Hôm qua (28.5), Dự thảo Luật Giá, một bộ luật liên quan đến đời sống của gần 90 triệu người dân cũng như toàn nền kinh tế đã được Quốc hội (QH) đưa ra thảo luận.
Bình ổn nhiều mặt hàng nông nghiệp
Trong buổi thảo luận, các ĐBQH liên tục đề nghị “bổ sung” các loại hàng hóa cần bình ổn. ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng dự thảo luật quy định phân đạm là mặt hàng bình ổn giá, nhưng như thế là quá cụ thể, trong khi rất nhiều loại phân khác cần cho nông nghiệp. ĐB Trần Văn Ấn (Tiền Giang) đề nghị bổ sung thêm “thuốc bảo vệ thực vật” vì ông cho đây là hàng hóa thiết yếu dùng trong sản xuất nông nghiệp.
Còn ĐB Phạm Minh Tấn (Đăk Lăk) đề nghị đưa cà phê vào diện bình ổn bởi theo ông hiện nay, việc sản xuất cà phê là việc của nhiều triệu lao động ở từ Tây Nguyên đến Tây Bắc. Cà phê đang mang lại hàng tỷ USD/năm, xuất khẩu cà phê chỉ sau lúa gạo…
Trong khi hàng hóa, vật tư nông nghiệp nhận được rất nhiều đại biểu QH đề nghị đưa vào danh sách bình ổn, thì nhiều loại hàng hóa khác lại cho thấy không cần thiết phải bình ổn. ĐB Nguyễn Văn Thành (Lạng Sơn) cho rằng: “Muối và đường chiếm tỷ trọng không lớn trong chi tiêu gia đình cũng như trong sản xuất, không nên đưa vào bình ổn”.
ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) đề nghị bỏ mặt hàng sữa ra khỏi danh mục vì nó không thực sự thiết yếu. “Chúng ta đã có một thị trường khá hoàn hảo với 72 DN sản xuất sữa và 230 nhà nhập khẩu” – bà Lan nói.
Về quan điểm đối với hàng bình ổn, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nhấn mạnh, nếu không quan tâm đến giá vật tư đầu vào trong khi thả nổi giá đầu ra sẽ làm khó cho nông dân. Bởi vấn đề cốt tử của người nông dân hiện nay là không tự định được giá bán.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng: Việc định và bình ổn giá phải đảm bảo lợi ích cho nhiều khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Bình ổn phải cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng. Ông dẫn chứng: Nhiều năm nhiều vụ người nông dân thua lỗ nặng nề, nhưng khi giá lên thì lại đưa ra bình ổn, gây hại cho người nông dân.
Đăng ký giá: Nặng cơ chế xin-cho
Dự thảo Luật Giá có tới 3 quy định về: Niêm yết giá, đăng ký giá, kê khai giá. Tuy nhiên, những quy định tưởng rằng sẽ bảo vệ người tiêu dùng lại bị các ĐBQH cho là sinh ra nhiều thủ tục phiền hà và không khả thi. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng: Đăng ký giá vừa mang nặng cơ chế xin – cho, vừa không phù hợp cam kết của WTO, vì Nhà nước đã can thiệp vào DN.
Bà cho rằng vấn đề này chỉ làm tăng chi phí, còn biện pháp này không phù hợp với thị trường có cạnh tranh. Dẫn Báo cáo thực hiện kê khai đăng ký giá, bà Thúy cho biết trong suốt 6 tháng, Cục Quản lý giá chỉ từ chối 2 lần đăng ký giá của DN, chưa tới 2%. Thực tế cũng cho thấy đăng ký giá không những không thành công trong trường hợp bình ổn giá sữa, gas, thuốc mà còn tạo ra sự bất ổn tâm lý từ sự can thiệp hành chính của Nhà nước.
Hơn nữa, việc đăng ký đặt ra vấn đề: Nếu chậm phê duyệt đăng ký hoặc không được bảo mật để tình trạng đầu cơ, găm hàng đẩy giá, như thực tế đã xảy ra thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai. Bà Thúy yêu cầu việc đăng ký chỉ giới hạn trong trường hợp có dấu hiệu lũng loạn về giá (đầu cơ, hạn chế hoặc từ chối cung cấp, thống lĩnh thị trường…).
Mặc dù điện là loại hàng hóa ảnh hưởng tới cả 90 triệu người tiêu dùng cũng như toàn bộ nền kinh tế, tuy nhiên tại nghị trường ngày hôm qua, chỉ có đúng 2 ý kiến nói về giá điện với quan điểm Chính phủ cần giữ vai trò quy định giá bán lẻ bình quân để chống việc DN độc quyền giá được quy định giá.
Có bộ luật nào không liên quan đến đời sống của gần 90 triệu người dân cũng như toàn nền kinh tế đã được Quốc hội (QH) đưa ra thảo luận không nhỉ?
Đi họp cho vui thôi, chẳng giải quyết được gì đâu. Nông dân này chưa cần đến việc bình ổn giá vật tư nông nghiệp mà việc là quan trọng trước mắt là thường xuyên kiểm tra và xử phạt nặng tình trạng phân bón, thuốc BVTV giả đang hoành hành nông dân