Xuất khẩu cà phê chịu nhiều áp lực

Xuất khẩu cà phêCác doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chưa thực sự vui mừng trước thông tin, Việt Nam đã vượt Brazil để trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới, vừa được Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) xác nhận.

Nói về việc Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, ông Nguyễn Minh Bạn, Giám đốc Công ty Cà phê Minh Huy (Đồng Nai) lại không thực sự phấn chấn, vì thực tế, các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia xuất khẩu cà phê chiếm tới 60 – 70%. Các doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu vì thiếu vốn, nên không xuất khẩu được nhiều.

Hiện tại, 50 – 60% doanh nghiệp cà phê ở Đồng Nai đã phá sản, chỉ còn lại 4 -5 doanh nghiệp lớn hoạt động tốt, nhưng việc liên kết giữa các doanh nghiệp chưa tới đâu, chủ yếu mạnh ai nấy làm”, ông Bạn nhận xét về thực trạng của doanh nghiệp cà phê Việt Nam và cho biết, Minh Huy hiện chỉ xuất khẩu trên dưới 10.000 tấn cà phê nhân mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Tổng giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi Đắk Lắk, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang chịu nhiều áp lực từ các nhà nhập khẩu châu Âu. Các nhà nhập khẩu này vẫn áp dụng quy định mức phí trừ lùi với các hợp đồng xuất khẩu (giao sau) của doanh nghiệp Việt Nam, với mức bình quân 50 USD/tấn. “Nhà nhập khẩu không giải thích rõ lý do trừ lùi, nên chúng tôi cũng không biết họ căn cứ vào đâu để tính mức phí này”, ông Thái nói.

Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh cho biết, điều đáng lưu ý là, đáng ra khi cà phê có giá càng cao thì chất lượng phải càng cao. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, giá cà phê tăng cao dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán, nên chất lượng ngày càng giảm sút và thường bị các nhà nhập khẩu ép giá.

Từ những rủi ro về chất lượng, về giá (khi giá biến động mạnh, các đại lý tìm cách không giao hàng), cộng với việc ngân hàng hạn chế tài trợ vốn, dự kiến năm nay, Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh giảm 50% lượng xuất khẩu, thay vì xuất khẩu 20.000 tấn cà phê nhân như vụ trước.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngành cà phê vẫn hoạt động “không ai giống ai”. Doanh nghiệp nào cũng giấu giá bán, dù bán giá thấp, nhưng vẫn nói bán giá cao, dẫn đến tình trạng bán phá giá. Hệ quả là, những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào loại lớn nhất Việt Nam là Công ty Cà phê Tây Nguyên (trung bình mỗi năm xuất khẩu 200.000 tấn cà phê nhân) gần như không còn khả năng thanh toán; Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) đang ngưng hoạt động, nợ trên 1.000 tỷ đồng; công ty xuất khẩu cà phê lâu đời nhất Việt Nam là Inexim Đắk Lắk cũng lâm vào tình cảnh không còn tiền để mua cà phê trong dân…

Theo các chuyên gia ngành cà phê, Việt Nam vẫn chưa có một chính sách cụ thể cho cây cà phê. Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) đã tính đến việc liên kết với Hiệp hội Cà phê Quốc gia Brazil (CNC) để có thế mạnh hơn trong sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực hiện việc này không hề đơn giản vì không có kinh phí. “Việc gặp gỡ trực tiếp các hiệp hội cà phê trên thế giới để đàm phán liên kết không hề đơn giản, bởi chi phí đi lại, ăn ở không được Nhà nước hỗ trợ”, ông Nguyễn Xuân Thái cho biết.

Ở góc độ khác, tại buổi tổng kết xuất khẩu cà phê niên vụ 2011-2012 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực Vicofa cho biết, xuất khẩu mùa vụ vừa qua đã đạt gần 3,2 tỷ USD, tương đương trên 1,6 triệu bao. Tuy nhiên, nếu khắc phục được tình trạng cà phê kém chất lượng, xuất khẩu có thể mang về thêm trên 100 triệu USD nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngành cà phê phát triển bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước về vốn vay để doanh nghiệp mua tạm trữ…, việc đầu tiên cần làm là các tỉnh trồng cà phê cần có quy định thu hoạch quả chín từ 95% trở lên, cấm thu hoạch cà phê xanh, non.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đinh tân lâm

    Trong mấy năm qua có phải có sự trùng hợp khi mà “50-60%DN cà phê đã phá sản,và số DN còn lại chưa liên kết được tới đâu” nên giá cà phê cao hơn hồi trước. Mấy ông DN VN cứ nhai lại điệp khúc vì DNNN nên các DN như công ty Tây Nguyên, cty Inexim ĐăkLăk…phá sản, nhưng nếu ko có DN nghiệp ngoại thì giá sẽ ko bao giờ được như bây giờ. Việc đầu tư trồng và chế biến cà phê theo hướng bền vững là rất cần thiết nhưng thu hái đến 95%trái chín như bài báo viết thì quá xa vời, vì hái chín như vậy thì giá mua phải cao gần gấp đôi thì mới mong thực hiện được, chứ hái chín và hái xanh họ mua giá bằng nhau trong khi hái chín phải tốn công gấp đôi. Ví dụ như cà phê catimo trái xanh giá chỉ 7000, trong khi hái chín giá là 13-14000. Nếu mua được như catimo thì sẽ tăng được giá trị lên gấp đôi trong cùng 1 số lượng, nhưng tiếc là ko thực hiện được.

  2. Nông Cà

    Ngành xuất khẩu cà phê VN đang cần một nhạc trưởng tài ba! Tuy nhiên có cảm tưởng rằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước còn thờ ơ với thực trạng, không có một chiến lược xuất khẩu nào rõ rệt để dẫn dắt thị trường, tạo giá trị tăng thêm cho hạt cà phê VN.

  3. quan tâm

    Để ngành ca phê bền vững như mong muốn chỉ khi chất lượng bảo đảm, uy tín người bán phải đàng hoàng có nghĩa cả hai cùng có lợi. Nhiều vụ việc thời gian qua cơ bản là cả hai thiếu đàng hoàng mà ra ( trong nước và ngoài nước) chứ những người làm ăn uy tín vẫn tồn tại chẳng ai hại được cả! Làm ăn với nước ngoài càng phải đàng hoàng mới phải, kiểu mì ăn liền chỉ ở những nơi ấu trĩ thôi. Bà con thấy đấy hàng của người Nhật được cả thế giới tin dùng vì chất lượng tốt thực sự có ai làm gì được hàng hóa của họ đâu? ta nên theo đó mà làm thì hơn.

  4. Trần Ninh

    Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) liên kết với Hiệp hội Cà phê Quốc gia Brazil (CNC) để có thế mạnh hơn trong sản xuất và xuất khẩu là việc cần làm ngay, ví rất có lợi cho cả người sản xuất cà phê và Doanh nghiệp xuất khẩu, mang lại kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn cho đất nước. Mong rằng Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho Vicofa trong những thời gian đầu khó khăn này, về phía người sản xuất chúng tôi rất ủng hộ đóng góp quỹ cho Vicofa, miễn sao Vicofa hoạt động hiệu quả mang lại những lợi ích tốt nhất, lâu dài cho ngành sản xuất, xuất khẩu cà phê.

Tin đã đăng