Thời điểm này, các địa phương có nhiều hộ SXKD cây giống cao su như các huyện Chơn Thành, Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đang rơi vào cảnh khốn khó, vì giá cao su đang rơi tự do.
Nhiều chủ vựa giống đang loay hoay tìm cách bán tháo cây giống để gỡ lại vốn.
Dù đang giữa mùa mưa – dịp cao điểm của mùa trồng rừng và cao su, nhưng nhiều hộ SXKD giống cao su lại rơi vào tình trạng bi đát. Bởi, giống không bán được, tiền đầu tư nằm phơi nắng, nếu có người mua thì giá lại quá thấp nên lỗ nặng.
Theo nhiều chủ vựa giống tại huyện Chơn Thành (Bình Phước) – địa phương ươm cây cao su giống lớn nhất nước, hiện giá giống chỉ còn 2.500-3.000 đồng/stum trần, 5 – 6.000 đồng/stum bầu. Như vậy, so với năm 2011, giá bán chỉ bằng 50%, trong khi các khoản đầu tư SX, nhân công lại tăng cao.
Bà Trần Ngọc Ngoãn, ấp Hòa Vinh II, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành than phiền: “Nhà tôi làm 4 ha stum trần, 1,5 ha stum bầu, đã qua nửa mùa mưa nhưng chưa bán được 1/3 lượng giống. Chỉ riêng tiền vốn đầu tư làm giống hết hơn 600 triệu đồng, nhưng nay mới thu về được 200 triệu đồng”.
Cùng cảnh ngộ, gia đình bà Phan Thị Chung, ở ấp Hòa Vinh II lâu nay làm giống cao su là nguồn thu nhập chính. Năm nay, giá cao su giống rớt liên tục, các hộ xung quanh đang loay hoay tìm đầu mối tiêu thụ, còn bà Chung đang ngần ngại chưa cho ghép cây. Theo bà: “Bán được giống đã bị lỗ vốn, nếu thuê thợ ghép cũng hết 200 – 220 ngàn đồng/ngày công. Tính ra với giá bán 2.500 – 3.000 đồng/stum trần thì không đủ trả công, chưa nói đến vật tư và chi phí khác. Nếu giá giống cao su stum trần bán với giá 4.000đồng/stum mới hoà vốn”.
Cao su hiện đang là cây trồng chủ lực và chiếm vị trí quan trọng trong SX nông nghiệp của Bình Phước nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên nói chung. Khi diện tích được mở rộng thì nhu cầu về giống cao su tăng lên gấp bội, vì thế mà ngành SXKD giống cao su cũng trở nên sốt hơn.
Ông Lê Minh Cư, trưởng ấp Hòa Vinh II, xã Thanh Tâm cho biết: Năm 2011, cả ấp chỉ có khoảng 70% hộ dân làm giống cao su, nhưng năm nay lên tới hơn 90% số hộ. Có thể nói, làm nghề này không ổn định, năm thì thu lãi lớn, năm lỗ nặng. Đã vậy người dân lại làm theo phong trào, thấy lãi thì ồ ạt làm, rồi thi nhau bỏ dở giữa chừng khi rớt giá, khiến các hộ SX giống có thâm niên và kỹ thuật chịu ảnh hưởng theo.
Tháng 7/2011, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã ban hành cơ cấu bộ giống cao su giai đoạn 2011-2015 và được chia thành 3 bảng, với mức độ ưu tiên giảm dần. Theo đó, cơ cấu bộ giống được phận chia theo các vùng, miền khác nhau tùy vào các điều kiện đất đai, khí hậu…Song, các hộ SX giống cao su không tuân thủ theo cơ cấu giống của từng vùng, miền nên dẫn tới tình trạng trên. Bởi thế giống SX ra ít người mua, giá cứ rơi tự do.
“Gia đình tôi từ trước tới nay chuyên làm giống cao su. Năm ngoái làm giống có lãi nên năm tôi mở rộng thêm 5 sào nữa. Hiện gia đình tôi có hơn 1 ha cao su giống, đầu tư hết hơn 300 triệu đồng, nhưng mới bán được một nửa số lượng giống. Năm nay gia đình tôi cầm chắc lỗ đến 100 triệu đồng”- ông Cư ngao ngán.
Không riêng gì huyện Chơn Thành mà ngay cả các huyện Lộc Ninh, Bình Long của tỉnh Bình Phước, năm nay số hộ SXKD giống cao su cũng tăng đáng kể. Cùng với đó là diện tích SX giống cao su cũng tăng lên. Trong đó, nhiều loại cây giống cao su có biểu hiện kháng bệnh kém và khả năng chống chọi với gió, lốc, chịu hạn thấp nên thị trường tiêu thụ chê.
Các vựa giống trong tỉnh Bình Phước hầu hết cung cấp cho đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh ở phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và sang Lào, Campuchia. Nhưng do nhiều số hộ SX nhỏ lẻ, tự phát, không nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, SX ồ ạt, không đúng chủng loại giống phù hợp với nhu cầu các vùng, miền nên khó tìm được đầu ra.