Bình Phước sốt dây tiêu giống

Cùng với cao su, tỉnh Bình Phước nổi lên là vùng trồng tiêu có chất lượng cao. Giá hồ tiêu đang ở mức cao gấp ba lần giá cà phê, nên người dân ở các tỉnh Ðắk Lắk, Đắk Nông… đổ xô về Bình Phước mua giống dây hồ tiêu về trồng, mong thu lãi lớn.

Chưa kịp chín đã cắt dây bán

Đến xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, một trong những vùng trồng tiêu lớn nhất Bình Phước sẽ dễ dàng thấy được hàng trăm nông dân đang tích cực trồng cây tiêu trên đất mới khai hoang và diện tích cà phê già cỗi. Năm 2011 các loại nông sản từ mỳ, cao su, điều… đều rớt giá và khó bán, chỉ có giá hồ tiêu vẫn giữ mức cao.

Năm ngoái, giá tiêu tăng cao, có thời điểm lên 170.000 đ/kg tiêu đen. Hiện nay, giá tiêu đen nông dân Lộc Ninh bán được 135.000 đ/kg, nhưng nếu so với giá bình quân của năm 2011 thì vẫn cao hơn 5.000-10.000 đ/kg.

Ông Trương Văn Khánh, người có thâm niên hơn 10 năm trồng cà phê cũng đã phá 2 sào đất của gia đình để trồng tiêu, chia sẻ: Giá tiêu đang cao gấp ba lần cà phê nên gia đình tôi cũng phải chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập. Vừa rồi, tôi phá 200 cây cà phê, sẽ đủ đất trồng 400 trụ tiêu, mong cây tiêu mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Cơn sốt trồng tiêu nhanh chóng để thu lợi khiến giá dây tiêu giống tăng chóng mặt, khiến các cơ sở cung cấp giống uy tín không đáp ứng kịp nhu cầu. Tình thế đã khiến các nguồn giống ươm nuôi tự phát được dịp “lên ngôi”. Nhiều người trồng tiêu mới đến năm thứ hai, thứ ba đã cắt dây tiêu làm giống đem bán, thu lợi ngay, không chờ đến ngày cây cho quả.

Chị Nguyễn Thị Hiệp ở ấp 54, xã Lộc An cho biết: Mới đầu mùa mưa gia đình chị đã đón hàng chục người từ Đắk Lắk, Đắk Nông đến hỏi thăm mua dây tiêu. Chị Hiệp và nhiều hộ ở ấp 54 tiếc nuối vì chỉ bán giống tiêu với giá 250.000 đ/trụ (mỗi trụ bình quân 10-15 dây), nhưng chỉ mấy ngày sau giá đã tăng lên 300.000 đ/trụ giống tiêu Vĩnh Linh và 350.000 đ/trụ với giống tiêu Trung.

Năm 2010, khi giá tiêu bắt đầu tăng, gia đình chị Hiệp trồng tiêu trở lại với 700 nọc. Mùa mưa 2011, chị cắt dây mở rộng thêm diện tích với 600 nọc nhưng vẫn dư giống, bán được 80 triệu đồng. Năm nay, tuy bán giống rẻ nhưng gia đình chị Hiệp vẫn thu được 150 triệu đ/600 tụ tiêu trồng năm trước.

Anh Điểu An, Phó chủ tịch HND xã Lộc An lo lắng: Lộc An là xã có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh với hơn 750 ha. Từ năm 2011 đến nay, thị trường giống dây tiêu ở Lộc An trở nên sôi động, càng khuyến khích nông dân trồng tiêu bán giống năm đầu ở bất cứ diện tích đất trống nào.

Những hệ lụy khó lường

Trong khi nhiều hộ dân hồ hởi lao vào trồng tiêu bằng mọi giá, thì lại đang có hàng nghìn hộ khác lo lắng vì tiêu chết hàng loạt. Cây tiêu có thể giúp nhiều gia đình trở thành tỷ phú, nhưng cũng khiến không ít hộ trắng tay, nhất là hộ trồng tiêu ít kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về KH-KT. Ông Hoàng Sánh, Phó chủ tịch HND xã Lộc Thiện băn khoăn, nguồn giống không đạt chất lượng là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho người trồng tiêu, bởi nó tiềm ẩn mầm mống của nhiều loại bệnh hại.

Nếu trồng phải loại giống nhiễm bệnh, người trồng tiêu sẽ không chỉ bị thiệt hại hoàn toàn mà còn khiến bệnh có cơ hội lây lan sang những diện tích chung quanh. Đây cũng là nỗi lo cho ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vì vẫn chưa có quy hoạch khu vực nào trồng tiêu có hiệu quả nhất và loại loại tiêu nào thích hợp để trồng.

Bên cạnh việc sốt giống dây tiêu là nọc trồng. Hiện nay, nọc gỗ (nọc lục) giá rất cao, 180.000-200.000 đ/nọc nhưng khan hiếm. Nếu có vốn đầu tư trồng bằng nọc gỗ lục thì mỗi trụ mất khoảng 350.000 đồng. 1 ha trồng 2.000 nọc tiêu, vốn đầu tư ban đầu lên tới 700 triệu đồng, chưa kể tiền đất, nhưng khi tiêu chết vẫn bán lại nọc gỗ để thu hồi vốn. Nếu trồng bằng nọc giả rồi thay dần bằng nọc sống thì đầu tư ban đầu là 100.000-120.000 đ/trụ. Hiện nay, người trồng tiêu chủ yếu dùng nọc giả (nọc bằng gỗ tạp xẻ mỏng), sau đó thay dần bằng nọc sống cây keo hoặc vông.

Trồng tiêu bằng nọc sống giá thành thấp hơn nhưng cũng nhạy cảm với các bệnh lây từ nọc qua tiêu. Và nếu tiêu rớt giá trong thời điểm phân bón, công lao động tăng cao, nông dân không đủ sức đầu tư tái SX thì vườn tiêu sẽ nhanh chóng trở thành hoang hóa, người trồng rơi vào cảnh nợ nần phá sản.

Việc chạy theo cái lợi trước mắt không tính đến hệ lụy về sau có thể khiến các hộ trồng hồ tiêu đối diện với nhiều nguy cơ như chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thị trường, lặp lại tình trạng được mùa mất giá, và khi đó, gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn chính là người nông dân, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng canh tác tự phát, không tuân thủ quy hoạch bền vững này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đạt

    Hiện tại ở Gia Lai đặt cọc giá 30.000 đồng/1 dây. Cứ đà này thì 1 vài năm nữa giá tiêu sẽ lại rớt thôi. Ở khu vực mình ở ước tính có đến khoảng 70% hộ dân phá cà phê để trồng tiêu. Nhà ít nhất cũng trồng khoảng 200 trụ. Cá biệt có nhà trồng 2-3000 trụ.

Tin đã đăng