Vì đâu thị trường cà phê chao đảo?

Không phải do cung-cầu của thị trường mà do các yếu tố bên ngoài, đôi khi rất vô duyên, đã nâng giá cà phê lên rồi hạ nó xuống. Mức độ dao động chưa lớn nhưng đã cho thấy rủi ro cùng cực khi kinh doanh hàng hóa theo sàn, đặc biệt là cà phê.

Giá chao đảo không do cung-cầu

Từ mức thấp 1.859 đô la/tấn, giá sàn kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE London cơ sở giao dịch tháng 1-2013 đã búng lên cực mạnh trong các ngày giữa tuần, để rồi bất ngờ lao xuống nhanh lại ở cuối tuần. Tối hôm qua thứ sáu 30-11 tức rạng sáng nay thứ bảy 1-12 giờ Việt Nam, giá đóng cửa sàn kỳ hạn cà phê London tháng 1-2013 giảm thêm 24 đô la/tấn nhưng so với cuối tuần trước vẫn cao hơn 55 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).

Mấy hôm trước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên quay lên mức 38.500 đồng/kg, là mức cao nhất trong tuần, nhưng cuối tuần chỉ còn quanh mức 38.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với cách đây 7 ngày.

Biến động tuần qua đã gạt yếu tố cung-cầu sang một bên. Giá các thị trường hàng hóa và cổ phiếu đều bị các yếu tố bên ngoài tác động mạnh. Dao động thất thường tạo nên rủi ro cực lớn cho người tham gia thị trường cà phê hiện nay nếu như không dùng các công cụ kinh doanh cần thiết.

Giá nhảy loạn nhịp. Tăng đầu tuần khi có tin “vách đá tài khóa” (fiscal cliff) của nước Mỹ đang mở ra lối thoát. Nhưng cuối tuần giá cả hai sàn cà phê đều giảm khi có tin đồng real của Brazil lại mất giá so với đồng đô la Mỹ. Đồng tiền nước Mỹ La tinh này hôm qua giao dịch giảm xuống mức thấp nhất tính từ 3 năm rưỡi nay, ở mức 2,1335 real ăn 1 đô la Mỹ. Giá sàn kỳ hạn arabica vốn yếu do áp lực sản lượng lớn từ Brazil, nay cộng thêm yếu tố này nữa đã kích thích Brazil bán cà phê arabica ra mạnh hơn. Nguyên trong tháng 11, giá sàn Arabica New York giảm 8% và tính từ đầu năm đến nay giảm hết 37% giá trị. Sáng nay, giá niêm yết sàn arabica mất 5,80 cts/lb tức 128 đô la, chỉ còn 150,60 cts/lb. Sàn arabica rớt kéo theo sàn robusta mất giá một cách oan uổng.

Giá cách biệt co lại đáng ngại

Đối với thị trường cà phê, do có hai chủng loại khác nhau được giao dịch ở hai sàn kỳ hạn khác nhau, nên giá cách biệt giữa 2 loại này được các nhà kinh doanh chuyên nghiệp và rang xay theo dõi kỹ càng. Sàn Liffe NYSE tại London chuyên giao dịch chủng loại robusta hay trong tiếng Việt được gọi là cà phê vối; trong khi đó tại New York, chỉ giao dịch arabica hay còn được gọi là cà phê chè. Robusta là chủng loại cà phê được các hang rang xay sử dụng để phối trộn hay dùng làm cà phê hòa tan, một thức uống công nghiệp tiêu thụ đại trà nhờ giá rẻ. Còn arabica quyết định vị nếm và mùi thơm của tách cà phê, nên thường được sử dụng với tỉ lệ rất cao tại nhiều nước tiêu thụ. Có nơi sử dụng arabica tới 75% đến 85%.

Chính vì thế, giá cách biệt (arbitrage) mới trở nên quan trọng để nhà rang xay quyết định sử dụng chủng loại nào nhiều hơn cho sản phẩm của mình. Nếu arabica quá mắc, họ sẽ quay sang sử dụng robusta để giảm giá thành sản phẩm. Nên, ta thấy, khi arabica quá cao, các hãng rang xay không ngần ngại mua robusta thay thế. Trong trường hợp này, họ sẵn sàng mua robusta sạch với giá cao mà không tiếc tiền để thay cho arabica đắt tiền. Cho nên, trong những năm gần đây, khi giá arabica cao, rang xay đổ xô mua hàng robusta chế biến ướt và các loại tốt, sạch. Nhiều nhà xuất khẩu robusta chất lượng cao trong thời gian qua hưởng giá tốt là vì thế. Giá arabica càng mắc thường tạo giá cách biệt càng xa.

Thế mà, trong tuần qua, giá cách biệt đã co lại và xuống mức thấp nhất tính từ 3 năm nay (xin xem biểu đồ 2 phía trên, giá arabica thể hiện bằng đường màu xanh bên trên, giá robusta màu hồng bên dưới). Dựa trên biểu đồ ta thấy nếu như trong năm 2011 đã có 2 lần giá cách biệt chừng 185 cts/lb, tức gần 4100 đô la/tấn, thì nay chỉ ở quanh mức 54-55 cts/lb hay quanh 1200 đô la/tấn. Ở mức này, so sánh với robusta, giá arabica được xem là rẻ và rang xay có khuynh hướng nghiêng về sử dụng loại này.

Đặc biệt trong tình thế hiện nay, sau khi Brazil bị mất thị phần nhiều do nước ta cạnh tranh xuất khẩu robusta mạnh, chắc chắn họ đang tranh thủ giành lại thị phần. Sản lượng niên vụ hiện hành của họ lớn, cần bán ra, đó cũng là một yếu tố cần lưu ý. Vả lại, tuần qua, đồng nội tệ real của Brazil mất giá, khuyến khích xuất khẩu. Cộng thêm với mưa về đều, nuôi hoa nuôi trái tốt cho vụ tới dù Brazil sẽ gặp vụ “thất” sau một vụ hiện nay được mùa, nên các nước cạnh tranh arabica vùng Trung Mỹ và Mỹ La-tinh lo ngại và bán ra mạnh, làm giá arabica rẻ. Đó chính là yếu tố làm giá cách biệt 2 chủng loại giao dịch trên 2 sàn co lại, bất lợi cho robusta.

Đối với thị trường cà phê, do có hai chủng loại khác nhau được giao dịch ở hai sàn kỳ hạn khác nhau, nên giá cách biệt giữa 2 loại này được các nhà kinh doanh chuyên nghiệp và rang xay theo dõi kỹ càng. Sàn Liffe NYSE tại London chuyên giao dịch chủng loại robusta hay trong tiếng Việt được gọi là cà phê vối; trong khi đó tại New York, chỉ giao dịch arabica hay còn được gọi là cà phê chè. Robusta là chủng loại cà phê được các hang rang xay sử dụng để phối trộn hay dùng làm cà phê hòa tan, một thức uống công nghiệp tiêu thụ đại trà nhờ giá rẻ. Còn arabica quyết định vị nếm và mùi thơm của tách cà phê, nên thường được sử dụng với tỉ lệ rất cao tại nhiều nước tiêu thụ. Có nơi sử dụng arabica tới 75% đến 85%.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hai lúa

    Nếu như Braxin bán hết cà phê chè thì giá cà phê chè sẽ đắt lên, khi đó nhà rang xay sẽ chuyển qua mua cà phê vối của VN lúc đó giá cà phê VN sẽ lên. Nói tóm lại là qua khỏi vụ 1,2 tháng thì mày ra, còn chính sách đồng rial của Braxin thì ko biết.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88