Theo một nghiên cứu khoa học được công bố hôm thứ Tư, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến cây cà phê Arabica hoang dã tuyệt chủng vào năm 2080. Đây là một tin sốc đối với ngành công nghiệp cà phê.
Cây cà phê Arabica hoang dã có bản địa từ miền nam Ethiopia, một vài khu vực ở Nam Sudan, và một vùng ở Bắc Kenya, là nguồn gốc của loại Arabica được trồng và mua bán trong tất cả các cửa hàng cà phê hàng đầu trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu ở Vườn Bách thảo Hoàng gia cho biết.
“Có những lo ngại về viễn cảnh của ngành nước giải khát được yêu thích trên toàn thế giới, đây cũng là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai sau dầu mỏ, và cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế của một số quốc gia,” Vườn Bách thảo Hoàng gia cho biết trong công bố.
Cây cà phê Arabica hoang dã rất quan trọng đối với sự bền vững của ngành công nghiệp cà phê do sự đa dạng về di truyền là rất lớn.
Theo nghiên cứu được thực hiện ở Ethiopia và Vườn Bách thảo Hoàng gia ở Vương Quốc Anh, cà phê Arabica được trồng ở các đồn điền cà phê trên thế giới đều bắt nguồn từ các giống có đặc tính di truyền rất hạn chế và không có sự linh hoạt cần thiết để chống chọi với sự biến đổi khí hậu và các mối đe dọa khác như sâu bệnh.
Tại Ethiopia, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất châu Phi, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng xấu lên việc sản xuất cà phê.
Ông Aaron Davis, người đứng đầu nghiên cứu cà phê tại Vườn Bách thảo Hoàng gia cho biết “việc cây cà phê Arabica tuyệt chủng là một viễn cảnh gây sửng sốt và đáng lo ngại.”
Tuy nhiên, mục đích của nghiên cứu không phải để đem lại những dự đoán gây ra sợ hãi vì cà phê Arabica sẽ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Quy mô của các dự đoán chắc chắn tạo nên mối lo lớn, nhưng chỉ nên xem điều này là một dự đoán cơ sở, từ đó chúng ta mới có thể đánh giá đầy đủ hơn những hành động gì được coi là cần thiết.”
Ông Justin Moat, người đứng đầu bộ phận khoa học thông tin không gian ở Vườn Bách thảo Hoàng gia, cho biết “Trường hợp điều tồi tệ nhất, như trong phân tích của chúng tôi, là cây cà phê Arabica hoang dã có thể tuyệt chủng vào năm 2080. Điều này sẽ cảnh báo quyết định của các nhà sản xuất đối với sự mong manh của các loài.”
Nghiên cứu này được thực hiện bằng mô hình máy tính. Đây là lần đầu tiên mô hình nghiên cứu này được áp dụng với cây cà phê Arabica hoang dã.
Anh Văn – Quang Minh (Theo Giacaphe.vn / Dow Jones )