Gây bất ổn thị trường nông sản, ảnh hưởng, thậm chí là phá vỡ các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, làm cạn kiệt tài nguyên, gây thất thu thuế cho Nhà nước… đó là những tác hại mà các thương nhân nước ngoài đã và đang “oanh tạc” tại thị trường nông sản Việt Nam.
Nhằm hạn chế thực trạng này, ngày 7-9, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị nhằm phổ biến quy định hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Rất khó phát hiện “kẻ giấu mặt”
Từ tháng 5 – 2011 đến nay, hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp. Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương, hoạt động của các thương nhân nước ngoài thu mua các loại nông sản theo hướng “tận thu, tận diệt” đã gây nên hậu quả là: Đẩy giá các loại nông sản lên mức cao bất thường, gây ra tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ cho một số nhà máy chế biến nông sản cũng như đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vào thế khó trong việc chào giá bán. Đặc biệt, hệ lụy của nó còn là đẩy nhiều người nông dân vào tình trạng không có công ăn việc làm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Thực tế này đã được báo chí phản ảnh nhiều lần, song ở nhiều địa phương nông dân vẫn “sập bẫy” thương lái nước ngoài.
Có một thực tế là, nhiều nông dân, thương nhân Việt Nam vì lợi ích trước mắt, dù biết rõ những hành vi sai trái, có dụng ý “tận diệt” thị trường nông sản Việt Nam của các thương lái nước ngoài nhưng vẫn tiếp tay cho các đối tượng này. Điều này đã và đang trở thành rào cản đối với các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát các hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định, hiện nay, các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu thông qua hình thức du lịch, rồi sau đó mới thực hiện các hành vi thương mại nên cơ quan quản lý khó có thể phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu. Thậm chí, ông Quyền cho biết, còn có trường hợp đối tượng không trực tiếp sang Việt Nam giao thương mà giao tiền cho một đối tượng trong nước thực hiện các hành vi thương mại. Đây là hình thức không hiện diện hay nói cách khác là “giấu mặt”, rất khó phát hiện, vì “kẻ chủ mưu” không lộ mặt, các cơ quan quản lý không có cách nào bắt quả tang được.
Siết chặt quản lý
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế – Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương, cái khó của các nhà làm quản lý trong việc kiểm soát các thương nhân nước ngoài ở chỗ, họ vào hoạt động tại Việt Nam với quá nhiều loại hình, có thể vào Việt Nam thông qua các hợp đồng lao động, hoặc vào làm việc tại Việt Nam theo hình thức di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, hoặc cũng có trường hợp vào Việt Nam làm việc để thực hiện các gói thầu đã trúng thầu tại Việt Nam… Bởi vậy, để ngăn chặn các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam với dụng ý phá hoại thị trường nông sản, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành. Theo ông Khoa, thời gian qua, chỉ vì thủ tục thiếu sự phối hợp mới dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm. Ví dụ, có trường hợp cơ quan Quản lý thị trường bắt được đối tượng rồi nhưng do thủ tục “Bộ này chờ Bộ kia, cơ quan này đợi cơ quan kia” nên tội phạm tận dụng thời gian trốn về nước và không xử lý được.
Để siết chặt hơn việc quản lý hoạt động của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành cần kết hợp chặt chẽ và sát sao ngay từ đầu mới mong kiểm soát được hoạt động trá hình của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Công thương đề xuất, Bộ Công an phải tăng cường quản lý về công tác xuất nhập cảnh, trong đó có vấn đề nhập cảnh và lưu trú của cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam; kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng hình thức xuất nhập cảnh, lưu trú để từ đó có hoạt động thương mại trái phép, kể cả biện pháp trục xuất và cấm nhập cảnh những lần sau.
Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần chỉ đạo các Sở tăng cường quản lý về công tác sử dụng người lao động nước ngoài tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các cá nhân lợi dụng vào Việt Nam bằng đường du lịch, núp bóng lao động nước ngoài để tiến hành hoạt động thương mại trái phép.
Về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Thoa cho biết, Bộ sẽ sớm xây dựng chương trình xúc tiến thương mại phù hợp để xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nước ngoài, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và cung cấp các thông tin, nhu cầu của đối tác để giúp các thương nhân Việt Nam ký kết hợp đồng mua bán đúng quy định.
Những giải pháp mà Bộ Công thương đưa ra là cần thiết, song theo nhận định của các chuyên gia, về lâu dài, để bảo vệ thị trường nông sản trong nước khỏi những âm mưu phá hoại của giới thương nhân nước ngoài, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hoạt động ổn định, hiệu quả bằng cách xác lập các kênh tiêu thụ chính thức, hoàn thiện cơ chế hợp đồng tiêu thụ nông sản tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.