Ngăn chặn tình trạng mất rừng ở Tây Nguyên

9 tháng qua, toàn vùng Tây Nguyên đã xảy ra khoảng 5.000 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng.

Sáng 2/10, tại tỉnh Đắk Lắk, Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo chí tuyên truyền về vùng Tây Nguyên để thông tin về tình hình kinh tế – xã hội ở khu vực trong 9 tháng qua. Bên cạnh nhiều vấn đề đặt ra, theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, có hai vấn đề “nóng” mà các tỉnh Tây nguyên cần triển khai là; Ngăn chặn tình trạng mất rừng và có biện pháp tháo gỡ thua lỗ, phá sản cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn.

Khai thác gỗ căm xe, rừng tây nguyê
Gỗ căm xe bị đốn hạ ngổn ngang cuối tháng 7, đầu tháng 8/2012 tại tiểu khu 477, 484 của VQG Yok Đôn.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây nguyên, 9 tháng qua, toàn vùng đã xảy ra khoảng 5.000 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó khoảng 200 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, gây thiệt hại hơn 400 ha rừng. Nhiều vùng rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị tàn phá nghiêm trọng. Một số vùng đệm, vùng lõi của các khu bảo tồn, vườn quốc gia như: Yook Đôn, Nam Kar, Ea Sô, Chư Giang Sin, Nam Nung, Tà Đùng bị lấn chiếm làm nương rẫy.

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị thành lập một số đơn vị đặc nhiệm chuyên xử lý các điểm nóng phá rừng, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại đất lâm nghiệp, phê duyệt dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng tại khu vực Tây Nguyên năm 2013, trước mắt kiến nghị tạm dừng khai thác rừng tự nhiên đến năm 2013 trên toàn vùng Tây nguyên.

Đánh giá về ngành sản xuất và xuất khẩu cà phê, Ban chỉ đạo cho rằng đang bộc lộ nhiều bất ổn. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lâm vào tình trạng nợ nần, thua lỗ, phá sản do không đủ nguồn lực đầu tư, thiếu kinh nghiệm và thông tin dự báo thị trường, bị cạnh tranh bất lợi vì lãi suất cao và đối phó với mạng lưới thu mua hiệu quả của các công ty nước ngoài. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đang đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được ưu tiên vay vốn lãi suất ưu đãi và tăng thời hạn cho vay đối với việc thu mua cà phê xuất khẩu; đồng thời có chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm khuyến khích tái canh cà phê ở Tây Nguyên, khuyến khích phát triển mô hình nông thôn mới trong sản xuất cà phê bền vững.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng