Tây Nguyên, mùa cà phê… chưa vui

Người trồng cà phê ở Tây nguyên không mấy vui vì mùa này xem ra bị mất khá nặng và giá bán cà phê vẫn chưa được giá…

Nỗi lo trên rẫy cà phê…

Vườn cà phê 8 sào của chị Trang (nhà ở xã Hòa Hiệp, huyện Krông Ana) đã thu hoạch xong. Vạt sân rộng trước ngôi nhà xây ven quốc lộ 27 của chị phơi kín cà phê tươi vừa hái từ rẫy về. Vài chục bao cà phê xếp chật gian nhà. Nhưng chị Trang không vui, chị lo lắng nói: “Năm ngoái thu được 4 tấn cà phê nhân, năm nay giỏi lắm chỉ được 2 tấn. Đã vậy chi phí đầu tư năm nay lại tăng gấp đôi”. Đang rộ vụ thu hái cà phê nên công hái khá cao, đến 25.000 đồng/ngày công. Chị Trang phải thuê 12 người hái liên tục trong một tuần cho xong dù vẫn còn một nửa số cà phê hái về còn xanh, để lâu ngoài rẫy sợ bị mất trộm. Hái xong rồi phải lo đến nước tưới cho rẫy cà phê. Đang mùa hạn nên phải tưới nhiều, công tưới cũng đến 25.000 đồng/giờ.

Bao nhiêu thứ tiền trông vào những bao cà phê vừa hái về mà giá mua của các công ty xuất khẩu chỉ ở mức 8.800 – 9.900 đồng/kg, dù đã tăng cả 1.500 – 2.600 đồng/kg so với đầu tháng mười một, nhưng so với giá thành 8.000 – 9.000 đồng/kg của vụ mùa này thì chưa có lời là bao. “Giá thấp cũng phải bán, nếu không chăm năm sau không có mà ăn”, chị Trang nói. Cũng may vụ trước giá có lúc lên trên 10.000 đồng/kg nhân, chị bán một ít cà phê gầy được bầy heo 20 con chứ không thì tiền mua sắm tết này không biết trông vào đâu!

Còn 4 sào rẫy cà phê của anh Chấp (cũng ở xã Hòa Hiệp) chỉ thu được 4 tạ nhân. Rẫy cà phê mất mùa, sau vụ thu hoạch anh Chấp phải lên Buôn Ma Thuột chạy xe ôm đưa khách về các huyện kiếm thêm mỗi ngày vài chục ngàn. “Mùa thu hoạch này người trồng cà phê chúng tôi có mấy cái lo. Cái lo đầu tiên là giá mua cà phê thấp. Cái lo kế đến là mất mùa nặng. Thu hái rồi phải lo nước tưới, mà hồ trữ nước quanh đây thì cạn kiệt”, anh Chấp thở dài.

Nhà nào cũng than phiền về chuyện mất mùa. Vườn mất ít thì 30%, mất nhiều phải đến 50%. Y Wân Niê (y tiếng dân tộc Êđê nghĩa là anh), đội trưởng đội buôn Jung thuộc Công ty cà phê Phước An (huyện Krông Păk), cho biết: “Đội sản xuất này toàn là bà con dân tộc Êđê mình hết. Vụ này cà phê mất mùa khá nặng, thu nhập của mỗi hộ trên rẫy cà phê nhận khoán coi như giảm 25-30% so với mùa trước, nhưng được cái đội mình không ai thiếu đói cả. Vì ngoài rẫy cà phê nhận khoán của công ty, bà con còn làm thêm rẫy cà phê trong rừng, ruộng lúa”.

Đội sản xuất của y Wân Niê có 78 hộ đồng bào Êđê nhận chăm sóc rẫy cà phê khoán, mỗi hộ 0,5-1ha. Thu nhập từ rẫy cà phê cho cả vụ này khoảng 7 triệu đồng/hộ. Riêng y Wân Niê đã hái xong rẫy cà phê rộng 1ha trên rừng, qui ra cà phê nhân khoảng 3 tấn, nhưng anh cũng khá ưu tư khi nói về dự định từ số cà phê vừa thu hái: “Tiền bán cà phê năm nay để dành đầu tư thêm rẫy cà phê chứ không mua sắm nữa. Mà mình cũng chưa bán vội đâu, giá đang thấp, bán lỗ công chăm sóc…”. Nhiều hộ trồng cà phê ở xã Ea Yong, huyện Krông Păk thu hái xong gửi cà phê vào kho của Công ty cà phê Phước An, rồi xin ứng tiền trước để có tiền trả nhân công thuê hái cà phê, chi tiêu hằng ngày.

Các doanh nghiệp cà phê cũng ưu tư

Giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Păk) Nguyễn Xuân Thái buồn bã: “Rẫy công ty bị mất cả ngàn tấn cà phê nhân. Tiến độ thu hoạch cũng chậm, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Hạt nhỏ kéo theo chất lượng giảm. Vụ năm ngoái tỉ lệ hạt cà phê cỡ lớn bán được giá nhất (robusta loại 1- R1) chiếm 50-55%, năm nay giảm còn 30%. Như vậy chắc chắn sản lượng cà phê xuất khẩu năm nay sẽ giảm mạnh”. Các công ty xuất khẩu cà phê lớn của Đắc Lắc mọi năm vào thời điểm thu hoạch rộ này đã xuất khẩu được 5.000 – 10.000 tấn, nhưng đến giờ vẫn chưa xuất bán được tấn nào.

“Hạn hán khiến sản lượng năm nay chỉ độ 3.600 tấn quả tươi so với 6.000 tấn năm ngoái. Chất lượng hạt cũng kém hẳn, hạt nhỏ, màu hạt nhợt nhạt chứ không có màu cánh gián như mọi năm do bón phân không đủ”, giám đốc Công ty Cà phê 52 (huyện Ea Kar) Thái Văn Quế lo lắng. Cả hệ thống xát quả cà phê tươi công suất 8 tấn/giờ không hoạt động được do không đủ cà phê và không có nước để xát.

Rẫy cà phê của Công ty cà phê Phước An trái chín trĩu cành, tốt tươi là thế mà cũng mất khoảng 3.000 tấn quả tươi trên sản lượng dự kiến 25.000 tấn. Tính theo giá thị trường mất hơn 6 tỉ đồng! Giám đốc Trần Minh Thụy lo lắng: “Đáng báo động là tình trạng hái quả xanh do người dân sợ để cà phê chín ngoài rẫy sẽ bị hái trộm, làm chất lượng hạt cà phê nhân thành phẩm rất kém, giá sẽ bị kéo xuống thấp. Năm ngoái giờ này công ty mua cả chục ngàn tấn để xuất khẩu, giờ mới chỉ mua được vài chục tấn”.

Điều lo ngại của những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê như Phước An là nguồn tài chính quá hạn hẹp, hoàn toàn phụ thuộc các ngân hàng, nên dễ bị các doanh nghiệp thương mại nước ngoài đầu cơ làm giá. Tâm lý hiện nay của cả doanh nghiệp lẫn người trồng cà phê là mua vào, trữ hàng, chờ giá lên mới bán. Nhưng nguồn vốn của doanh nghiệp lại lệ thuộc ngân hàng, đến hạn trả nợ phải bán ra nên doanh nghiệp không thể chủ động để điều tiết lượng cà phê lưu thông cũng như giá mua bán cà phê trên thị trường.

Làm gì để đẩy giá cà phê lên? Đó là câu hỏi lớn cho ngành cà phê đã nhiều năm. Ông Vân Thành Huy, chủ tịch Vicofa, phân tích: “Giá thấp do nhiều nguyên nhân: sản lượng cung vượt cầu, các quĩ đầu cơ làm giá, chất lượng hạt cà phê thấp…”. Ông Huy cho rằng cần cải tiến chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế, đồng thời cũng phải giảm bớt giá thành.

Trong bài toán giá thành có việc đổi mới công nghệ sản xuất cà phê. Cả nước hiện có khoảng trên 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, tạo ra tình trạng tranh mua, tranh bán, dễ bị khách nước ngoài ép giá. Khâu tổ chức thu mua trong nước chưa tốt nên đầu vụ nhiều hộ dân phải bán vội cà phê với giá thấp để trang trải chi phí, cộng với thu hái quả xanh nên cà phê bán ra bị ép giá. Hệ thống đại lý thu mua cà phê chiếm phần lớn là tư nhân, nếu giá cả thị trường biến động mạnh dễ dàng thua lỗ theo dây chuyền từ đại lý tới các nhà xuất khẩu.

Chợ giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đang được chuẩn bị ráo riết để đi vào hoạt động cuối năm 2005 đang được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những yếu kém của hệ thống thu mua cà phê trong nước, để không còn những vụ cà phê mất giá: “Tình hình giá thấp hiện nay Vicofa xác định càng phải tăng tốc tiến trình tham gia thị trường kỳ hạn cà phê, sớm tổ chức sàn giao dịch cà phê, sử dụng những công cụ phòng chống rủi ro để nâng giá lên”, ông Huy nói. Nhưng trước mắt, người nông dân Tây nguyên vẫn phải chịu thêm một vụ cà phê nữa “không vui”.

Theo ông Vân Thành Huy, chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), vụ mùa đang thu hoạch ước sản lượng đạt khoảng 750.000 tấn trên diện tích 450.000 ha của cả nước. Giá cà phê thấp khiến người trồng cà phê không còn hăm hở chăm sóc vườn cà phê nữa. Như vậy sản lượng vụ mùa 2005-2006 tiếp tục giảm.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng