Trong những năm gần đây, việc liên kết trồng cao su thay thế dần một số loại cây trồng khác kém hiệu quả tại các tỉnh Tây Nguyên tuy mới ở dạng thí điểm, song hứa hẹn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho việc chuyển đổi cây trồng ở khu vực này.
Điển hình là xã Ea Riêng, huyện M’Drak, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thí điểm mô hình này, bước đầu mở ra hướng đi mới mang lại triển vọng mới cho bà con nông dân. Là xã vùng III, Ea Riêng có 1.521 hộ dân, với 446 hộ nghèo và cận nghèo, định cư tại 20 thôn buôn. Đời sống kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, cà phê, lúa nước và hoa màu các loại.
Do điều kiện đất đai, khí hậu kém thuận lợi, hàng năm phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, lũ lụt nên năng suất cây trồng khá thấp (thấp hơn năng suất trung bình của các loại cây trồng trong tỉnh từ 20% đến 30%).
Đặc biệt là cây cà phê, trồng từ những năm 1980 (được xem là cây trồng chủ lực của xã), với tổng diện tích trên 1.000 ha, trong đó có 500 ha người dân trồng liên kết với Công ty TNHH một thành viên 715A (Công ty 715A) đóng tại địa phương, theo kế hoạch phấn đấu năng suất từ 1,5 tấn đến 2 tấn nhân/ha, song những năm gần đây, chỉ đạt khoảng 1 tấn nhân/ha.
Ông Phạm Đình Nhu-Chủ tịch UBND xã Ea Riêng cho biết, để từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao năng suất cây trồng, địa phương thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông-Khuyến lâm, Phòng Nông nghiệp huyện M’Drak, đưa các giống cây mới như lúa cao sản, bơ, điều, ca cao… năng suất, chất lượng cao về cho bà con ứng dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay thế dần những diện tích cà phê già cỗi, tuy nhiên, hiệu quả vẫn thấp, cây phát triển chậm, việc ra hoa đậu quả ít. Qua quá trình nghiên cứu của các chuyên gia ngành nông nghiệp huyện M’Drak và tỉnh cho thấy, điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương khá phù hợp với cây cao su, bởi địa hình ít dốc, tầng đất sâu, bề mặt dễ thoát nước…
Bên cạnh đó, từ thực tế thành công tại địa bàn xã Ea M’Doal gần kề, Công ty 715C đã thực hiện trồng gần 200 ha cao su liên kết với bà con địa phương từ năm 2006, đang cho thu hoạch tốt, đầu ra sản phẩm khá ổn định, với giá mủ trên thị trường thời gian qua dao động từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg thì mỗi ha có thể thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Vì vậy, đầu năm 2010, Công ty 715A đã thống nhất với chính quyền địa phương và người dân trồng cà phê liên kết thực hiện phá bỏ một số diện tích cà phê già cỗi trồng thí điểm 30 ha cao su.
Việc trồng liên kết được Công ty 715A đầu tư 100% về cây giống, đất, phân bón, kỹ thuật… bà con liên kết chỉ bỏ công chăm sóc, khi cây cao su bước vào giai đoạn kinh doanh thì lợi nhuận ăn chia theo thỏa thuận hợp đồng. Chưa hết, dù chuyển đổi sang cây cao su nhưng bà con vẫn có thể trồng xen các loại cây trồng họ đậu khác như đậu đỗ, lạc… trong lô cao su khi cây chưa phát tán, đem lại lợi nhuận kinh tế thiết thực cho bà con mà không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cây cao su.
Ông Nguyễn Thành Mượu-Giám đốc Công ty 715A cho biết, việc thí điểm trồng cao su là bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính chất quyết định của đơn vị cũng như đối với địa phương, được chính quyền sở tại và người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, tạo tiền đề cho nhiều hộ dân khác thực hiện trồng cao su với quy mô lớn trong thời gian sắp tới. Ông Mượu khẳng định: Đến hết năm 2014, toàn bộ 500 ha cà phê của Công ty đang trồng liên kết với người dân sẽ được thay thế bằng cây cao su.
Nếu dự án thành công thì không chỉ sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho những hộ trồng liên kết, mà còn tạo điều kiện việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Chưa hết, khi bà con trong xã chuyển sang trồng cao su, sẽ được Công ty 715A hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăm sóc, và nhận bao tiêu sản phẩm mủ sau này. Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, hứa hẹn sẽ mở ra một Ea Riêng với diện mạo mới đầy phát triển.
Hay nhỉ? Chuyện của Cty 715A ở huyện M’Drak, Đăk Lăk mà báo Gia Lai đăng. Thế là thế nào? Có nhầm không vậy Y5?
Tôi thấy đâu có gì lạ đâu anh?
Vậy theo anh báo Gia Lai thì không được viết bài về tỉnh Đăk Lăk à?