Khi đồng USD tụt dốc

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3-8 (sáng 4-8 giờ Việt Nam) trên thị trường Bắc Mỹ, chỉ số USD – đo tương quan của đồng USD so với 6 loại tiền tệ lớn khác trên thế giới – đã tụt xuống 77,615 điểm so với 78,329 điểm của phiên giao dịch cuối tuần trước.

USD-rot-gia
Khi đồng USD tụt dốc

Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12-2008. Cùng với sự kiện Bộ Tài chính Mỹ (từ  ngày 27 đến 30-7) phát hành 115 tỷ USD trái phiếu chính phủ, phá kỷ lục lượng phát hành trái phiếu lớn nhất trong lịch sử, giới kinh doanh không khỏi nghi ngại về sự ổn định của USD trong thời gian tới.

Theo ý kiến của phần lớn chuyên gia kinh tế, tiêu thụ một lượng lớn trái phiếu mặc dù có lợi cho người nộp thuế; giúp các doanh nghiệp và nhà tiêu dùng Mỹ nhận được vốn, nhưng nếu kênh huy động vốn này bị gián đoạn, có thể phá hủy những nỗ lực khôi phục kinh tế của Chính phủ, làm giảm lòng tin của mọi người và gây tổn hại thêm giá trị của đồng USD.

Nhiều năm qua, do sự thống trị của Mỹ với nền kinh tế toàn cầu, USD đã trở thành đồng tiền dự trữ chủ yếu trên thế giới. Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong tổng số dự trữ ngoại tệ trị giá tương đương 6.900 tỷ USD trên toàn cầu, khoảng hai phần ba là đồng USD. Thế nhưng hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra đã buộc Chính phủ Mỹ không ngừng bơm tiền mặt để cứu hệ thống ngân hàng và các ngành công nghiệp then chốt. Theo số liệu mà Tập đoàn Barclays công bố, 6 tháng đầu năm nay số lượng đồng USD phát hành đã lên tới gấp đôi, đạt 963 tỷ USD và trong nửa năm còn lại sẽ có thể lên tới 1.100 tỷ USD. Đây là một nguyên nhân nữa dẫn đến sự mất giá của USD và tác động tiêu cực tới các nền kinh tế lấy USD làm đồng tiền chính trong dự trữ ngoại tệ trong đó có Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Trong bối cảnh như vậy, không chỉ Trung Quốc mà cả một số nước khác như Nga đã kêu gọi thiết lập một đồng tiền dự trữ quốc tế mới. Vì với ưu thế gần như tuyệt đối của USD hiện nay, bất kỳ sự biến đổi nào của tỷ giá đồng tiền này sẽ ngay lập tức gây ra những xáo trộn cho nền kinh tế toàn cầu. Lời kêu gọi đa dạng hóa tiền dự trữ đã nhận được sự chào đón của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi Ấn Độ, Hàn Quốc, Bra-xin… Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế học Nâu-ri-en Râu-bi-ni, giáo sư kinh tế Đại học Niu Y-oóc, người đã từng dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính, cho rằng quá trình thoát khỏi ảnh hưởng của USD không thể diễn ra trong một sớm một chiều dù tầm ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi sẽ ngày một lớn và có thể góp phần chấm dứt sự thống trị của USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Nhận định ông N.Râu-bi-ni đưa ra cũng trùng với quan điểm của hầu hết các nhà phân tích kinh tế. Đơn giản là cho đến nay Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới và Oa-sinh-tơn sẽ bảo vệ đơn vị tiền tệ của họ đến cùng. Trong nhiều năm qua, quốc gia này đã gặt hái được những lợi ích lớn về tài chính từ việc đồng USD là đồng tiền dự trữ. Đặc biệt, thị trường USD đứng vững sẽ giúp nước Mỹ vay nợ với mức lãi suất có lợi hơn. Nước Mỹ chỉ cần “phát hành nợ” bằng đồng tiền của chính mình, thay vì bằng một đồng tiền nước ngoài, thì mọi tổn thất từ sự mất giá của đồng USD sẽ được dồn lên vai các chủ nợ mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Ngoài ra, giá các loại hàng hóa được ấn định bằng đồng USD còn khiến sự mất giá của đồng USD không dẫn tới sự lên giá của hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Không ai phủ nhận thực tế cộng đồng quốc tế phải tính đến một hệ thống tiền tệ và tài chính mới để xây dựng một nền kinh tế vững chắc hơn trong thế kỷ XXI, ở đó, USD không còn độc quyền. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một đồng tiền mới đủ mạnh để thay thế USD thật không dễ dàng. Giải pháp phổ biến hiện nay để các nước đối phó với đồng USD yếu là các kho dự trữ trên thế giới hiện đã không chỉ còn trông vào duy nhất một màu xanh của đồng USD.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng