Cấm trồng thêm cà phê để đảm bảo cân đối sản lượng xuất khẩu và đời sống người dân khi sản phẩm bị rớt giá. Nhiều nơi nông dân tự ý phá bỏ mía, trồng cà phê trên đất đã quy hoạch trồng rừng, thậm chí còn phá rừng trái phép để trồng cà phê.
>> Kỹ thuật trồng cà phê Robusta (cà phê vối) công nghệ cao
Trong khi Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang đau đầu vì tình trạng nuôi cá tra bùng phát dẫn đến bị ứ hàng, rớt giá… thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cũng đang lo ngại khi nông dân mở rộng diện tích trồng cà phê.
Mỗi khi có loại cây trồng hay vật nuôi gì được giá, người dân lập tức mở rộng quy mô ồ ạt. Đến khi được thu hoạch thì giá sản phẩm lại rớt thê thảm. Kịch bản này đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay nhưng nhà nước vẫn chưa có biện pháp khống chế để giảm bớt rủi ro cho người dân.
Thấy “người ta ăn khoai, vác mai đi đào”
Mới đây, Bộ NNPTNT đã ban hành chỉ thị cấm trồng mới cây cà phê trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước lệnh cấm này, một số tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục trồng mới, thậm chí có nơi dường như chưa biết gì về thông tin này. Vì sao ngưng trồng mới cà phê trong khi cà phê thế giới đang được giá?
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, cho biết cà phê hiện nay được mùa hơn rất nhiều so với vụ trước, đồng thời giá xuất khẩu cũng khá tốt. Cà phê được như hiện nay nằm trong tình hình chung của thế giới khi giá lương thực tăng khá cao. Vì vậy, nhiều hộ gia đình chặt cây khác để trồng cà phê. Trong khi đó, cà phê muốn thu hoạch được thì phải ít nhất 2-3 năm nữa. Nếu giá cà phê thế giới xuống thấp thì nông dân sẽ lao đao.
Ông Ngọc cho biết hiện cả nước có khoảng 500 ngàn ha cà phê. Theo quy hoạch phát triển cây công nghiệp, đây là diện tích đảm bảo cân đối sản lượng xuất khẩu cà phê với các cây công nghiệp khác như điều, cao su, tiêu… “Bộ chỉ thị trồng cà phê theo quy hoạch nhằm khuyến cáo việc trồng cây gì, trồng bao nhiêu, trồng ở đâu nhằm đảm bảo khuyến khích nông dân phát triển ổn định, lâu dài, đúng quy hoạch và giữ được giá. Bài học kinh nghiệm từ những năm trước là đã có lúc nông dân lao đao vì giá cà phê xuống thê thảm” – ông Ngọc nói.
Khó xử phạt
Ông Ngọc cho biết hiện nay việc chế tài thực hiện quy hoạch cây trồng là rất khó vì nhà nước giao đất cho người dân. Họ được tự chủ trồng cây gì, nuôi con gì. Do đó, giải pháp vẫn là tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng theo đúng quy hoạch. Biện pháp chủ yếu là phân tích cho người dân thấy được lợi hại và sự cần thiết của quy hoạch chứ chưa có cơ chế xử phạt đối với các hộ gia đình không thực hiện quy định. Tuy nhiên, có thể trong thời gian tới phải đưa ra chế tài để đảm bảo cân đối cây trồng chứ không thể chỉ vận động.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, tình trạng phát triển tự phát các loại cây trồng không theo quy hoạch đang có xu hướng gia tăng tại nhiều nơi. Nhiều nơi nông dân tự ý phá bỏ mía, trồng cà phê trên đất đã quy hoạch trồng rừng. Thậm chí một số nơi ở Tây Nguyên còn diễn ra tình trạng phá rừng trái phép để trồng cà phê.
“Tình trạng phát triển tự phát trên không chỉ phá vỡ quy hoạch phát triển các loại cây trồng khác, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn tăng nguy cơ cung vượt quá cầu. Việc phát triển cây cà phê bền vững là vấn đề cấp bách, đảm bảo phát triển ổn định trước mắt cũng như lâu dài. Do đó, phải làm kiên quyết và cần thiết phải chế tài mạnh trong thời gian tới” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Ông Phát cho biết thêm hiện Bộ đã chỉ đạo UBND các tỉnh có trồng cà phê khẩn trương kiểm tra, rà soát diện tích trồng cà phê để có biện pháp chỉ đạo nhằm phát triển cà phê hiệu quả, bền vững. Trước mắt kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tự phát mở rộng diện tích trồng mới cà phê hiện nay ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Trong năm 2008-2010 không mở thêm diện tích trồng cà phê. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê. Một mặt chúng ta nâng cao quản lý chất lượng giống cà phê, không để tình trạng lợi dụng nhu cầu giống tăng cao để kinh doanh giống kém chất lượng.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến, Nông lâm sản và Nghề muối – Bộ NN-PTNT:
Cần tập trung nâng cao chất lượng
Hiện Cục đã hoàn thiện đề án “Nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam” và đang trình Chính phủ duyệt. Đề án sẽ tập trung triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng cà phê và sớm có cơ chế hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng giống mới. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả năng suất cà phê và giá xuất khẩu, giúp nông dân phát triển theo hướng nâng cao về chất chứ không mở rộng diện tích trồng mới.Đề án tổng thể sau khi được Chính phủ duyệt sẽ triển khai các dự án cụ thể như thu hái, chế biến, tiêu chuẩn kỹ thuật… Bên cạnh đó, đề án có cả việc xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, tổ chức sàn giao dịch cà phê…
Bà Võ Thị Hà Giang, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty Cà phê Trung Nguyên:
Chủ yếu khâu gầy dựng thương hiệu
Lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện khá lớn, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil. Tuy nhiên, chúng ta chủ yếu xuất thô (cà phê nhân), có rất ít cà phê tinh chế. Chúng ta có rất ít thương hiệu cà phê được thế giới biết đến do chưa đầu tư về chất lượng cà phê và quảng bá thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Việc Chính phủ yêu cầu ngừng mở rộng diện tích trồng cà phê là cần thiết vì chúng ta nên tập trung về chất lượng và quảng bá thương hiệu cho cà phê Việt Nam chứ không nên tập trung phát triển về số lượng.
Nhìn sang một số quốc gia có xuất khẩu cà phê sẽ thấy rõ. Colombia chỉ có 5% diện tích dành cho cây cà phê nhưng lại xây dựng được thương hiệu cà phê nổi tiếng và bán với giá rất cao. Indonesia có quy hoạch một vùng chuyên trồng cà phê chồn, đảm bảo chất lượng và nâng cao thương hiệu riêng cho loại cà phê này được coi là cà phê có chất lượng “quý hiếm”, giá xuất khẩu có thể lên tới 2.000 USD/kg.
Việt Nam có cà phê chè nổi tiếng ngon nhất thế giới, do đó có thể tập trung khai thác loại cà phê này. Muốn nâng cao chất lượng loại cà phê này cần có quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật tinh chế và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Chúng ta cũng nên đầu tư lại vùng nguyên liệu để có chất lượng cà phê với những sản phẩm mang tính quốc tế. Không cạnh tranh với thế giới bằng công nghệ thế giới mà phải tạo ra công nghệ chế biến cà phê “made in Vietnam” thật riêng biệt để chinh phục thị trường quốc tế.