thật xin lỗi.

Tin đã đăng