Ngành điều thiếu 300.000 tấn nguyên liệu

Ngành chế biến, xuất khẩu điều tiềm ẩn rủi ro về giá cả, chất lượng do phải nhập khẩu điều thô.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho biết đang trong mùa thu hoạch điều mà đầu năm đến nay, doanh nghiệp (DN) điều đã phải nhập khoảng 80.000 tấn điều thô từ ASEAN, Brazil, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà…

Dự đoán khi vụ thu hoạch kết thúc (khoảng tháng 6), DN sẽ nhập thêm khoảng 220.000 tấn điều thô cho năm 2012.

Thiếu 50% nguyên liệu

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch VINACAS kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, cho biết mỗi năm, DN ông phải nhập hơn 10.000 tấn điều thô từ Tây Phi, tương đương 45% nguồn nguyên liệu mà DN cần.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch VINACAS, Tổng Giám đốc Công ty Donafoods Đồng Nai, cho biết Donafood nhập khẩu 15.000-20.000 tấn điều thô/năm mới đủ nguyên liệu. Theo ông, nhiều năm qua, điều thô trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Các DN ngành điều phải nhập điều thô tương đương 50% nguồn nguyên liệu cần cho chế biến xuất khẩu.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty CP Hạt điều Gia Bảo, cho biết: “DN tự trồng hơn 20 ha điều nhưng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu”.

Ông Sơn cũng cho biết tỉnh Bình Phước có trên 230 DN điều, cần khoảng 600.000 tấn nguyên liệu điều thô. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ cung cấp khoảng 200.000 tấn điều thô. Thu mua từ các tỉnh khác cũng không đủ. DN không nhập khẩu thì không đủ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Chất lượng giảm, rủi ro cao

Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết một nguyên nhân khiến nhiều DN “hăng” nhập khẩu điều thô là giá thấp. Giá điều thô châu Phi mua về chỉ khoảng 1.000-1.100 USD/tấn, trong khi giá điều thô trong nước đến 1.400-1.500 USD/tấn. DN nhập khẩu, chế biến rồi xuất đi có lợi hơn mua điều nội địa, chế biến rồi xuất đi.

Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Sơn phân tích rủi ro: “Chất lượng điều Việt Nam, nhất là điều Bình Phước, thuộc vào loại tốt nhất thế giới. Điều thô nhập khẩu có giá rẻ nhưng chất lượng kém hơn, độ béo, độ giòn không bằng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh chung về điều của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện nay, điều của Ấn Độ được đánh giá cao hơn điều Việt Nam xuất khẩu”.

Đại diện một DN xuất khẩu điều cho biết DN nhập khẩu điều thô đứng trước nguy cơ rủi ro rất lớn. Tưởng nhu cầu thế giới tăng cao, DN nhập ồ ạt điều thô với lượng lớn lúc giá cao, đến khi nhu cầu của thế giới về điều thành phẩm giảm mạnh thì nguồn điều thô đã nhập sẽ bị tồn đọng. DN mất chi phí bảo quản, chất lượng điều thô giảm theo thời gian trữ, DN bán tháo thì lỗ nặng. Cụ thể, năm 2011, nhiều DN nhập khẩu điều lượng lớn nhưng không dùng được hết, đến 2012 mới dùng.

Tăng năng suất, chế biến sâu

Một trong các nguyên nhân khiến nguồn điều thô trong nước không đủ cung ứng là do diện tích trồng thêm không nhiều, đã thế nông dân còn chặt bớt điều.

Ông Trần Hoàng Sơn nhận định tỉnh Bình Phước là thủ phủ của cây điều nhưng những năm gần đây, nông dân trồng 1 ha điều thu lợi khoảng 40 triệu đồng/năm, trồng 1 ha cao su thu lợi 80-100 triệu đồng/năm. Vì vậy mà nông dân chặt điều, chuyển sang trồng cao su, tiêu, khiến nguyên liệu ngày càng khan.

Ông Sơn cho rằng cần phải đưa quy trình quốc tế vào trồng điều để hạn chế sâu bệnh, mất mùa, tăng năng suất. Vườn điều trồng theo quy trình FLO sẽ có năng suất 1,8-2,2 tấn/ha, cao hơn vườn thường 5-7 tạ/ha, thu lợi cao hơn thì nông dân mới gắn bó lâu dài với cây điều được.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thái Học cho biết Hiệp hội đã xây dựng vùng chuyên canh điều 200.000 ha tại tỉnh Bình Phước và sẽ quy hoạch trồng điều ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An… Hiệp hội còn cung cấp cây giống cho Campuchia trồng để DN nước ta có thêm vùng nguyên liệu.

Hy vọng kết hợp hai giải pháp trên sẽ tăng được nguyên liệu cho DN, giảm dần lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, ông Học cho rằng các DN cần chế biến theo chiều sâu, cố gắng chế biến ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điều rang muối, bánh kẹo điều trên 10%. Ngành điều sẽ hình thành bốn trung tâm chế biến điều lớn của toàn quốc trên cơ sở tổ chức hoạt động hiệu quả nhóm 20 DN xuất khẩu điều hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Quang Huy

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. DTD

    Em sống ở Đồng Nai, hiện tại theo em biết giá điều rất thấp: giá điều khô thấp hơn cả giá điều tươi đợt mùa vừa rồi, hiện tại người dân đang tích trữ khá nhiêu điều tại nhà, chờ giá, vậy sao các doanh nghiệp không mua điều trong nước, lại chỉ kiếm nguồn hàng nhập khẩu?”
    Giá điều hiện tại điều khô em biết chỉ còn khoáng 20.000 đồng/kg, quá thấp.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86