Thất thế trong năm 2011, tưởng rằng năm 2012, doanh nghiệp cà phê nội sẽ tiếp tục “thua đậm” trước doanh nghiệp nước ngoài trong cuộc cạnh tranh thị phần xuất khẩu cà phê…
Thế nhưng kịch bản như vậy đã không xảy mà ngược lại, doanh nghiệp trong nước còn khiến thị phần xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và công ty thương mại nước ngoài bị “co lại”.
Lội ngược dòng
Trước đó, năm 2011 chứng kiến sự “thất bát” của các doanh nghiệp cà phê nội địa: thị phần xuất khẩu giảm sút, nhiều đại gia “ngã ngựa”, một loạt vụ vỡ kho ký gửi cà phê tư nhân… khiến niềm tin vào ngành hàng cà phê giảm sút, ngân hàng ngại cho vay.
Sang năm 2012, hoạt động xuất khẩu cà phê được đánh giá là rất thành công. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cà phê 11 tháng năm 2012 đạt 3,328 tỷ USD. Nhưng điểm nổi bật nhất là doanh nghiệp trong nước đã nâng tỷ trọng xuất khẩu lên trên 60% so với mức 50% của năm 2011 và doanh nghiệp nước ngoài không còn chi phối được thị trường trong nước như năm 2011.
Đại diện một doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê lớn thừa nhận, tình hình thị trường năm 2012 không còn như trước và doanh nghiệp trong nước tạo được áp lực khá mạnh. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành cà phê, sự yếu thế của các công ty nước ngoài một phần là vì sai lầm trong chính sách thu mua do họ nhận định là nông dân sẽ bán ra ồ ạt như những năm trước, khi đó, họ sẽ mua vào rồi lại chờ bán lại hưởng lợi nhuận mà không cần xuất khẩu như trước đây.
Thế nhưng người dân đã tự trữ cà phê tại nhà thay vì ký gửi ở kho tư nhân và giảm lượng bán ra. Việc tăng cường thông tin thị trường tốt đã giúp người dân nắm rõ diễn biến giá cả, từ đó chủ động bán ra để có lợi nhuận cao nhất.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết, rút kinh nghiệm năm 2011, năm nay, các doanh nghiệp trong nước thu mua vừa phải và nhất là không bán ra ồ ạt để giữ giá xuất khẩu.
Làm thương mại tốt hơn đã nâng được giá cà phê xuất khẩu. Năm 2012, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn trừ lùi 30 USD/tấn so với giá trên sàn giao dịch London và New York. Trước đây, cà phê xuất khẩu của Việt Nam thường bán theo giá trừ lùi hơn 100 USD/tấn.
Ngoài ra, việc chất lượng cà phê được cải thiện nhiều nhờ tăng tỷ lệ hái chín, chuyển sang chế biến ướt và lượng cà phê chứng chỉ (4C, Utz) gia tăng cũng đã góp phần nâng giá cà phê xuất khẩu.
[ Xem thêm: Các nước sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới ]
Bài học về làm thương mại
Với vị trí là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể tác động lớn tới thị trường cà phê toàn cầu, nhưng do sự hạn chế về năng lực thương mại đã khiến Việt Nam phụ thuộc vào việc định giá của nước ngoài. Thành công của xuất khẩu cà phê năm 2012 là nhờ các doanh nghiệp trong nước điều tiết thị trường tốt hơn. Trong đó, Vicofa luôn định hướng giá thu mua ở mức trên 40 triệu đồng/tấn cà phê nhân Robusta.
Ông Nguyễn Viết Vinh cho rằng, nếu các doanh nghiệp phối hợp tốt trong điều phối lượng bán ra, giá cà phê xuất khẩu sẽ không còn phải bán theo giá trừ lùi mà theo giá cộng như các nước khác.
Sự chuyển biến về công tác điều phối thị trường có vai trò lớn của Quyết định 481/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tạm trữ cà phê niên vụ 2009-2010, giúp nông dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về lợi ích của tạm trữ. Theo Vicofa, chính sách hỗ trợ tạm trữ đã mang về thêm hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu cà phê. Vì vậy, Vicofa kiến nghị Chính phủ xem xét sử dụng chính sách hỗ trợ tạm trữ cà phê (nói riêng) như một công cụ điều tiết thị trường.
Tuy nhiên, theo Vicofa, nền tảng của sự cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cà phê trong nước năm 2012 là tác động chính sách nhà nước. Quyết định 857/QĐ-NHNN ngày 2/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vay ngoại tệ, cùng với biện pháp tháo gỡ về vốn đã giúp doanh nghiệp trong nước có được nguồn vốn dồi dào với lãi suất thấp đã nâng được khả năng cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.
Sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, lãi suất giảm và tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp cà phê kinh doanh ổn định.
Bài viết trên không ăn nhập gì với thực tế cả. Nếu là dân cà phê đích thực sẽ thấy ngay vấn đề.
Gửi bạn vu
Rất mong bạn chỉ ra vấn đề ăn nhập với thực tế! Còn nếu nói suông sẽ tệ hại hơn.
“Việc tăng cường thông tin thị trường tốt đã giúp người dân nắm rõ diễn biến giá cả, từ đó chủ động bán ra để có lợi nhuận cao nhất.” Kết quả của sự thông suốt thông tin đã thấy rõ; tuy nhiên, người nông dân chỉ có tiếp cận được tình hình các thông tin giá cả và các thông tin tổng hợp từ trang giacaphe.com. Nhà nước chưa có kênh nào hỗ trợ miễn phí về thông tin giá cả chính xác cho người dân cả (ngay cả Hiệp hội cà phê ca cao phải đăng nhập thành viên mới xem được thông tin giá cả).
Vì thế, những ai được hưởng lợi thì hãy chúc cho trang giacaphe.com ngày càng phát triển và đăng tải nhiều thông tin hữu ích. Xin cảm ơn giacaphe.com./.
Không có gì vui cả ! Vì dù sao giá cà phê cũng không có gì khởi sắc. Doanh nghiệp trong nước vẫn chịu sự chi phối quá nhiều. Cụ thể giá trừ lùi lên tới 70 USD. Thật buồn cho 1 quốc gia đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu cà phê mà không thể gây một sức ép gì về giá. Vi sao Indo được cộng mà ta lại bị trừ ! Thật tiếc…
Bạn có biết vì sao cà phê Indo được cộng thêm 150 Usd mà nhà rang xay vẫn tìm mua, trong khi đó cà phê VN bị trừ lùi 70 Usd, mong bạn giải thích giùm vì sao lại có chuyện đáng tiếc như vậy, xin cám ơn nhiều !
Trên thực tế bán cho các doanh nghiệp nước ngoài người dân vẫn được lợi hơn, giá cao hơn và có những chương trình tập huấn khuyến nông thực tế hơn. Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không trích một phần lợi nhuận của mình để làm như vậy, để nắm được thị phần lớn hơn.
Vụ cà phê vừa qua diễn biến có lợi cho DN trong nước do phù hợp kiểu mua đứt bán đoạn mà thôi và rủi ro đổ lên đầu người trồng cà phê. DN ngoại nắm được bài lợi nhuận của họ nên theo tôi nghĩ DN nội không nên vội mừng mà xem lại tại sao Inđonêxia họ xuất cộng mà không có hàng để xuất còn ta lên tiếng trừ lùi mà vẫn bị ép. Lý giải ở đây là bà con hái cà phê còn xanh nhưng quan trọng hơn là chiến lược các nhà DN a.
Bạn Phú Hoang nói đúng. Nếu thật DN chiếm vị thế thật sự thì người dân chúng tôi cũng khi vọng trong tương lai giá cũng khởi sắc hơn, chứ cứ nói hay vào mà giá càphê cứ rớt giá thảm như hiện nay thì người dân làm cà phê thấy những điều nói trên ũng chẳng là gì cả. Hy vọng DN luôn đi đôi với lợi ích người dân.
“Thành công của xuất khẩu cà phê năm 2012 là nhờ các doanh nghiệp trong nước điều tiết thị trường tốt hơn. Trong đó, Vicofa luôn định hướng giá thu mua ở mức trên 40 triệu đồng/tấn cà phê nhân Robusta.”
Thật vậy không, sao giờ vẫn lẹt đẹt quanh mức 38.000 đ/kg? Sao, không định hướng nữa à?