Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Ðăk Nông

Trong những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi do Hội Nông dân Việt Nam phát động đã và đang lan tỏa mạnh mẽ khắp các vùng nông thôn tỉnh Ðăk Nông.

Từ phong trào này, nhiều nông dân đã đổi mới tư duy làm kinh tế, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chăn nuôi, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình.

Những nông dân nghèo trở thành tỷ phú

Năm 1998, anh Nguyễn Văn Chu đưa vợ con từ quê hương Nam Ðịnh vào lập nghiệp tại buôn Srê Ú, xã Ðăk Nia, thị xã Gia Nghĩa. Với số vốn dành dụm mang theo chỉ đủ mua hai ha đất trống, anh phải vay mượn mua cây giống trồng 1,5 ha cà-phê và 0,5 ha hồ tiêu. Ðến năm 2003, khi cây cà-phê cho thu hoạch đúng vào lúc giá giảm mạnh chỉ còn 4.000 đồng/kg khiến anh lỗ nặng.

Trăn trở, suy nghĩ tìm hướng làm ăn mới, nhất là sau khi tham gia các cuộc hội thảo do Hội Nông dân thị xã tổ chức, anh nhận thấy đất đai ở địa phương toàn đồi dốc nhưng còn rộng, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp với loại cây ăn trái. Vì vậy, anh đã tìm đến các mô hình trồng cây ăn trái trong và ngoài tỉnh để học hỏi kỹ thuật; đồng thời đầu tư mua giàn máy vi tính để vào mạng tìm hiểu thêm kỹ thuật và thị trường. Năm 2007, anh quyết định triển khai mô hình trồng cam, quýt với diện tích 1,5 ha.

Với bản chất ham học hỏi và được sự giúp đỡ nhiệt tình của Hội Nông dân xã, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ðăk Nông), sau ba năm chăm sóc, vườn cam, quýt phát triển khá tốt. Trong hai năm gần đây, bình quân mỗi năm anh thu được 90 tấn cam, quýt, với giá bán 20 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh thu về 1,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, anh còn thu được năm tấn cà-phê nhân, 1,5 tấn tiêu hạt, 20 tấn bắp (ngô)… Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi hơn một tỷ đồng/năm. Anh Chu tâm sự: “Tuy đất đai ở đây toàn đồi dốc, nhưng biết tính toán và chịu khó làm ăn thì làm giàu không khó“.

Nông dân làm kinh tế giỏi
Anh Nguyễn Văn Chu, buôn Srê Ú, xã Ðác Nia, thị xã Gia Nghĩa chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Ở huyện vùng sâu Ðăk R’lấp, lâu nay nông dân chỉ tập trung trồng các loại cây công nghiệp như cà-phê, hồ tiêu, điều, cao-su và chăn nuôi heo (lợn). Ðây là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, giá cả lên xuống thất thường… khiến cho việc phát triển kinh tế thiếu bền vững.

Trước tình hình đó, mô hình nuôi động vật hoang dã của anh Hoàng Văn Vũ, ở tổ dân phố 9, thị trấn Kiến Ðức đã mở ra một hướng phát triển mới, bền vững hơn. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở ngoại ô thị trấn, anh Vũ kể: “Trong những năm làm ăn tại TP Hồ Chí Minh, thấy nhiều người phát triển mô hình chăn nuôi động vật hoang dã, mang lại lợi nhuận cao, tôi liền nghĩ ngay đến địa phương mình có nhiều điều kiện thuận lợi hơn sao mình không làm?”.

Năm 2003 trở về địa phương, anh Vũ được Hội Nông dân huyện đứng ra tín chấp với ngân hàng cho vay vốn đầu tư mở trang trại nuôi nhím. Lúc này, ở Ðăk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất ít người phát triển mô hình này nên việc tiêu thụ rất thuận lợi. Từ năm 2005 đến nay, trang trại nuôi nhím của anh phát triển nhanh, trong chuồng luôn có hơn 200 con nhím sinh sản, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 120 đến 150 cặp nhím giống. Thời gian đầu, mỗi cặp nhím trưởng thành có giá 25 triệu đồng, cặp nhím con giá 12 triệu đồng, mang về cho anh lợi nhuận lớn.

Hiện tại, giá mỗi cặp nhím giống giảm xuống còn một nửa, nhưng bù lại nuôi nhím vốn đầu tư và chi phí khác thấp, không cần nhiều lao động, ít xảy ra dịch bệnh, giá khá cao, trên 400 nghìn đồng/kg thịt hơi. Ðể nâng cao chất lượng đàn nhím, từ năm 2010 đến nay, anh Vũ còn nuôi và lai tạo được giống nhím bạch mà chưa ai có. Với trang trại nuôi nhím của mình, từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Vũ còn thu lãi hơn 1,1 tỷ đồng.

Phát huy vai trò “bà đỡ” cho nông dân

Phong trào nông dân SXKD giỏi đã và đang lan tỏa mạnh mẽ khắp các vùng nông thôn ở tỉnh Ðăk Nông. Trong đó, các cấp Hội Nông dân đã thật sự trở thành “bà đỡ” giúp nhiều nông dân thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ðăk Nông Hồ Ngọc Ðại cho biết: Thông qua phong trào này, từ năm 2007 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết văn bản thỏa thuận với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải quyết cho hơn 17 nghìn lượt hộ nông dân vay với số vốn gần 300 tỷ đồng; tín chấp với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất phân bón cung cấp hàng nghìn tấn phân bón các loại cho nông dân theo phương thức trả chậm. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn thường xuyên phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh… tổ chức được 2.048 lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 106 nghìn lượt hội viên, nông dân; 447 cuộc hội thảo đầu bờ thu hút hơn 55 nghìn lượt hội viên, nông dân tham gia…

Với sự hỗ trợ đắc lực của các cấp Hội Nông dân, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 985 trang trại và 18.903 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Ðiều đáng phấn khởi là ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất đa cây, đa con, sản xuất kết hợp với kinh doanh, dịch vụ cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tuy vậy, nhìn chung phong trào vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ðến nay, số hộ nông dân đăng ký còn thấp và số hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi cũng mới chiếm 20,62% số hộ nông nghiệp toàn tỉnh.

Ngoài các mô hình, trang trại sản xuất giỏi, phần lớn mô hình còn lại quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có quy hoạch; mô hình mới chưa nhiều, còn phụ thuộc nhiều vào các loại cây công nghiệp dài ngày, nhưng công nghệ chế biến, bảo quản, bao tiêu sản phẩm và việc liên kết bốn nhà thiếu chặt chẽ, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giá cả bấp bênh, phát triển thiếu bền vững.

Nhiều hộ nông dân còn thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn, kể cả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NÐ-CP của Chính phủ…

Ðể phong trào nông dân SXKD giỏi phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò “bà đỡ” cho nông dân. Ngoài việc đẩy mạnh công tác vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, các cấp hội tích cực phối hợp các ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyển giao các tiến bộ KHKT và công nghệ mới cho nông dân ứng dụng vào sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho nông dân; làm đầu mối liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp để giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn vay, phân bón theo hình thức trả chậm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ðồng thời, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, chợ, hệ thống thông tin… giúp người dân có cơ hội tiếp cận thị trường, giá cả, định hướng sản xuất, thi đua SXKD giỏi, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng