Kinh tế châu Á đang phục hồi, nhưng liệu có bền vững?

CAFEF_233349562Tăng trưởng ở các quốc gia như Trung Quốc khiến các nước khác thèm muốn, nhưng khoản chi tiêu công khổng lồ và sự phụ thuộc vào người tiêu dùng phương Tây đang cảnh báo xu hướng này có thể không bền vững.

Nền tảng cho phục hồi chưa ổn

Châu Á đang từng bước bảo vệ các nền kinh tế của mình khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu khác khi họ đang trên đường phục hồi từ cuộc suy thoái hiện nay.

Trong bối cảnh các quốc gia như Trung Quốc và Singapore đạt mức tăng trưởng kinh tế khiến các nước khác phải thèm muốn sau khi bị tác động mạnh bởi suy thoái, các nhà hoạch định chính sách cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp của châu Á đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào người tiêu dùng phương Tây.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt con số ấn tượng 7,9%/năm trong quý II/2009, mở ra tia hy vọng rằng châu Á sẽ là khu vực đầu tiên trên thế giới phục hồi sau khủng hoảng. Người phát ngôn Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Lý Tiểu Triều cho biết: “Kinh tế đang phục hồi và tốc độ phục hồi đang tăng”.

Tuy nhiên, ông Lý tỏ ra thận trọng khi nói rằng Trung Quốc chưa hoàn toàn thoát khỏi những khó khăn kinh tế. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố kết quả tăng trưởng GDP nói trên, ông nhấn mạnh: “Những khó khăn và thách thức đối với phát triển kinh tế hiện nay vẫn rất nhiều. Nền tảng cho phục hồi kinh tế chưa ổn định”.

Bên cạnh con số tăng trưởng vượt quá mọi dự báo của Trung Quốc, Singapore cũng đạt mức tăng trưởng GDP gây sửng sốt là 20% trong quý I/2009; Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng đã thay đổi dự báo rằng GDP sẽ chỉ giảm một mức rất khiêm tốn là 1,6% trong năm 2009 trước khi “bật dậy” vào năm 2010; và các chỉ số cho thấy nền kinh tế Nhật Bản – vốn rơi vào thời kỳ suy thoái tệ nhất từ sau thế chiến thứ hai – cũng đã chạm đáy.

Sự kết hợp của nhập khẩu tăng ở Trung Quốc (chủ yếu là nguyên liệu đầu vào và hàng hóa trung gian dùng cho sản xuất) và tiêu dùng được cho là đã giúp đưa các nền kinh tế khu vực trở lại đúng đường.

“Ai cũng đánh giá cao sức bật ngoạn mục của Trung Quốc. Họ đang có một sức nặng lớn chưa từng thấy trên trường quốc tế, và thật lòng mà nói tăng trưởng của họ đang đẩy tăng lượng cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nơi khác”. Đó là nhận định của ông David Cohen, Giám đốc Trung tâm dự báo hành động kinh tế của châu Á, có trụ sở tại Singapore.

Tuy nhiên, nhiều người cảnh báo rằng nền kinh tế theo định hướng nhà nước ở Trung Quốc và các chương trình chi tiêu công khổng lồ dành cho cơ sở hạ tầng của họ, bên cạnh các khoản vay ngân hàng lãi suất cao, cho thấy mức tăng trưởng này không bền vững nếu lượng cầu tiêu dùng trong và ngoài nước không tăng.

Các khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc trong năm nay dự báo sẽ đạt con số kỷ lục là 9 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.470 tỷ USD), số tiền này được các công ty dùng để đầu tư vào trang thiết bị mới và trả lương công nhân, nhằm tránh rơi vào nguy cơ phải ngừng sản xuất. Lượng tiền vay khổng lồ này cũng làm gia tăng mối lo ngại rằng các khoản nợ xấu có thể đảo ngược sự phục hồi của Trung Quốc.

Nói một cách cụ thể hơn, lượng cầu tiêu dùng ở Mỹ giảm đòi hỏi các chính phủ và công ty châu Á phải phát triển các thị trường trong nước và các nền kinh tế địa phương thay vì tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nhằm tránh rơi vào các đợt suy thoái trong tương lai.

Thị trường khu vực là chỗ dựa vững chắc
Các cố gắng trong khu vực này đã được thúc đẩy, như phát triển tuyến đường sắt giữa Thái Lan và Lào, hay các cố gắng thúc đẩy giao thương nội khu vực, thậm chí giữa hai tình địch truyền thống là Trung Quốc và Nhật Bản.

“Đối với các nền kinh tế khác ở châu Á, sự tăng trưởng thực sự mạnh của lĩnh vực nhập khẩu ở Trung Quốc là một tin tốt lành”. Đó là nhận định của ông Shen Minggao, chuyên gia kinh tế cấp cao của tạp chí doanh nghiệp Caijing có trụ sở tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ mất nhiều năm để gắn kết một hệ thống để thay thế sự phụ thuộc vào các trao đổi thương mại với phương Tây.

“Chúng ta nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong khi phát triển và mở rộng thị trường nội địa”, Akira Kojima, thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, nhận định. “Về dài hạn, dần dần Trung Quốc và khu vực châu Á có thể trở thành một động cơ cho tăng trưởng toàn cầu, không phụ thuộc vào cỗ máy xuất khẩu”.

Hàn Quốc cũng đã đi đầu trong việc thắt chặt quan hệ giữa Đông Á với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phát triển các hiệp định thương mại tự do với từng thành viên khối này.

Mọi việc đang được tiến hành nhằm tạo điều kiện cho trao đổi hàng hóa giữa các nước, ban đầu tập trung nối kết giữa Trung Quốc và các láng giềng phía Nam theo mô hình Con đường Tơ lụa bằng đường sắt và quốc lộ.

Trung Quốc đã thông báo các kế hoạch thành lập quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, bên cạnh các dự án nâng cấp đường xá hiện nay dành cho các chuyến xe hàng giữa các tỉnh miền Nam nước này với phần còn lại của Đông Nam Á.

Và tháng trước, Thái Lan, Lào và Việt Nam đã nhất trí cho phép các xe chở hàng đi qua ba nước không cần dỡ hàng và kiểm tra, tạo điều kiện rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển.

Các dự án nâng cấp đường sắt cũng đang được tiến hành trong khuôn khổ Tuyến đường sắt xuyên Á, kế hoạch kéo dài nhiều thập kỷ được coi như một đường nối quan trọng cho lưu thông hàng hóa và người. Hồi tháng Ba, Lào và Thái Lan cũng đã mở tuyến đường sắt đầu tiên nối hai nước đi qua sông Mê công.

Nguyễn Thịnh
Theo TuanVietNam/Global  and mail

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng