Giá phân bón bắt đầu hạ nhiệt

Hiệp hội phân bón cho biết tình trạng sốt giá phân bón vừa qua là do chịu ảnh hưởng của giá phân thế giới nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, Tổng giám đốc công ty phân bón Bình Điền, cho biết trong những ngày qua phân bón bị sốt giá là do bị ảnh hưởng của thị trường thế giới.

Phân urê nhập khẩu: lượng giảm, giá tăng

Phân urê là một trong những loại phân bón được nhập khẩu nhiều nhất trong các năm trước. Nhưng bước sang năm 2012, nhờ có các nhà máy đạm Cà Mau và Ninh Bình đi vào hoạt động, nhập khẩu phân urê từ đầu năm đến 15-6 -2012 đã giảm mạnh xuống còn gần 170.000 tấn, chỉ bằng một nửa so với mức 348.000 tấn cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, giá nhập khẩu của mặt hàng này trong tháng 6 lại tăng khá mạnh, lên đến 461 đô la Mỹ/tấn so với 300 đô la Mỹ/tấn của cùng kỳ năm 2011 do ngành nông nghiệp của các quốc gia lớn trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc… cùng vào vụ sản xuất các cây lương thực chính.

Theo ghi nhận của PV, trong thời gian qua, giá phân bón tại các tỉnh ĐBSCL liên tục “nhảy” và có lúc vượt mức 600.000 đồng/bao 50 kg đối với phân urê, dù nguồn cung không có dấu hiệu khan hiếm. Do vậy, đã có những nghi ngờ về việc giá phân bón tăng cao không loại trừ khả năng doanh nghiệp kinh doanh đang làm giá.

Một số đại lý vật tư nông nghiệp (cấp 1) tại Tiền Giang đã có lúc phân phối đến nông dân trồng lúa với mức giá tăng từ 60.000 – 100.000 đồng/bao so với mức giá hồi đầu vụ hè thu rồi. Đặc biệt, tại những đại lý cấp 2 ở các tỉnh ĐBSCL, giá phân urê có loại đã vượt 600.000 đồng/bao 50 kg và các loại phân chuyên dùng (NPK) cũng được đội giá thêm lên từ 20.000 – 30.000 đồng/bao.

Giá phân bón
Giá phân bón tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm nhẹ sau một thời gian tăng

Sốt giá phân bón cục bộ

Lý giải nguyên nhân giá phân bón sốt giá trong thời gian qua, nhiều đại lý, doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, giá phân bón phân phối từ nhà máy về kho doanh nghiệp tăng mạnh, chi phí vận chuyển, nhân công cũng tăng cao nên bắt buộc giá bán phải tăng theo.

Trả lời báo chí gần đây, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí, nơi đang sản xuất lượng phân đạm lớn cung ứng cho thị trường cả nước, cho biết tình trạng sốt giá xảy ra cục bộ ở một số địa phương trồng lúa do các doanh nghiệp đã không còn nhập khẩu phân urê trong các tháng đầu năm, đến khi nhu cầu đột biến khi bước vào vụ hè thu đã xảy ra tình trạng như trên.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 5-2012 đạt 236.000 tấn, đưa tổng lượng phân bón nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn so với 1,3 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh yếu tố tăng theo giá thế giới, giá phân bón tăng vào thời điểm đầu vụ hè thu, theo ông Phong còn do nguyên nhân nông dân đổ xô đi mua, một số đại lý đã tranh thủ nâng giá kiếm lời. “Nhu cầu tăng đột biến, trong khi phương tiện vận chuyển hạn chế, cước vận chuyển tăng đã dẫn đến giá tăng như vừa qua”, ông nói.

Ông Phong dẫn chứng trong những ngày gần đây công ty bán ra 2.000 tấn phân/ngày nhưng vẫn không đủ cung ứng cho các đại lý và nông trường có cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh ĐBSCL. Tình trạng trên không xảy ra đối với phân bón ở một số khu vực trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, theo ông Phong.

Ông Phong cũng cho biết nguồn cung phân bón trong năm nay vẫn rất dồi dào, chứ không hề khan hiếm nên khả năng sốt “khi vụ hè thu đã gần đến giai đoạn thu hoạch, giá phân đã bắt đầu giảm nhẹ”, ông dự báo.

Giá phân đạm tại ĐBSCL bắt đầu hạ nhiệt

Sau khi tăng “nóng” trong nửa đầu tháng 6, giá phân đạm (urê) bán lẻ tại các tỉnh ĐBSCL bất ngờ hạ nhiệt, với mức giảm khoảng 10.000 đồng/bao 50 kg.

Hiện giá phân urê được đại lý cấp 1 tại các tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… phân phối đến người nông dân có giá dao động từ 530.000 – 570.000 đồng/bao 50kg.

Cụ thể, giá bán lẻ phân đạm tại đại lý vật tư nông nghiệp (đại lý cấp 1) Hai Chiến xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang có giá 570.000 đồng/bao đối với sản phẩm phân đạm Phú Mỹ, giảm 10.000 đồng/bao so với mức giá cách đây mấy ngày. Phân đạm của nhà máy đạm Cà Mau và phân đạm Trung Quốc cũng đồng loạt giảm với mức tương tự và được bán với giá lần lượt là 540.000 và 530.000 đồng/bao.

Trong khi đó, giá phân đạm tại các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp (cấp 2) cũng đã hạ nhiệt trở lại nhưng vẫn còn cao hơn giá bán tại đại lý cấp 1 từ 20.000 – 50.000 đồng/bao (tùy nơi).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá phân đạm được các đại lý vật tư nông nghiệp (đại lý cấp 1) tại thị trường An Giang phân phối đến người tiêu dùng cũng giảm từ 300 – 500 đồng/kg. Cụ thể, phân đạm Phú Mỹ có giá bán 11.500 đồng/kg; phâm đạm Trung Quốc có giá 10.600 đồng/kg.

Giới kinh doanh phân bón cho rằng, giá phân đạm tăng mạnh trong thời gian qua một phần là do sốt giá ảo, té nước theo những biến động của thị trường phân bón thế giới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dân quyền

    Xin cho tôi hỏi: Tại sao các nước sản xuất những sản phẩm trên thế giới, cụ thể là phân bón, xe cộ, máy bay v.v… người ta định giá ra để bán sản phẩm, còn nước mình sản xuất ra cái gì cũng phải “xin” giá của người ta? Mà có đời nào người mua lại thích mua giá cao?

    Theo tôi nghĩ, giá cả trên thị trường phản ảnh cung cầu, và một cuộc chiến cân não giữa người mua (muốn bỏ ít tiền nhất, lấy được nhiều hàng nhất), và kẻ bán thì ngược lại (lấy được nhiều tiền nhất), nên ngoài yếu tố cung cầu (chính) họ còn nhồi giá (lên, xuống) kéo dài giá thấp lúc người bán cần tiền, hoặc mua bán kỳ hạn để ép vào tầng lớp trung gian (đại lý) và còn rất nhiều chiêu để đạt mục đích “bỏ ít tiền nhất mà lấy được nhiều hàng nhất”…

Tin đã đăng