Thông tin về xuất khẩu cà phê Việt Nam

CHẤT LƯỢNG

Theo kế hoạch được Bộ duyệt, ban kỹ thuật về tiêu chuẩn cà phê (TCVN/TC/F16) mà Hiệp hội là cơ quan chủ trì đã hoàn thành việc soát xét một số tiêu chuẩn nhà nước về cà phê và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trình lên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xét duyệt. Ngày 05/11/2001, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có quyết định số 57/2001/QĐ-KHCNMT ban hành 5 bản tiêu chuẩn về cà phê đó là:

  • 1/ TCVN 4193:2001: Cà phê nhân- yêu cầu kỹ thuật
    • (Soát xét lần 3 – Thay thế TCVN 4193: 1993)
    • 2/ TCVN 4334:2001: Cà phê và các sản phẩm của cà phê-Thuật ngữ và định nghĩa
    • (ISO 3509 -1989)     (Soát xét lần 1-Thay thế TCVN 4334-86)
    • 3/ TCVN 4807:2001: Cà phê nhân- Phương pháp xác định cỡ hạt bằng sàng tay
    • (ISO4150-1991)   (Soát xét lần 2- Thay thế TCVN 4807-89)
    • 4/ TCVN 6928:2001: Cà phê nhân – Xác định sự hao hụt khối lượng ở 105oC
    • (ISO 6673-1983)
    • 5/ TCVN 6929:2001: Cà phê nhân-Hướng dẫn phương pháp mô tả các quy định
    • (ISO 9116-1992)

    Trong số 5 tiêu chuẩn trên thì TCVN 4193:2001 có những thay đổi cơ bản trong xếp hạng cà phê, từ chỗ căn cứ vào một vài chỉ tiêu đơn giản chuyển sang xếp hạng theo phương pháp tính số lỗi trong một mẫu cà phê nhân.

    SỐ LƯỢNG & KIM NGẠCH

    Trong vòng 20 năm lại đây ngành cà phê đã có những bước phát triển nhanh chóng vượt bậc đưa sản lượng cà phê tăng lên hàng trăm lần. Chúng tôi đã có dịp đề cập đến vấn đề này khá nhiều lần và nêu rõ nguyên nhân dẫn đến những thành tựu đó trước hết là nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước phù hợp với nguyện vọng của nông dân là làm giàu trên mảnh đất của mình dựa vào sự cần cù lao động của bản thân mình.

    Về nguyên nhân khách quan phải nói rằng đó là do giá cà phê trên thị trường trên thế giới những năm gần đây diễn biến theo hướng có lợi cho người sản xuất, cà phê làm ra bán được giá cao hơn và thu nhập của người nông dân cũng tăng lên đáng kể. Sự kích thích của giá cả cũng đã thúc đẩy cà phê ở Việt nam phát triển nhanh chóng. Và mặt trái của tác dụng đó là dẫn đến sự phát triển vượt các mục tiêu của kế hoạch, ngoài tầm kiểm soát của ngành cà phê.

    Bản kế hoạch đầu tiên về cà phê xây dựng năm 1980 đạt mục tiêu cho ngành cà phê Việt nam chỉ có 180.000 ha với sản lượng 200.000 tấn.

    Sau nhiều lần điều chỉnh con số đó cũng chỉ lên đến 350.000 ha với 450.000 tấn.

    Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Những con số thống kê điều tra vào năm 2000 cho thấy diện tích cà phê cả nước đã lên đến 520.000 ha với sản lượng 900.000 tấn, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 2 thế giới về sản xuất cà phê.

    Đây là một con số gây bất ngờ cho nhiều người kể cả trong ngành cà phê Việt nam. Nó góp một phần đáng kể vào việc cung cấp dư thừa cà phê trên thị trường đẩy giá cà phê đến mức thấp nhất trong thời gian mấy chục năm qua, trong đó ngành cà phê Việt nam chịu nhiều thiệt thòi vì sản lượng càng lớn thua lỗ càng nhiều.

    Xem xét diễn biến của tình hình xuất khẩu cà phê ở Việt nam qua các vụ từ 1995/96 đến 2000/01 có thể thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về lượng xuất khẩu cùng với sự giảm sút nhanh chóng về giá cả.

    Niên vụ Xuất (ha) Đơn giá bình quân (USD/MT)
    1994/95 212.038 2.633,0
    1995/96 221.496 1.815,0
    1996/97 336.242 1.198,0
    1997/98 395.418 1.521,0
    1998/99 404.206 1.373,0
    1999/00 653.678 823,0
    2000/01 874.676 436,6

    Các vụ cà phê từ 1998/99 về trước lượng cà phê xuất khẩu tăng hàng năm không lớn lắm. Nhưng hai vụ 1999/00 và 2000/01 mỗi vụ tăng trên 200.000 tấn tức là tăng khoảng 3,5 triệu bao, và đơn giá xuất khẩu hai vụ này cũng thấp thảm hại, giá vụ sau chỉ bằng xấp xỉ 60% giá vụ trước. Giá bán FOB cảng Việt nam quý III/2001 là 380,8 USD/tấn và quý IV chỉ còn 321USD/tấn nghĩa là chỉ bằng gần một nửa giá thành.

    Tình hình này đem lại cho những người trồng cà phê nhiều khó khăn, nếu kéo dài thì chắc chắn là không chịu đựng nổi. Kết quả tất yếu dẫn đến là nông dân bỏ không chăm sóc và cũng không thu hái sản phẩm để vườn cây suy thoái dần, thậm chí còn chặt bỏ cà phê để trồng cây khác.

    Trước tình hình đó, từ năm 2000 đến nay Chính phủ Việt nam đã đưa ra nhiều biện pháp kể cả biện pháp tài chính huy động ngân sách nhà nước để giúp đỡ nông dân qua khỏi khó khăn như mua cà phê tạm trữ để nâng giá cho nông dân, miễn thuế nông nghiệp cho đất trồng cà phê,, hoãn nợ và tiếp tục cho nông dân vay tiền để chăm sóc vườn cây hoặc trồng cây khác …

    Những sự quan tâm của Chính phủ như thế được nông dân và toàn ngành cà phê hoan nghênh.

    Nhưng dù sao do khả năng tài chính của đất nước có hạn nên cũng còn nhiều khó khăn. Cái quan trọng hơn cả là Chính phủ đã chỉ ra hướng đi cho ngành cà phê và sự điều chỉnh phương hướng là một vấn đề có tầm quan trọng đối với ngành cà phê Việt nam. Cuộc khủng hoảng dư thừa cà phê hiện nay đã tác động rất xấu đến ngành cà phê Việt nam. Tuy nhiên cũng có thể nói là bên cạnh những mặt xấu đó cũng có mặt tốt là chính trong khó khăn này những người làm cà phê mới thấy rõ những thiếu sót tồn tại của mình và từ đó chọn cho mình hướng đi đúng đắn hơn

    Thị trường

    Hiện nay, ở Việt Nam, cà phê là mặt hàng nông sản xuất xuất khẩu có giá trị lớn đứng thứ hai sau gạo. Giá trị cà phê xuất khẩu thường chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Vụ 2000/01 Việt Nam đã xuất cà phê đi 61 nước, trong đó, 10 nước nhập khẩu cà phê đứng đầu gồm:

    10 nước nhập khẩu hàng đầu của ngành cà phê Việt Nam

    STT Tên nước Số lượng (tấn) Trị giá (USD) Tỷ phần so với tổng xuất khẩu (%)
    1 Bỉ 138.603 57.947.984 15,85
    2 Mỹ 137.501 59.371.585 15,72
    3 Đức 134.321 60.054.805 15,36
    4 Tây Ban Nha 73.852 31.666.889 8,44
    5 Ý 62.559 27.796.789 7,15
    6 Pháp 45.998 20.147.381 5,26
    7 Ba Lan 38.155 17.171.839 4,36
    8 Anh 30.153 13.055.058 3,45
    9 Nhật 26.905 13.274.686 3,08
    10 Hàn Quốc 26.288 11.310.104 3,01
    Bình luận

    Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    Tin đã đăng