Tin buồn

Cà phê: Xuất khẩu tăng, tiêu thụ vẫn hăng

Xuất khẩu cà phê năm nay tăng cực mạnh, có thể đạt trên 1,6 triệu tấn! Nhiều người lo sản xuất cà phê nhiều, liệu có ai mua? ICO khuyên đừng ngại vì nhân loại trên địa cầu này uống cà phê mỗi lúc một nhiều…

Đầu cơ làm mưa làm gió trên sàn

Thị trường cà phê chứng kiến một tuần dao động khá mạnh trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE. Thường thường, tại thời điểm tháng 9, là tháng cuối cùng của niên vụ cũ, thị trường rất yên ắng. Vì, một mặt, lượng hợp đồng mới bán ra và chốt giá cho giao hàng tháng 9 không nhiều tại thời điểm “giáp hạt”, mặt khác giá chuyển biến bấp bênh và rủi ro quá lớn, nên các nhà xuất khẩu tỏ ra hết sức thận trọng.

Thế mà, trên sàn kỳ hạn robusta London, giá trong tuần dao động cả trăm đô la Mỹ/tấn! Đầu cơ tài chính đã nại lý do rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa có thái độ rõ ràng có tung tiền kích cầu hỗ trợ nền kinh tế hay không, nên ở những ngày đầu tuần, họ đành bán tháo các hợp đồng hàng giấy (paper contracts) đã mua.

Thực vậy, chỉ qua chừng 2 đến 3 tuần, đầu cơ hàng giấy đã thanh lý bán ra trên 15.000 hợp đồng (10 tấn/hợp đồng). Theo con số thống kê, tính đến đầu tuần này, họ chỉ còn chừng 23.000 hợp đồng mua khống. Đến mấy ngày giữa tuần, ước họ bán tiếp chừng 6.000 để chỉ còn 17.000 hợp đồng. Giá trên sàn kỳ hạn chỉ ngưng giảm và tăng lại vào dịp cuối tuần khi đầu cơ quyết định hãm bán và quay lại mua khống để tìm cơ hội cho đợt “sóng” mới.

Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London phiên cuối tuần ngày 7-9-2012 cơ sở tháng 11-2012 (nay là tháng giao dịch chính) đạt mức 2.049 đô la Mỹ/tấn, tăng 37 đô la so với ngày thứ năm 6-9 nhưng tính cả tuần lại giảm 28 đô la/tấn (xin xem biểu đồ).

Mặc cho “mưa gió”, thị trường nội địa vẫn vững với mức 41.800-42.000 đồng/kg, chỉ giảm chừng 200 đồng hay có nơi bằng giá cuối tuần trước.

Nhờ vậy, giá xuất khẩu cà phê loại 2, 5% chỉ còn trừ 10 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE, tăng từ 10 đến 20 đô la/tấn so với đơn chào cách đây mươi ngày.

Xuất khẩu tăng, tồn kho Liffe NYSE giảm

Xuất khẩu cà phê trong tháng 8-2012 của Việt Nam, theo Reuters, ước đạt 120.000 tấn, nâng tổng số xuất khẩu từ đầu tháng 10-2011 đến 8-2012 lên 1,51 triệu tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Đây là con số khá cao so với dự đoán, chỉ chung quanh 80.000-100.000 tấn. Nguồn tin cũng dự đoán trong tháng này Việt Nam chỉ xuất chừng 60.000-90.000 tấn.

Song, nếu vì một lý do gì đó như đầu cơ quay lại mua làm giá tăng trở lại trên sàn kỳ hạn, kích giá nội địa tăng chừng 43.000 đồng, lượng xuất khẩu tháng 9-2012 chắc sẽ không dừng ở con số dự báo trên mà có thể cao hơn, có thể đạt 100.000 tấn. Lý do: đối với nhiều người ghim hàng cho đến nay, nếu giá dưới mức yêu cầu của họ, họ sẵn sàng để quên và chỉ đưa cà phê ra thị trường khi đúng giá họ muốn. Tồn kho cà phê của tốp người này thường được gọi là tồn kho “giấu mặt” (invisible stocks). Đằng khác, một số nơi do nắng nóng kéo dài, đã kích hàng vụ mới ra sớm hơn, có thể cuối tháng 10-2012 đã bắt đầu thu hái. Đây cũng là yếu tố để tồn kho giấu mặt xuất đầu lộ diện khi giá của người kiên trì giữ hàng được chấp nhận.

Trong khi đó, báo cáo thường kỳ ra hai tuần một lần của sàn Liffe NYSE cho rằng tính đến 3-9-2012, tồn kho robusta được xác nhận chất lượng giảm thêm 4.820 tấn, còn 137.650 tấn.

Nếu chỉ nhìn qua 2 con số này, thì đây là một nghịch lý. Tuy nhiên, thị trường hiểu rằng do giá xuất khẩu Việt Nam cao hơn giá bán kỳ hạn trên sàn, đa số hàng xuất khẩu hoặc đi thẳng đến nhà rang xay, hoặc đang được ém đâu đó chờ ngày tung hàng lên sàn khi thuận lợi. Giá chuẩn cho loại 2 của sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE là trừ 30 đô la/tấn giao hàng tại kho cảng đến do sàn chỉ định. Trong khi đó, giá xuất khẩu FOB giao tại cảng nước xuất khẩu cho loại 2,5% đen vỡ trong niên vụ này bình quân chừng chỉ trừ 30 đô la/tấn.

Tiêu thụ cà phê thế giới từ 1970 và triển vọng đến 2020 (nguồn ICO)

Tiêu thụ cà phê toàn cầu: một hướng nhìn tích cực

Báo cáo hàng tháng mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (International Coffee Organization – ICO) cho tháng 8-2012 đã hiệu chỉnh con số ước lượng sản lượng cà phê thế giới lên 132,7 triệu bao (60 kg/bao). Với con số này, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2011/12 chỉ giảm 1,2% do Việt Nam sản xuất nhiều cà phê hơn, đạt 21 triệu bao, tăng 7,9% so với niên vụ trước. Như vậy, tổng lượng robusta trên thế giới niên vụ này đạt 51,5 triệu bao, chiếm 38,8% tổng lượng cà phê thế giới. Báo cáo cũng nói rằng tổng lượng xuất khẩu cà phê thế giới đạt 9,1 triệu bao trong tháng 7-2012, tăng khắp nơi cũng như tất cả các loại cà phê, chẳng hạn như robusta tăng 12,2%, các loại arabica dịu tăng 4,7%. Các nước có lượng xuất khẩu cao đáng chú ý là Việt Nam, Honduras và Indonesia.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa con số báo cáo giữa ICO và con số xuất khẩu của nước ta do Reuters dẫn nguồn từ các cơ quan thống kê của Việt Nam: con số xuất khẩu thực tế cao hơn sản lượng đến chừng 6 triệu bao. Có thể do con số được báo cáo trước đây quá nhỏ nên ICO chưa dám thay đổi lên mức cao ngay. Khả năng ICO phải chỉnh tăng từ từ trong các báo cáo sau này để khỏi gây “sốc” cho người đọc.

Tuy nhiên, thú vị nhất của báo cáo đợt này là đã dành một phần để nói về tiêu thụ cà phê trên thế giới.

ICO cho rằng tiêu thụ cà phê thế giới vẫn tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2001 đến 2011 và kể cả trong những năm tới, tầm nhìn đến 2020. Từ 2001 đến 2011, nếu mức tiêu thụ cà phê tại các nước tiêu thụ truyền thống chỉ tăng 1,6%/năm, thì tại các nước mới nổi tăng 3,5% và các nước xuất khẩu tăng 4,3%. Nhìn chung, cà phê được tiêu thụ ngay tại các nước xuất khẩu hiện nay đạt 31% so với chỉ 25% trong năm 2001. Đặc biệt tại Brazil, từ năm 2001, mỗi năm tiêu thụ thêm bình quân 6 triệu bao. Nếu Brazil chịu khó giữ nguyên con số này, không mấy chốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới.

Tính tiêu thụ trên đầu người, các nước vùng Scandinavia và Thụy Sỹ, Đức và Canada là những nơi uống cà phê nhiều nhất, trên 5 kg/người/năm. Trong khi đó, Brazil đạt 6 kg/người mỗi năm, Việt Nam chỉ đạt 1,1 kg/năm.

Triển vọng tiêu thụ cà phê thế giới với tầm nhìn đến năm 2020, báo cáo ICO đưa ra 3 kịch bản với 3 mức tăng trưởng, thấp là 1,5% với mức tiêu thụ 157,7 triệu bao, trung bình 2% với 164,8 triệu bao và cao 2,5% với 172,2 triệu bao. Do mức độ tiêu thụ tại các nước mới nổi và các nước xuất khẩu tăng, ICO cho rằng thế giới sẽ dễ dàng sử dụng thêm ít nhất 20 triệu bao cho cuối thập niên này (xin xem biểu đồ trên).

Nếu tiêu thụ toàn cầu xảy ra đúng như các kịch bản của ICO, 6 triệu bao tăng đột biến trong xuất khẩu năm này của nước ta là bước dò trước và chưa thực sự là mối đe dọa cho giá thị trường trong những năm tháng tới. Tuy nhiên, đáng tiếc, không chỉ sản lượng riêng của nước ta tăng mà nhiều nước khác như Brazil, Honduras…đều tăng. Điều đáng lo là ở đây!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

74