Khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm toàn cầu gây ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên có những tổn thất lại không phải do tác nhân từ bên ngoài mà chủ yếu do chính chúng ta.
Thông tin gần đây cho thấy hiện giá xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới đang rớt ở mức thấp nhất trong vòng ba năm qua, khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng nề. Sơ bộ với mỗi tấn cà phê chưa kịp xuất, doanh nghiệp lỗ gần 100 đô la.
Nguyên nhân của tình trạng này được ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), khẳng định chủ yếu không vì quan hệ cung cầu mà do đầu cơ lũng đoạn thị trường và doanh nghiệp “rất thiếu đoàn kết”.
Các quỹ đầu cơ nước ngoài trên sàn cà phê kỳ hạn (London và NewYork) liên tục dùng kỹ xảo tung tin bóp méo giá cả, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thường bị rơi “vào tròng”, mỗi khi nghe tin giá lên thì mạnh ai nấy đua nhau mua vào để đầu cơ tích trữ, nhưng khi giá xuống thì buộc phải bán ra để cắt lỗ.
Câu chuyện khác về cá tra, cá ba sa, khi ra ngoài nước thì thường bị các đối tác o ép, tìm mọi cách làm giảm uy tín, nhưng ở trong nước cũng có nhiều doanh nghiệp gây lũng đoạn phá rối thị trường. Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra, cá ba sa nhưng gần như mạnh ai nấy làm, tranh mua tranh bán, có khi cùng một sản phẩm xuất khẩu nhưng mức giá chào của các doanh nghiệp tại cùng thị trường chênh nhau nhiều lần.
Thực trạng hiện nay là có rất nhiều hiệp hội, đại diện cho nhiều ngành nghề kinh tế chủ chốt, nhưng nhiều khi vẫn còn hiện tượng gà nhà đá nhau, bằng mặt không bằng lòng, chưa gạt bỏ hết lợi ích cục bộ ngắn hạn để cùng hướng đến lợi ích chung lâu dài. Hiện vẫn còn quan niệm và tư duy sai lệch về chức năng của hiệp hội và người lãnh đạo hiệp hội, xem đó tựa như một đơn vị quản lý nhà nước, có quyền đơn phương ra quyết định mà không tính đến nguyện vọng chính đáng của các thành viên.
Tất nhiên, tự bản thân nỗ lực của doanh nghiệp vẫn chưa đủ. Nhà nước cần có biện pháp tổ chức hợp lý, có chính sách huy động các nguồn lực hình thành nên “binh chủng tổng hợp”, lôi cuốn sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp trong nước, tham tán thương mại, đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ở nước ngoài… Đây chính là bệ phóng vô cùng quý hỗ trợ cung cấp sàng lọc thông tin, che chắn rủi ro, mở rộng quan hệ làm ăn đa dạng nơi xứ người.