Gia Lai: Nhân rộng mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống

Trồng tiêu trên cây trụ sống là một mô hình kinh tế mới được nông dân huyện Chư Pưh áp dụng trong 5 năm trở lại đây.

Với những hiệu quả thiết thực mà cách làm này mang lại, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tích cực phát triển, từng bước nhân rộng mô hình. Ia Hrú được xem là một xã điển hình như thế.

Những năm trước đây, khi mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống mới bắt đầu xuất hiện, người dân Ia Hrú còn e ngại và hoài nghi về hiệu quả kinh tế thật sự mà nó mang lại. Bởi thế, thay vì mạnh dạn áp dụng, nhiều nông hộ vẫn trung thành với cách làm cũ là trồng tiêu trên trụ chết như gỗ, gạch, bê tông.

Thực tế cho thấy trồng tiêu trên cây trụ chết trong điều kiện không che bóng có thể đạt được năng suất cao, nhưng kèm theo đó là sự suy kiệt nhanh chóng do ra hoa quả quá độ và sự bùng phát của nhiều loại bệnh nguy hiểm làm hủy diệt vườn tiêu.

Mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống đang được phát triển và nhân rộng ở xã Ia Hrú. Ảnh: Hồng Thi
Mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống đang được phát triển và nhân rộng ở xã Ia Hrú.

Theo ông Lê Lai- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrú- trồng tiêu trên cây trụ sống là kiểu canh tác bền vững, vừa che bóng, vừa kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Ông Lai cũng cho biết, UBND xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến nông huyện tổ chức những buổi tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con hiểu và tin tưởng vào mô hình mới.

Từ việc trồng thử nghiệm, người dân xã Ia Hrú đã và đang dần phát triển, nhân rộng mô hình. Đến nay, diện tích hồ tiêu được trồng trên cây trụ sống của toàn xã khoảng trên dưới 30 ha. “Thông thường, cây trụ sống được trồng 1-3 năm trước khi trồng tiêu. Nếu trồng tiêu cùng năm với trụ sống thì bắt buộc phải trồng trụ tạm vì khi đó trụ sống còn nhỏ, chưa có chỗ cho tiêu leo bám. Cây trụ tạm phải tốt để tiêu có thể leo bám trong vòng 2-3 năm trước khi cây trụ sống đủ lớn cho tiêu leo bám”- ông Lai cho hay.

Nhiều nông dân sử dụng keo làm cây trụ sống cho tiêu vì những ưu thế mà loại cây này mang lại.
Nhiều nông dân sử dụng keo làm cây trụ sống cho tiêu vì những ưu thế mà loại cây này mang lại.

Các loại trụ sống phổ biến mà người trồng tiêu áp dụng là hông, keo, lồng mức, gòn… được trồng bằng cành hoặc ươm bằng hạt. Giống các loại cây này nông dân chủ yếu mua ở TP. Pleiku và Đak Lak, trừ cây gòn đa số là tự ươm bằng hạt. Mỗi loại cây dùng làm trụ sống cho tiêu đều có công dụng và thế mạnh riêng. Theo đánh giá của nhiều nông dân, keo là loại cây có ưu thế hơn cả vì lá của cây này nhỏ vừa có khả năng che mát nhưng cũng vẫn có tán xạ để ánh sáng xuống cho tiêu quang hợp. Bên cạnh đó, keo là cây họ đậu nên nó không cạnh tranh đạm với cây tiêu và có ưu điểm lớn rất nhanh và có tuổi thọ cao. Khi cắt trụi cành, cây keo không chết và cành, lá của nó còn có thể dùng để làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc như heo, trâu, bò và dê…

Anh Lê Đức Hải bên vườn tiêu đang áp dụng mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống của mình. Ảnh: Hồng Thi
Anh Lê Đức Hải bên vườn tiêu đang áp dụng mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống của mình

Anh Lê Đức Hải là chủ nhân của vườn hồ tiêu hơn 2 ha đang độ ra trái. Cũng được tư vấn và biết đến mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống từ những ngày đầu cách làm này xuất hiện, nhưng gia đình anh vẫn lo ngại và chần chừ chưa dám áp dụng. Năm 2010, sau khi thấy được hiệu quả của mô hình từ một người bạn ở Đak Lak và những người xung quanh, anh Hải mới bắt đầu trồng thử. Vừa sản xuất, anh vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đã thành công trước đó. Anh Hải chia sẻ: “Loại trụ sống mà tôi chọn là cây lồng mức, tuy lâu lớn nhưng tuổi thọ cao, khó chết. So với việc trồng trên trụ chết như trước đây, tôi thấy việc trồng trụ sống cho tiêu vừa tiết kiệm được chi phí vừa hạn chế được tỷ lệ mắc bệnh trên cây tiêu, năng suất cũng cao hơn. Với 2 ha hiện có, trung bình mỗi năm tôi thu về khoảng 10 tấn”.

Để đảm bảo vườn tiêu trồng trên cây trụ sống sinh trưởng tốt, đồng đều, cho năng suất cao, theo anh Hải, người trồng tiêu cần phải chú ý tới các biện pháp kỹ thuật về thời gian trồng, khoảng cách trồng giữa cây hồ tiêu và cây trụ sống. Ngoài ra, khâu chăm sóc cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.

Hiện nay, phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu đang là một vấn nạn khá nhức nhối ở Chư Pưh. Việc phát triển và nhân rộng mô hình trồng cây sống làm trụ cho tiêu không những đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần hạn chế được tình trạng các cánh rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại cạn kiệt

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. honam

    Tại Đak lak vùng Cư Kuin đã làm như thế gần 20 năm nay. Nếu có dịp đi qua các xã Ea Ninh, Cư Vy, Ea Bhok hay Ea Hu…mà xem những vườn tiêu rất đẹp được trồng trong rừng muồng đen, rừng lồng mức hay rừng keo. Canh tác theo phương pháp này mang tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao mà môi trường sinh thái ít bị ảnh hưởng. Trước đây có một số hộ trồng tiêu trên trụ gỗ được khai thác từ rừng nay những trụ tiêu này đã được trồng kế bên một trụ sống để thay thế vì trụ sống tiêu phát triển đẹp hơn. Trồng tiêu trên trụ sống quả là một cách làm hay nên áp dụng.

  2. tung - Bình Phước

    Nhưng vẫn có cách để trồng cùng lúc cả trụ lẫn dây chứ không cần trồng trụ sống trước 2-3 năm.

  3. trihai

    @tung binhphuoc! thực ra cũng đơn giản: bạn có thể dùng trụ tạm hoặc chiết nọc, cây chiết làm nọc thường là muồng đen, keo dậu và vông… nhưng tỷ lệ sống không cao lắm!

    1. tung -Bình Phước

      Vâng. Chúng tôi trồng rất dễ dàng. Ở đây mình may mắn đã được học tập những nông dân từ đất Lộc Ninh danh tiếng nên mọi chuyện thật dễ dàng. Chỉ mong được phổ biến kinh nghiệm cho mọi người.

      1. Nguyễn Thị Hồng

        Chào anh! em đang có ý định trồng tiêu ở Bình Thuận, nay lên trang web tìm hiểu cách trồng tiêu đạt năng suất, em rất vui vì được học hỏi kinh nghiệm từ các a. Thật sự em đang rất phân vân giữa trồng tiêu trên trụ sống hay trồng tiêu trên trụ nhân tạo (gạch, xi măng…). Bởi vì trồng trên trụ sống thì em sợ những cây đó sẽ ăn hết chất dinh dưỡng của tiêu, còn trên trụ nhân tạo nó vừa tốn kém mà tuổi thọ tiêu ko được lâu dài. Đó là những hiểu biết sơ bộ của em. Nếu câc anh có kinh nghiệm, lời khuyên gì bổ ích gửi gắm cho em về cách trồng tiêu đạt năng suất thì em xin cảm ơn.

    2. vũ hoài đông

      trên daklak chúng tôi hiện đang trồng cây nguc ngác lá nhỏ,cây có ưu điểm rất lớn là cây phát triển nhanh, rễ cọc k sợ gãy đổ,thân thẳng, ko có sâu bệnh dịch hại. Bà con nên trồng trụ sống bằng loại cây này

  4. Đông Đoàn

    Cách chiết cành làm trụ tiêu sống:
    Trên Hà Lan một số hộ phá cà phê trồng tiêu, thật là tiếc nếu cùng trồng tiêu trên diện tích đã có cà phê ta chỉ việc trồng xen vào giữa hai hàng cà tận dụng cây muồng chắn gió cho cà để trồng xen tiêu vào làm trụ, chiết cành cây muồng, chọn cành có độ dài trên 2m chon điểm lamg gốc để cạo lớp vỏ cắt bỏ khoảng 5mm xung quang, chỉ sau một thời gian khoảng 3 tháng vết cắt sùi ra tạo rễ ta sẽ cát cành này mang trồng làm trụ, tỉa các cành phụ ( nên chiết từ tháng 2 đến tháng 5 là hạ trụ ) phù hợp với muồng đen, lồng mức .. mong mọi người áp dụng .

    1. Vũ Anh

      Cách làm này rễ cây muồng chiết ăn ngang hay đâm sâu xuống . Theo ban thì nên trồng sâu hay can tốt hơn. Cảm ơn!

  5. Nguyenminh

    có bạn nào biết cách trồng lồng mứt sau khi đánh từ rừng về sao co tỉ lệ sống là cao nhất không hãy chỉ mình với. cay lồng mứt có chiết cây đúng được không nếu được thì chỉ mình cách làm với.xin cảm ơn

Tin đã đăng