Diễn đàn Tam Nông của Y5Cafe

Y5Cafe diễn đàn của bà con nông dân cà phê

Kính gửi : Bà con nông dân cộng đồng Y5Cafe.

Để chính sách tam nông thể hiện những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân trồng cà phê hiện nay, Ban biên tập Y5Cafe mở diễn đàn tạo cơ hội để bà con đề xuất những biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm xây dựng cuộc sống của người nông dân gắn liền với nông thôn và nền nông nghiệp nước nhà ngày càng ấm no, bền vững hơn.

Người trồng cà phê trông chờ gì ở “Tam nông”…

Những ý kiến của bà con cần sát thực với những nhu cầu cấp thiết, bức xúc ngỏ hầu để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, đưa ra được những chương trình mục tiêu gắn liền với tam nông nói chung và cây cà phê trên đất Tây nguyên nói riêng.

Bà con trình bày ý kiến của mình tại phần phản hồi.

Trân trọng !

Ban biên tập Y5Cafe

 

  • Nông nghiệp: hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, cụ thể là người trồng cà phê phải có lợi nhuận từ cây cà phê mang lại, đảm bảo đời sống của mọi thành viên trong cộng đồng.
  • Nông thôn: là không gian sinh sống của người nông dân cà phê, xây dựng cuộc sống đảm bảo phát triển theo văn hóa văn minh hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc nông thôn Việt Nam.
  • Nông dân: là thành viên của cộng đồng sống và trực tiếp lao động làm ra hạt cà phê.

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn thực ra không phải là vấn đề mới. Ông bà ta xưa kia đều xuất thân từ nông dân cả và cũng không phải bây giờ chúng ta mới có những nghị quyết về chính sách tam nông. Giải quyết vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng và của cả nước; khai thác thuận lợi trong hội nhập quốc tế; phát huy cao nội lực trong nông thôn, đồng thời tăng mạnh đầu tư của Nhà nước; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí.

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường, vươn lên của nông dân; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, đời sống văn hóa phong phú….

Y5Cafe

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Y Tới Hmok

    Hiện nay nông dân đang gặp khó khăn khi sản lượng nông sản đang giảm xuống do cây cà phê già cỗi phải chặt bỏ phần lớn diện tích cà phê, trong khi giá cà phê có tăng nhưng không đủ để bù vào chi phí phân bón, xăng dầu, … Đồng tiền mất giá do lạm phát ảnh hưởng rất lớn đời sống nông dân trong khi đó các chính sách hỗ trợ của nhà nước phần lớn vẫn chưa đến tay người nông dân như là thu mua tạm trữ cà phê để chờ tăng giá. Nhưng đến khi thực hiện đươc thì nông dân đã bán hết cà phê để trang trải cuộc sống. Mong là sau này sẽ có những chính sách thiết thực hơn đến được tay người dân.

  2. Nông Cà

    Các chính sách của Chính phủ cho “nông nghiệp – nông dân – nông thôn” thường theo hướng: Cho nông dân cái mà chính phủ có, chứ không phải cái mà nông dân CẦN.
    ví dụ:
    – như ở nông thôn tôi, đa số nông dân cần chuyển đổi lao động dôi dư sang thợ xây dựng vì địa phương đang kỳ phát triển nhà ở nông thôn cần nhiều nhân lực xây dựng, nhưng chẳng thấy dạy, mà chỉ thấy rao dạy nghề thú y – may công nghiệp – mộc … (trong lúc đó vùng tôi lại thu hẹp chăn nuôi vì không có đồng cỏ, thu hẹp nghề mộc vì hết rừng, không có nhà máy nên chẳng cần may công nghiệp…)
    – Nông dân cà phê cần vốn và kỹ thuật sau thu hoạch để giảm tổn thất, đồng thời nâng giá trị hạt cà phê thì chẳng thấy đáp ứng. Chỉ thấy bỏ vốn ra ưu đãi cho DN vay tạm trữ cà phê mà chẳng thấy hiệu quả đâu, còn nông dân cần tiền để tái đầu tư giảm bán cà phê non thì chẳng thấy đâu cả!

    Tóm lại: Qua đây, tôi muốn gửi một thông điệp: Chính phủ nên có từng dự án nghiên cứu hỗ trợ TAM NÔNG cho từng vùng cụ thể. Hỗ trợ CÁI NÔNG DÂN CẦN, chứ không phải hỗ trợ CÁI CHÍNH PHỦ CÓ. (muốn biết nông dân cần gì thì phải Ở với nông dân, chứ đừng chờ nông dân “khóc” mới cho “bú”)
    – Qua áp dụng 19 tiêu chí nông thôn mới cho toàn cõi Việt Nam đã nảy sinh nhiều tiêu chí thiếu thực tiễn, vì mỗi vùng mỗi khác, mỗi làng đều có đặc điểm khác nhau, không thể máy móc được…

  3. MUF

    Nông dân là tầng lớp thiệt thòi nhất trong các tầng lớp, mong mỏi nhà nước quan tâm là điều không tưởng, các quyền lợi mà nhà nước có trách nhiệm phải làm cho nông dân còn chưa có huống hồ…., đó là :
    – Không bảo vệ cho nông dân nạn phân giả, phân kém chất lượng, nhiều lúc các cơ quan chức trách còn tiếp tay: phạt cho có, không đủ sức răng đe, không tới nơi tới chốn, không đưa lên hệ thống thông tin đại chúng…

  4. Tân Hưng

    Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa DN thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu với nông dân sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Phải làm sao chia sẻ lợi nhuận để cùng tồn tại và phát triển chứ như hiện nay chỉ thấy toàn là DN ra sức ép giá nông dân, làm ăn theo lối chụp giựt “sống chết mặc bay”…

  5. dinh xuân eatul

    Nói về nông dân ai cũng biết đó là tầng lớp cuối cùng, hứng chịu nhiều rủi ro do thiên tai địch họa gây ra. Thế nhưng dây là lực lượng đông đảo nhất và mạnh nhất, thực tiển các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước cho thấy ai là người tập trung được lực lượng này thì giành chiến thắng. Đó là bài học mà đảng và nhà nước nhìn thấy, thế nhung sau khi đất nước thống nhất chính sách đối với tầng lớp này bị xem nhẹ. Một bộ phận cán bộ công quyền đã xa rời quần chúng, nhũng nhiễu hạch sách, coi nông dân là tầng lớp thấp hèn vô cảm trước họ. Nay có nghị quyết về nông nghiêp nông thôn cũng thấy mừng, thế nhưng khi thực hiện ở cơ sở thì mới thấy hết khó khăn và một lần nữa lại huy động tiền bạc của dân mà thôi. Cuối cùng vẫn thế, mong rằng những người có trách nhiệm cần phải sâu sát thực tế hãy đến với dân như ngày xưa còn đánh giặc để biết người dân cần gì và muốn được làm gì.

  6. ngoc15

    Nghị quyết tam nông lần này nếu ko cẩn thận thì ko đi đến đâu. Ví dụ như mục đường bê tông hóa thôn bản = % dân phải đóng góp thi lấy đâu ra, chỗ tôi dân làm thuê chạy ăn từng bữa lấy đâu tiền mà góp làm đường v.v…

  7. Đinh tân lâm

    Lâu nay nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên tưh bơi trong muôn vàn khó khăn mà ko được sự hỗ trợ từ nhà nước, có lẽ đầu tư hỗ trợ cho nông nghiệp ko đem lại lợi nhuận như đầu tư vào các ngành khác nên bị bỏ quên hoặc có đầu tư hỗ trợ thì cũng ko giúp gì tới được nông dân hoặc ko thực tế với điều kiện hoàn cảnh của nông dân. Trước đây nhà nước có hỗ trợ cho nông dân mua máy phục vụ nông nghiệp nhưng với điều kiện là phải mua máy sản xuất trong nước thì đó là đánh đố với nông dân Tây nguyên vốn đất dốc mà thay 1 chiếc máy cày của Nhật bằng 1 loại xe tải trong nước thì ko thể chở được cà phê, phân bón. Còn hỗ trợ giá cho bà con Tây nguyên thì cũng đem toàn những loại phân ko phù hợp, ví dụ chỉ được mua phân Bình Điền, nếu dân muốn mua phân khác sẽ ko được hỗ trợ. Đây là 1 cách làm giàu cho các đại lí bán phân từ chương trình hỗ trợ này.
    Việc hỗ trợ về giá có thể tính đến qua bảo hiểm nhưng cũng ko thể được vì nhà nước ko thể hỗ trợ được vì giá cả liên quan tới cung cầu, ví dụ lúc cà phê hay hồ tiêu có giá cao dân đổ xô trồng nhiều thì giá sẽ hạ ai hỗ trợ được.
    Những việc dân cần nhà nước làm là những việc thiết thực với dân, đó là kiểm tra kiểm soát việc sản xuất phân giả, thuốc sâu dỏm để khỏi gây nên tiền mất mà thiệt hại nặng nề tới năng suất, thậm chí chết cả cây mà chẳng biết kêu ai, mà nhà chức trách bắt những CTy phân giả phạt vài triệu là cho qua rồi đâu lại vào đó, thấy dễ ăn quá nên nạn phân giả ngày càng tràn lan ko ai kiểm soát hoặc ko công bố tên các Cty qua thông tin để dân tránh mà dân thì làm sao biết đâu thật giả. Đến mùa thu hoạch thì nạn cà phê tặc tung hoành, thậm chí cắt cả cây mà công an bắt cảnh cáo rồi thả chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa.
    Nhà nước thu phí đường bộ, xe cộ tham gia giao thông thì đã có trạm thu phí vậy mà còn tính phí qua xăng dầu, bắt nông dân phải chịu phí giao thông khi mua xăng dầu để chạy máy tưới cà phê cũng chịu phí, máy phát cỏ, xịt thuốc, xay cà phê trong vườn đều phải chịu phí giao thông qua xăng dầu. Có những quan chức vì những lợi ích của 1 nhóm hoặc vài doanh nghiệp mà đã bày ra những yêu sách làm hại tới nông dân vậy mà nhà nước cũng đồng ý, ví dụ tăng phí xuất khẩu cà phê nói là lấy phí đó để tái canh là ko thực tế vì tái canh là dân tự làm, mà tăng phí thì DN sẽ ép giá của dân để bù vào, hoặc kêu gọi cấm các DNNN vào mua cà fê làm mất tính cạnh tranh… Nhà nước nên xem xét kỹ để dân khỏi quá thiệt thòi.

  8. Dak Gềnh

    Với người dân trồng cà phê ở Tây nguyên, cái cần nhất hiện nay là vốn để đầu tư tái sản xuất. Nhưng muốn có vốn hay để đi vay được thì cần có sổ đỏ và được định giá tài sản một cách hợp lý, không kèm theo sự nhũng nhiễu của ngành ngân hàng.
    Chính sách cho vay cần thông thoáng và tiêu cực cần phải loại bỏ. Bà con đi vay nếu không có gì thì tín dụng cao làm sao mà cho vay? Nói hoài cũng chán lắm rồi!

  9. Bù Na

    Từ xưa ai cũng biết là người nông dân VN phải bán lúa non thì ngày nay ai cũng biết nông dân Tây nguyên thường phải chốt cà phê non. Nguyên nhân? Biện pháp giải quyết? Không lẽ cán bộ công chức quản lý nhà nước không biết? Không lẽ bao nhiêu GSTS, Viện này Viện nọ không biết?
    Xin hãy làm nhiều hơn nói. Đừng làm những gì cao siêu xa vời mà chỉ cần làm những cái đơn giản, gần gũi như miếng cơm manh áo hàng ngày mà nông dân chúng tôi cần.

  10. người dân khổ

    Đã làm lụng đầu tắt mặt tối mà đồng tiền kiếm ra còn không đủ ăn, nhà cửa đất đai không có phải thuê đất để làm, mà sao làm hoài làm mãi mà gặp trúng mấy bao phân giả làm cho vườn cây tan nát… Còn những người bên cạnh chạy đôn chạy đáo lo vay vốn ngân hàng thì phải CHI PHẦN TRĂM thì mới được vay. Ôi! Không biết nói lời nào nữa…

    1. Song Thu

      Bạn có biết trong hoàn cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, ngành nào làm ăn có lãi nhiều nhất? Nhân viên ngành nào có lương thưởng cao nhất? Có lẽ khỏi cần nói nữa bạn nhỉ !

  11. dinh xuân eatuld

    Không phải là kêu ca nhưng chúng ta làm những phép so sánh để thấy người nông dân, nông thôn thiệt thòi nhiều thế nào. Ở thành phố làm gì có chuyện muốn đi bỏ tiền làm đường, muốn dùng điện bỏ tiền mua dây kéo…trụ, muốn con đến trường góp tiền xây phòng học. Trăm thứ bà rằn đến dựng cái cổng thôn văn hóa đều là tiền đóng góp của dân. Vậy mà chính sách của nhà nước khi áp dụng với người dân tréo ngoe, ví dụ như người dân làm cà phê sử dụng dầu để tưới thì phải trả lệ phí giao thông, hỗ trợ giá phân bón thì vô tình làm giàu cho một số cá nhân. Khi cà trong dân bán hết rồi mới cho mua tạm trữ. Thật khó để nói hết những bức xúc, con cái học hành xong cứ muốn ra thành phố kiếm tiền, đâu có mấy người quay về phục vụ địa phươg, mà muốn về thì tiền đâu mà chạy chọt. Dân nông thôn chỉ mong sao những chính sách của Đảng và Nhà nước đến kịp thời, đầu tư thích đáng có hiệu quả, để làm sao con cái chúng tôi muốn về nông thôn làm việc không phải đi lên thành thị kiếm sống như hiện nay.

  12. Cafe Vối

    Theo tôi tam nông cần phải là :
    1. Đất đai, tư liệu sản xuất dành cho nông dân.
    2. Vốn đầu tư, lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.
    3. Tiêu thụ nông sản phẩm do nông dân làm ra.
    Nhà nước chăm lo làm sao để người nông dân chỉ biết tập trung vào sản xuất và nâng cao trình độ, năng lực sản xuất mà thôi.
    Muốn vậy cần phải huy động rất nhiều ngành chức năng vào cuộc, nhất là các ngành kinh tế, kinh doanh.

Tin đã đăng