Một HTX vừa có tờ trình khẩn thiết xin vay 5 tỉ đồng, nếu không vay được sẽ bán thương hiệu cà phê Đức Lập – Đắc Min mà họ đang sở hữu cho một doanh nghiệp Trung Quốc.
Trước đó, một DNNN đã có đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu này trên quan điểm coi “Đức Lập” là nhãn hiệu tập thể, nhưng không được chấp thuận.
Xem thêm bài: Đòi bán 2 thương hiệu cà phê cho nước ngoài
Bán thương hiệu vì thiếu vốn
Đức Lập là tên cũ của huyện Đắc Min – tức quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức trước năm 1975. Dù không còn là tên đơn vị hành chính, song Đức Lập vẫn gắn liền với sản phẩm cà phê nổi tiếng, có thể so sánh với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Năm 2004, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An – xã Đức Minh – đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 2 giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là “Coffee ĐỨC LẬP MINH AN & hình” và “Coffee ĐỨC LẬP DAKMIL & hình”.
Sau đó 5 năm, Công ty cà phê Đức Lập – một DNNN tại huyện Đắc Min – đã có đơn khiếu nại, nhưng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định chưa có bằng chứng thuyết phục để hủy bỏ hiệu lực. Thật bất ngờ là ngày 7.3.2012, HTX Minh An có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đắc Nông cho vay 5 tỉ đồng, nếu không sẽ chuyển nhượng thương hiệu cà phê Đức Lập cho một DN ở Quảng Châu – Trung Quốc với giá 18 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng ban Quản trị HTX Minh An – trần tình: “Dù chỉ là một HTX, nhưng chúng tôi có nhà máy chế biến cà phê bột 3.000 tấn sản phẩm/năm, nộp tiền bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở cả Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ. Chúng tôi cũng không thiếu các giải thưởng về cạnh tranh, hội nhập, bảo vệ môi trường của Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Còn nghĩa vụ nộp thuế, HTX cũng có bằng khen của Bộ Tài chính… Dù kinh doanh gặp khó, năm 2010 chúng tôi vẫn trả đủ gốc và lãi hơn 13 tỉ đồng cho ngân hàng, nhưng từ đó ngân hàng không cho vay lại. Hiện HTX Minh An còn nợ 3,5 tỉ đồng, thiếu vốn kinh doanh trầm trọng”.
Như vậy, theo ông Toàn thì việc HTX Minh An bán thương hiệu cà phê Đức Lập là bất đắc dĩ.
Không ảnh hưởng gì?
Ngày 22.3, Sở NNPTNT Đắc Nông có văn bản đề nghị HTX Minh An không được chuyển nhượng thương hiệu cho nước ngoài nhằm tránh làm lũng đoạn thị trường cà phê trong nước, đồng thời chuyển giao chữ “Đức Lập” cho địa phương để xây dựng thương hiệu cà phê chung cho cả tỉnh, đề nghị huyện Đắc Min không thừa nhận việc chuyển nhượng này…
Sau đó, HTX Minh An lại có tờ trình “nhượng bộ” thêm một bước, đồng ý chuyển giao 2 chữ “Đức Lập” cho địa phương và đề nghị tỉnh thu xếp cho vay 5 tỉ đồng.
Cũng theo ông Toàn, DN đặt vấn đề mua lại thương hiệu cà phê Đức Lập là Công ty TNHH cà phê Quảng Châu Buôn Ma Thuột. Đây là công ty đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc mà UBND tỉnh Đắc Lắc đang tốn kém để giải quyết. Còn với thương hiệu cà phê Đức Lập, họ mua bán sòng phẳng, dĩ nhiên không kiện được. Ông Toàn cũng cho rằng, để giữ được thương hiệu cà phê Đức Lập dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể do Nhà nước quản lý thì cái giá thu xếp cho vay 5 tỉ đồng là quá rẻ.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Luyện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông – đã ký công văn 1050/UBND – KTTC cho biết, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho HTX, đề nghị HTX tự liên hệ với ngân hàng để xin vay vốn.
Ngày 18.4, ông Nguyễn Trung Trực – Trưởng phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ, Sở KHCN Đắc Nông – cho biết thêm: “Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì các tổ chức, cá nhân được quyền chuyển nhượng nhãn hiệu. Nhưng trong trường hợp này, HTX Minh An chỉ được bán cái “Coffee ĐỨC LẬP MINH AN & hình”, còn cái “Coffee ĐỨC LẬP DAKMIL & hình” thì phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng vì nó chứa địa danh “DAKMIL” là tên gọi hiện nay của huyện”.
Cũng theo ông Trực, nếu Minh An có bán cái “Coffee ĐỨC LẬP MINH AN & hình” thì cũng không ảnh hưởng đến cà phê của tỉnh. Mặt khác, HTX Minh An chỉ hù dọa vậy thôi, nếu bán được thì đã bán lâu rồi.
Tôi xin đề nghị với ông Nguyễn văn Toàn, TB quản trị HTX.
Nếu thực sự là thương hiệu đã có uy tín và có thị phần nhất định thì họp Ban quản trị HTX lại, đề nghị chuyển sang thành lập công ty cổ phần để kêu gọi vốn đầu tư, và cổ phần của HTX chính là thương hiệu đã có. Theo hướng này may ra mới có vốn để tiếp tục tồn tại. Trân trọng.
Theo quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ vậy thì HTX …cứ bán !
Việc HTX/Minh An làm ăn thua lỗ vì trình độ quản lý kém, hơn nữa làm ăn không có hiệu quả vì hay bốc đồng. Thực chất là một HTX nhỏ lẻ, nhờ dân hám lãi nên đổ vốn vào cho HTX để được lãi cao. Nên khi giá cà-phê cao thì người dân đua nhau rút vốn về do đó HTX/Minh An không có khả năng chi trả, nợ nần tùm lum. Nay dọa chuyển nhượng thương hiệu cà-phê của mình cho Trung Quốc nếu tỉnh Dak Nông không cho vay 5 tỷ đồng. Đúng là chơi trò con nít, rung cây nhát khỉ./
Có thể giả định như sau:
vay 5 tỉ trong 4 năm cả vốn và lãi thành 10 tỉ.
nếu thẩm định thương hiệu Đức lập hiện nay 15 tỉ thì nên cho vay có thế chấp thương hiệu này trong 4 năm.
Việc gây sức ép với nhà nước để vay 5 tỷ chỉ là một vài cá nhân lãnh đạo HTX, còn xã viên thì sao? Muốn làm rõ phải có hội nghị xã viên thật sự dân chủ để bàn bạc, kể cả việc chuyển nhượng…
Gửi anh Đặng Trung Kiên: Nếu là nhà báo chính hiệu, anh biết rõ không ai có thể ép tỉnh để xin vay tiền cả. Cũng sẽ chẳng có ông nào trong UBND tỉnh dám ký đề nghị cho HTX này vay cả. Một lẽ đơn giản: không anh nào dám xung phong bỏ ghế của mình cả. Chuyện có thương hiệu để mà bán để khỏi túng quẩn trong giai đoạn khó khăn vốn liếng này, ai cũng dễ thông cảm. Chỉ có mình anh Kiên là không.
Còn trong bài nói ông Trực đề nghị không được bán thương hiệu có chữ Dak Mil là hoàn toàn ép HTX này. HTX có quyền bán và tỉnh Dak Nông có quyền mua. Nếu không mua, HTX vẫn có quyền bán để lấy tiền chạy trả nợ. Như trường hợp chỉ dẫn Buôn ma thuột sẽ phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mua lại cái thương hiệu từ nước ngoài thì sao?
Coi chừng cấm kiểu này là vi phạm luật đấy ông Trực à.
Vấn đề nảy sinh ở đây để thấy rằng doanh nghiệp hiện nay, tuy là rang xay, cũng rất khó khăn về vốn chứ đừng nói mua bán hàng thô. Tôi thấy rằng đáng ra ông Trực một mặt lên tiếng khuyên HTX chưa nên vội bán, một mặt tìm hiểu thêm và tham mưu cho tỉnh về tình hình bốn bề khó khăn để giúp các doanh nghiệp tồn tại… thì vẫn tốt hơn.
Chứ nói kiều này thì anh Kiên với tư cách nhà báo thấy người ta hấp hối, bóp mũi cho chết luôn. Còn ông Trực lại cứ tưởng HTX ngắc ngoải nhưng vẫn còn ngon rồi lấy cây gậy phang một gậy… chết toi HTX của xứ ông.
Nói thiệt với quý vị chứ may mà còn cái thương hiệu mà bán… chứ túng thiếu kiểu này vợ con cũng phải bán… Nếu không vào tù cả đám thì sao!
Thật ko công bằng cho DN chút nào? Luôn miệng khẳng định VN là nền kinh tế thị trường, ng ta bỏ bao nhiêu công sức xây dựng thương hiệu giờ tỉnh muốn giữ lại thì phải thuận mua vừa bán với người đang sở hữu nó chứ sao lại dùng quyền này lệnh nọ để lấy không. Lại còn bảo “…chỉ hù dọa vậy thôi…”, thế thì các ông có gì phải lo. Ông Toàn cứ bán đi, và để cho phải đạo người Việt Nam ông nên cho tỉnh biết khi đã chốt được mức giá cuối cùng, nếu tỉnh đó ko có ý định mua lại giá mà ông thỏa thuận được coi như ông ko có lỗi gì với nước non.
Mong ông sớm hồi phục.
Cho Ông Toàn bán đi, Ai mà đi mua thương hiệu đó 18 tỉ.
Mà có bán được cũng tốt vì ở VN có ai biết sử dụng thương hiệu đâu. Để thương hiệu đó thì ở VN có ai phát triển thương hiệu đó đâu. Bán đi người dân ĐăkMil có khi lại được hưởng lợi từ thương hiệu đó.
Nếu được giá đó thì nên bán, không thì rẻ xíu nữa cũng nên bán đi 5 tỉ cũng được. Bán đi lấy tiền về trả nợ Cụ Toàn ạ
Nếu cần bán cho doanh nghiệp Trung quốc để lấy tiền trả nợ thì tỉnh cũng nên cho bán, vì thương hiệu đó là của họ. Còn nếu vay vốn mà không có khả năng chi trả như Vinashin còn tệ hơn, kéo theo cả bộ sọ đi tù, và cả nước phải còng lưng trả nợ giùm.
Đã chấp nhận cho DN đăng ký thương hiệu thì thương hiệu đó đã trở thành tài sản vô hình của doanh nghiệp do doanh nghiệp là chủ sở hữu. Lã chủ sở hữu thì có quyền bán tài sản của mình. Tuy rằng bán thương hiệu cho nước ngoài mà đặc biệt là Trung Quốc là điều không tốt nhưng doanh nghiệp đang chết thì phải tự cứu mình thôi.
Thương hiệu cũng là một tài sản của doanh nghiệp, việc bán cho ai là quyền của doanh nghiệp, không ai có quyền can thiệp nếu việc mua bán diễn ra đúng luật. Tuy nhiên đây là một thương hiệu của một tập thể (HTX) thì cần thông qua ý kiến tập thể xã viên. Có như vậy thì việc mua bán, chuyển nhượng thương hiệu mới thực sự khách quan, tránh dư luận không tốt cho ban lãnh đạo HTX. Vì lợi ích lâu dài thì các cơ quan hữu quan cần có chính sách hỗ trợ vốn để HTX tiếp tục làm ăn, đảm bảo quyền lợi của xã viên. Cần cảnh giác việc thương hiệu bị rơi vào tay các tổ chức, cá nhân nước ngoài như trường hợp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vừa qua mà đến giờ nhà nước lại phải bỏ ra nhiều tỉ đồng tranh kiện đòi lại.
Việc một vài cá nhân có trách nhiệm thờ ơ với việc sống chết của một HTX, coi việc thương hiệu rơi vào tay nước ngoài là bình thường chẳng qua là họ rất thích làm cái công việc thả gà ra rồi hò reo đi đuổi. Đây chính là trí khôn của họ vì việc đàm phán lấy lại thương hiệu nhiều khi chỉ tốn tiền nhà nước, còn họ nhân chuyện này lại được đi du lịch bao cấp (Ra nước ngoài đàm phán). Lợi như vậy chả trách họ nói “không” với nhu cầu vay vốn để cứu HTX của lãnh đạo HTX này.
Tôi thì hy vọng ông toàn sẽ được tỉnh Dak Nong cho vay, hoặc nếu không cho vay tôi hi vọng ông sẽ bán được với giá 18 tỷ hoặc hơn để lấy tiền trả nợ, vì ông còn nợ gia đình tôi và hàng xóm tôi rất nhiều tiền, nhà nào cũng điêu đứng. hix hix.
Khi đổ nợ thì bán gì được cứ bán. Giữ lại mà hết vốn thì thương hiệu để làm gì lúc đó thành cho không. Vấn đề là có ai mua không? Hay tìm mấy anh Vinashin mà vay, mấy ổng hiện thừa vốn nhưng ngồi tù không kinh doanh nữa thì phải. Ở VN bây giờ làm gì mà ăn nhỉ? mặt hàng có thế mạnh như cà phê bây giờ chuyển sang thế yếu. Nợ tùm lum đừng nói đầu tư ngoài ngành nghe. Bảo nợ nghe đâu đang ở DakLak gần ra đến Quảng Trị rồi, kiểu này chắc bán rẩy gấp kẻo đến lúc bán không ai mua. Dạo này đi buôn thương hiệu có lí nhất.
Ông này lừa dân nhiều lắm rồi đó, lấy cà của dân xài hết giờ chơi chiêu đó coi chừng bị lừa nữa. Đi lên đó mà hỏi ông Toàn ai mà ko biết, chỉ được cái miệng thôi.
Để có cái thương hiệu có giá trị thì sản phẩm, dịch vụ… có chất lượng, mà chất lượng này được khẳng định trong 1 thời gian dài trong quá khứ. Và người đặt tiền mua phải biết dự đoán được giá trị thương hiệu (mà bản chất là sản phẩm hàng hóa dịch vụ) trong tương lai. Đó là là bài toán kinh tế dặt ra mà người quản lí và kinh doanh cần có lời giải. Nhưng sống hay là chết? Liệu có chiêu trò gì của những người trong cuộc khi bày ra việc này ko?
Cái thương hiệu mà Ông Toàn đang có nó có giá trị đấy chứ.
Giờ Ông khó khăn, nợ nần chồng chất, ông bán đi những gì mình có để trả nợ thì còn gì bằng.
Lấy chuyện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà suy nghĩ.
Thiết nghĩ mấy ông Tỉnh nơi Ông Toàn nên xem xét lại. Cho người ta vay 5 tỷ hay để người ta phải bán. Và để thể hiện trách nhiệm thì Tỉnh nên mua lại thương hiệu đó mới đúng chứ?
Nói như Ông Trực trưởng phòng gì đó, theo tôi Ông Toàn nên bán quách đi!
Theo tôi HTX Minh An muốn bán thương hiệu của mình thì cần thuê luật sư tư vấn, nếu bán được thì cứ bán để trả nợ miễn sao đúng luật pháp VN là được. Đừng trông chờ vào UBND tỉnh làm gì không khả thi đâu. Vì khi các ngân hàng thương mại trên địa bàn lắc đầu không cho vay thì UBND tỉnh không thể nào can thiệp được, vì NH người ta kinh doanh cũng vì lợi nhuận, hiệu quả và an toàn vốn. HTX của ông trong thời gian qua nợ NH dây dưa đã bị một NH trên địa bàn xếp hạng tín nhiệm rất thấp trong khi ông chủ nhiệm HTX chỉ biết nổ thôi, làm ăn theo kiểu kinh tế gia đình: Lời thì cá nhân hưởng, lỗ thì tập thể chịu.