Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản 11 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 25 tỉ USD, gần bằng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, và tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm chuyên đề: > Đưa cà phê vào danh mục mặt hàng xuất khẩu có điều kiện
Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều thu về lượng ngoại tệ cao hơn cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ gạo và cao su.
Với mặt hàng gạo, tuy Việt Nam tạm vươn lên dẫn đầu thế giới về khối lượng gạo xuất khẩu, với gần 7,5 triệu tấn sau 11 tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số tiền thu về lại ít hơn gần 2%.
Cũng xin được nhắc lại, hiện nay, xuất khẩu gạo là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 109/2010 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.
Tuy nhiên Nghị định cũng cho phép các doanh nghiệp có thời gian chuyển tiếp là chín tháng, vì vậy, kể từ ngày 1/10/2011 thị trường gạo xuất khẩu mới bị chi phối hoàn toàn bởi Nghị định 109.
Cho đến thời điểm này, dường như vẫn chưa có những đánh giá chính thức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hoặc từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về những mặt được cũng như chưa được của việc quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Vậy mà, Nghị định 109 đã trở thành tiền lệ để một số hiệp hội doanh nghiệp khác nối gót.
Sau gạo, đến lượt cà phê, thủy sản và hạt điều
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng về sự cần thiết phải đưa xuất khẩu thủy sản thành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Cùng lúc, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng đã gửi công văn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương để đề xuất một việc tương tự cho mặt hàng điều nhân xuất khẩu.
Theo một vị phó chủ tịch VASEP, chỉ có 50/400 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có nhà máy chế biến. Các doanh nghiệp này nắm đến hơn 90% thị phần xuất khẩu. Còn 350 doanh nghiệp còn lại, tuy chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần nhưng có một số lại sẵn sàng bán phá giá, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp còn lại.
Với ngành điều, VINACAS cho biết trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, một số doanh nghiệp đã bán điều với giá thấp tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu ép giá mua điều của nhiều doanh nghiệp khác.
Tương tự như ngành gạo, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đề xuất các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu, chẳng hạn như doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu phải có cơ sở chế biến trên 2.500 tấn/năm.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, dự kiến sẽ có khoảng 150 doanh nghiệp, chiếm một nửa trong tổng số, phải rời bỏ thị trường. Và con số 150 này cũng chưa phải là mục tiêu cuối cùng của VINACAS mà phải giảm tiếp 50% nữa.
Trước đó, hồi giữa năm nay, Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam (VICOFA) cũng đã đề xuất điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê. Đề xuất này sau đó được Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ, theo đó dự kiến các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cà phê phải thỏa mãn các điều kiện như trong hai năm liên tục phải có lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm, có kho chứa và khả năng chế biến tối thiểu là 5.000 tấn/năm…
Theo tính toán của VICOFA, nếu đề xuất của họ được chấp nhận, ước tính chỉ còn khoảng 40 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu, trên tổng số hơn 150 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cà phê.
Khi đó, tình trạng tranh mua, tranh bán gây hỗn loạn thị trường sẽ được hạn chế. Các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu có thể tham gia điều tiết, ổn định thị trường trong nước.
Một điểm chung dễ nhận thấy trong các đề xuất nói trên là nhằm loại bớt các doanh nghiệp nhỏ được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng bán phá giá trên thị trường, làm thiệt hại cả nông dân lẫn doanh nghiệp.
Chưa biết liệu các hiệp hội doanh nghiệp khác như cao su, tiêu, sắn… có thấy đây là kinh nghiệm cần học hỏi để loại bớt các đồng nghiệp của mình hay không.
Đã hợp lý chưa?
Điều 7 của Luật Doanh nghiệp có quy định doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Như vậy, điều cần nói trước tiên đó là việc quy định điều kiện kinh doanh nhằm loại bớt doanh nghiệp tham gia thị trường là việc làm trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.
Thực ra, việc ban hành chính sách liên quan đến xuất khẩu gạo, hay có thể sắp tới đây là cà phê, thủy sản… đều phải nhắm đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, thay vì là các mục tiêu trung gian như khối lượng xuất khẩu, hay việc sắp xếp lại thị trường…
Có lẽ thực tế sống động của thị trường xuất khẩu gạo hiện nay là cơ sở thích hợp nhất để các nhà làm chính sách phân tích, xem xét có nên cho ra đời tiếp các chính sách tương tự như Nghị định 109 không.
Như đã nói, khi ban hành các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, VFA tin rằng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp nhỏ được cho là tác nhân gây rối thị trường sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vốn chỉ dành những ông lớn.
Thực tế là tính đến ngày 30-9-2012, có 117 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu theo quy định, giảm hơn cả trăm doanh nghiệp so với trước khi có Nghị định 109.
Tuy nhiên điều quan trọng hơn là giá trị xuất khẩu gạo thu về lại không như kỳ vọng lúc ban hành chính sách.
Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2012 Việt Nam xuất khẩu được 7,446 triệu tấn gạo, thu về 3,4 tỉ USD. Xét về lượng, gạo xuất khẩu tăng 9,7%, nhưng về giá trị lại giảm 1,8%.
Tính bình quân, giá xuất khẩu của 11 tháng đầu năm nay là 456,62 USD/tấn, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái lên đến 510,54 USD/tấn.
Chưa hết, liên tục trong những năm vừa qua, Chính phủ đều phải chi tiền ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp mua lúa trong dân để tạm trữ, nhằm góp phần giữ mức thu nhập của nông dân không bị sa sút, ngay cả sau khi Nghị định 109 đã có hiệu lực thi hành.
Và một điều quan trọng hơn là cho đến nay, vẫn không ai biết được các quy định để siết chặt kinh doanh xuất khẩu gạo như có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, có ít nhất một cơ sở xay, xát với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ… được ban hành dựa trên cơ sở nào; vì sao là 5.000 tấn mà không phải là 3.000 hay 10.000 tấn.
Tất cả những điều trên cho thấy đến nay Nghị định 109 dường như chưa mang lại những kết quả như kỳ vọng, ngoại trừ việc loại bớt hàng loạt doanh nghiệp ra khỏi thị trường.
Thay lời kết
Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Doanh nghiệp có quy định Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các điều kiện kinh doanh; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý nhà nước.
Như vậy, một khi chưa đánh giá hiệu quả của việc quy định các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thiết nghĩ Chính phủ cũng chưa nên ban hành thêm một nghị định tương tự cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu khác của Việt Nam.
Kinh doanh có điều kiện khác gì lợi dụng chính sách để thâu tóm thị trường. Như vậy thì làm gì còn hiện tượng tranh mua tranh bán, đồng nghĩa với việc ra chính sách để thủ tiêu thị trường cạnh tranh.
Xu thế của thời đại đang thuộc về lợi ích nhóm. Nông dân còn khổ đến bao giờ?
Cà phê robusta, nhân hạt điều, cao su, gạo và hồ tiêu là những mặt hàng nông sản xuất khẩu mà Việt Nam đang ở mức nhất, nhì thế giới. Trong đó cà phê robusta, hồ tiêu Việt Nam chiếm tỉ trọng gần 50% lượng giao dịch toàn cầu, chưa kể mặt hàng cá tra phi lê xuất khẩu Việt Nam chiếm trên 90%, gần như độc chiếm thị trường thế giới. Về lý thuyết, khi hàng hóa xuất khẩu chiếm tỉ lệ áp đảo thì sẽ làm chủ thị trường và giá. Nhưng thực tế, để gọi là chủ động điều tiết thị trường xuất khẩu, qua đó giữ giá không bị biến động xuống dưới giá thành… thì chỉ mới có mặt hàng hồ tiêu làm được điều này.
Nhiều năm qua, giá hồ tiêu trong nước bán được giá tăng dần, tuy nhiên có thời điểm nào đó giá giảm, thậm chí giảm sâu, nhưng nhìn chung cả năm thì giá năm sau tăng hơn năm trước, Năm 2002 – 2006 bình quân: 1.383 USD/tấn, năm 2006 – 2011: 3.753 USD/tấn. Riêng năm 2011 tăng vọt lên 5.852 USD/tấn và năm 2012 đạt mức kỷ lục 6.700 USD/tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 – 2012 theo đó là: 348; 421; 693 và 760 triệu USD. (chưa kể xuất tiểu ngạch).
Những năm gần đây, người trồng tiêu VN không sa vào bẫy thông tin nhiễu loạn về cung cầu, giá cả, đã chủ động lựa chọn thời điểm bán ra thích hợp, tạo quyền định đoạt về giá bán. Có thể nói, bà con trồng hồ tiêu đã vượt qua ngưỡng tâm lý phổ biến là khi thấy giá cao thì giữ hàng, chờ cao hơn mới bán, nhưng khi giá xuống thì lo sợ, ồ ạt đồng loạt bán ra, nên giá thị trường càng đi xuống. Giờ đây, người trồng hồ tiêu làm ngược lại, không bán ra khi giá xuống quá thấp, mà giữ lại chờ giá lên đến một mức thống nhất nào đó mới bán ra. Trong 4-5 năm qua, bài học và kinh nghiệm này đã được bà con áp dụng ngày càng thuần thục và đồng bộ. Năm đầu, số hộ tham gia chưa nhiều, nhưng khi nhìn lại những hộ giữ hàng, bán ra từ từ sau này đều có giá tốt đã tạo niềm tin để những hộ khác có động lực làm theo. Kết quả là giá tiêu đen năm 2009 đạt 36.000 đồng/kg, năm 2010 đạt 62.000 đồng/kg và năm 2011 – 2012 đạt 125.000 đồng/kg. (có thời điểm đạt mức kỷ lục 160.000 đ/kg)
Câu chuyện định đoạt giá cả, bình ổn thị trưởng, nói thì dễ,tưởng đơn giản là vậy, nhưng đó là cả một quá trình nhiều năm phấn đấu của cả nông dân doanh nghiệp mới tạo được sự đồng thuận cao về mức giá để bán ra. Để có được điều này, nhiều hộ trồng hồ tiêu lớn đã trang bị internet để lên mạng nắm thông tin hàng ngày, thậm chí đăng ký mua tin của các hãng thông tấn nước ngoài, để theo dõi diễn biến thị trường giá cả.
Ngành hồ tiêu chơi rất sòng phẳng, minh bạch, hội nhập ngay trên sân nhà ( 13 DN thuộc FDI là hội viên của VPA) cùng hướng ra biển lớn, theo kinh tế thị trường thực thụ, không có yếu tố đặc quyền nào chi phối….Đây là bài học quý hiếm về nông dân trồng tiêu có thể định đoạt giá bán và cùng với doanh nghiệp chi phối dẫn dắt thị trường xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam nhiều năm qua, Âu cũng là bài học cho các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp XK nông sản khác suy ngẫm trước khi đề xuất, kiến nghị ra chính sách cho kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác.