Đắk Lắk: Nâng cao chất lượng cà phê từ các liên minh sản xuất

Những năm gần đây, các liên minh sản xuất cà phê ra đời thu hút nhiều người trồng cà phê tham gia. Với quy trình chăm sóc được giám sát chặt chẽ, hoạt động sản xuất của các liên minh đang từng bước góp phần cải thiện chất lượng cà phê trên địa bàn.

Thu hoạch cà phê Đắk Lắk
Thu hoạch bảo đảm tỷ lệ quả chín góp phần nâng cao chất lượng cà phê.

Là một trong những doanh nghiệp (DN) đi đầu trong phát triển sản xuất cà phê bền vững, từ năm 2010, với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP), liên minh cà phê giữa Công ty liên doanh chế biến cà phê và xuất khẩu Man – Buôn Ma Thuột (Dakman) với 297 hộ nông dân ở 2 xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) và Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) ra đời.

Đến nay, Công ty này đã thành lập 2 tổ liên kết, 10 tổ hợp tác (5 nhóm nông hộ với 29 câu lạc bộ), thu hút khoảng 2.500 nông hộ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Krông Pak tham gia, với diện tích trên 3.700 ha, năng suất khoảng 10.000 tấn/năm.

Trong đó, chương trình chứng nhận 4C có 865 hộ, 1.393 ha; RFA có 1.087 hộ, 1.482 ha; UTZ 421 hộ, 648 ha và Thương mại công bằng là 137 hộ, 243 ha. Liên minh bước đầu đã hỗ trợ người dân trong việc áp dụng quy trình sản xuất mới vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê và bảo đảm thân thiện với môi trường.

Cũng trong năm 2010, với tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ đồng, trong đó 5,4 tỷ đồng là vốn tự có của nông dân và doanh nghiệp, 3,6 tỷ đồng của Dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ, Liên minh sản xuất cà phê bền vững Cư Êbur – Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2 – 9 (Simexco Đắk Lắk) được thành lập.

Liên minh được hình thành giữa 4 tổ hợp tác của nông dân sản xuất cà phê tại xã Cư Êbur gồm 182 hộ nông dân của 2 buôn Dhă Prông và Ea Bông (100% là đồng bào Êđê) và Simexco Đắk Lắk với tổng diện tích canh tác trên 273 ha cà phê.

Mục tiêu chính của Liên minh là tạo vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong canh tác (có chứng nhận Utz Certified), có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới; giúp người nông dân từng bước phát triển kinh tế tập thể tại địa phương theo mô hình hợp tác mới… thông qua việc đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người sản xuất.

Mô hình hợp tác, liên minh và liên kết giữa 4 nhà: doanh nghiệp, nhà nông, Nhà nước và nhà khoa học đang từng bước tạo nên chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, ổn định và bền vững.

Theo Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, thì việc phải sản xuất vừa bảo đảm yếu tố xã hội vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường trở thành xu thế tất yếu hiện nay.

Do đó, đối với DN tham gia liên minh sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà còn phải nâng cao uy tín thương mại của DN. Còn đối với người trồng cà phê, được sự hậu thuẫn của doanh nghiệp nên không còn băn khoăn lo lắng về đầu ra mà giá bao giờ cũng cao hơn giá thị trường, mặt khác còn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất được chuẩn hóa, tiết kiệm được chi phí.

Việc tham gia sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra dưới hình thức các liên minh không chỉ mang đến lợi ích cho nông dân trồng cà phê và DN, mà còn là một trong những giải pháp tích cực hiệu quả để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cà phê.

Tuy nhiên, do Liên minh là hình thức mới trong hoạt động nên việc tổ chức chưa được chặt chẽ, mối quan hệ hợp tác giữa DN và nông dân chưa thực sự bền vững… Để phát triển và mở rộng hơn sự hợp tác của các liên minh sản xuất, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức không chỉ cho nông dân, mà cả cán bộ quản lý nông nghiệp địa phương. Bởi việc xây dựng các mô hình sản xuất cà phê bền vững là một hình thức đầu tư mang lại hiệu quả, ý nghĩa trong nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành cà phê.

>> Đăk Lăk: Đẩy mạnh liên kết với nông hộ sản xuất cà phê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trần Ninh

    Sản xuất cà phê bền vững là hướng đi đúng đắn cho ngành sản xuất cà phê trên cả nước nói chung và địa bàn tây nguyên nói riêng (nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tốt nhất cho việc sản xuất cà phê của Việt Nam). Sản xuất cà phê bền vững, mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh được rủi ro về thị trường, phát huy tối đa lợi thế về tiềm năng điều kiện tự nhiên. Suy cho cùng bền vững cần nhất: năng suất, giá cả ổn định. Hiện nay đã có nhiều đề tài, luận án tiến sĩ nghiên cứu về vấn đề này. Để làm tốt mô hình (Liên minh) cần có các biện pháp:
    – Tuyên truyền sâu, rộng cho các hộ nông dân sản xuất cà phê thấy được lợi ích của Liên minh,
    – Liên minh cần có các giải pháp đầu tư cả về công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, tài chính mạnh hơn để thực sự mang lại hiệu quả vượt trội (năng suất, chất lượng, giá bán và cả khâu tiêu thụ) so với những hộ sản xuất đơn lẻ.

Tin đã đăng