Tập đoàn cà phê Thái Hòa khốn khổ vì đâu?

Phát hành 30,25 triệu cổ phiếu để huy động vốn, nhưng Tập đoàn Thái Hòa chỉ chào bán được… 60 cổ phần. Từ đây, những vấn đề nghiêm trọng của tập đoàn này bắt đầu hé lộ.

Đầu tháng 2.2012, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), cho biết Công ty sẽ bán dự án để trả nợ. Trước đó vài ngày, thông tin về đợt phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn của THV cũng đã gây thất vọng cho cổ đông khi chỉ chào bán được 60 cổ phần trong tổng cộng 30,25 triệu cổ phần. Điều gây thất vọng hơn cả là Công ty đã báo cáo mức lỗ ròng cả năm 2011 lên tới 198 tỉ đồng so với mức lãi 34,8 tỉ đồng cùng kỳ.

Xem thêm: > Chủ tịch cà phê Thái Hòa: Chúng tôi sẽ bán dự án để cơ cấu nợ

THV được xem là 1 trong 4 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam và doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam hoạt động theo mô hình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến, dịch vụ đến xuất khẩu cà phê. Tại sao Công ty lại lâm vào tình cảnh này?

Cơ cấu vốn bất hợp lý

Theo ông An, THV lỗ lớn là do chi phí tài chính cao bất thường. Từ năm 2008-2011, tổng số tiền trả lãi của doanh nghiệp này khoảng 602,5 tỉ đồng, tăng trung bình 55%/năm. Như vậy, trong thời gian trên, số vốn chủ sở hữu 550 tỉ đồng của Công ty đã không đủ để trả lãi vay.

Các chỉ số tài chính cũng phản ánh thực trạng khó khăn của THV. EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay)/nợ vay trung bình giai đoạn 2008-2010 là 7%. Thậm chí năm 2011, chỉ số này vẫn âm, nghĩa là lợi nhuận của THV hầu như chỉ đủ dùng để trả lãi vay dự kiến vào năm sau (thông thường chỉ số này phải lớn hơn lãi suất trung bình doanh nghiệp phải chịu thì khả năng chi trả lãi vay mới được đảm bảo).Nợ vay/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này trong 4 năm qua biến động khoảng từ 3,5-5 trong khi con số bình quân trên cả 2 sàn năm 2011 chỉ là 0,8.

 Biểu đồ lưu chuyển tiền tệ của cà phê Thái Hòa
Biểu đồ lưu chuyển tiền tệ của cà phê Thái Hòa

Ông An cũng cho biết cơ cấu vốn của THV có vấn đề, bị lệch nguồn. Trong 4 năm qua, Công ty đã chi hơn 500 tỉ đồng để mua tài sản cố định và các tài sản dài hạn. Nguồn vốn chính cho các hoạt động này đến từ nợ vay ngắn hạn. Do vậy, THV liên tục chịu áp lực về thanh toán nợ vay ngắn hạn do các tài sản dài hạn cần có thời gian mới sinh lợi được.

Như đã nói ở trên, lợi nhuận của THV hầu như chỉ dùng để trả lãi vay. Vậy Công ty lấy tiền ở đâu để trả nợ vay ngắn hạn khi đáo hạn và các chi phí hoạt động khác? Nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp này có thể thấy, từ năm 2008-2010, lượng tiền mặt liên tục được cải thiện nhờ dòng tiền từ hoạt động tài chính, cụ thể hơn là nhờ các khoản vay. Năm 2011, khi kinh doanh sụt giảm, việc huy động vốn gặp khó khăn thì hậu quả của việc hoạt động dựa trên nguồn vốn vay đã bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Chi phí lãi vay lớn hơn cả lãi gộp là nguyên nhân chính khiến THV bị lỗ trong năm vừa qua.

Bành trướng quá nhanh

Từ khi thành lập năm 1996, THV đã đặt trọng tâm phát triển cà phê giá trị cao arabica và nhanh chóng vươn lên trở thành công ty xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu Việt Nam. Năm 2009, doanh nghiệp này chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu cà phê arabica cả nước. Đến cuối năm 2011, sau 15 năm phát triển, THV đã có 12 công ty con trên khắp các vùng cà phê và cả ở Lào.

Hiện nay, phần lớn doanh thu của Công ty đến từ sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê nhân. Ngoài ra, còn có nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh khác như sản xuất cà phê hòa tan, sản xuất phân bón từ vỏ cà phê, chế biến thức ăn chăn nuôi.

Trong giai đoạn 2008-2011, THV đã triển khai 11 dự án như xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại Lâm Đồng, nhà máy chế biến cà phê tại Buôn Ma Thuột, trồng cà phê và xây dựng nhà máy tại Lào…với số vốn đầu tư được công bố lên tới cả ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, suốt thời gian này, hoạt động kinh doanh của THV hầu như không tạo ra dòng tiền dương. Và Công ty đã sử dụng vốn vay để thực hiện những dự án trên. Nói cách khác, sự bành trướng nhanh của THV đã không đi kèm với sự tăng trưởng bền vững về tài chính.

Các tổ chức tín dụng đã sớm phát hiện vấn đề này. Bằng chứng là các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã không đồng ý cho THV vay thêm để mua tạm trữ cà phê theo chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tháng 7.2010. Nguồn vốn mới đã trở thành vấn đề cấp bách của Công ty. Do vậy, sau khi cổ phần hóa, THV đã liên tục huy động vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu, phát hành trái phiếu chuyển đổi… Nhưng hầu hết các hoạt động này đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Những nghi vấn về minh bạch thông tin

Theo công bố chính thức của THV và báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Hòa Bình, từ năm 2008-2011, THV đã đầu tư các dự án có tổng giá trị khoảng 2.000 tỉ đồng. Nhưng báo cáo tài chính của Công ty lại cho thấy, trong giai đoạn này đơn vị chỉ đầu tư khoảng 517 tỉ đồng để mua tài sản cố định và các tài sản dài hạn. Việc THV chưa thực hiện xong kế hoạch đã đề ra là do thiếu vốn hay do Công ty đã vẽ nên các dự án này?

Ngoài ra, THV còn có một khoản phải thu từ Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa là 17,81 tỉ đồng (báo cáo tài chính công ty mẹ quý IV/2011). Báo cáo hợp nhất thuyết minh đã ghi: “Phải thu công ty cổ phần xây dựng về việc mượn hàng”. Khoản phải thu này đã tồn tại từ năm 2010. Liệu đây có phải là khoản cho mượn không lãi suất đối với một trong những công ty có liên quan đến THV? Theo tìm hiểu của NCĐT, Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa đã xây dựng Khu Chế biến cà phê Tập đoàn Thái Hòa, Khách sạn Thái Ninh trong giai đoạn 2008-2010. NCĐT đã liên hệ với THV nhiều lần, song vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức về những vấn đề trên.

Trước những khó khăn của THV, trong một bài báo gần đây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Văn An cho biết đã tính đến 3 biện pháp. Thứ nhất là các ngân hàng đồng ý chuyển vốn vay ngắn hạn sang dài hạn cho Công ty để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Thứ hai, một số ngân hàng sẽ mua trái phiếu chuyển đổi với điều kiện THV có tài sản đảm bảo. Thứ ba là bán dự án đã triển khai.

Như vậy, doanh nghiệp này đang giải quyết khó khăn theo hướng chuyển đổi nợ vay ngắn hạn thành nợ vay dài hạn và thành vốn chủ sở hữu (THV đã bán dự án tại Điện Biên thông qua việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Cà phê Thái Hòa Mường Ảng).

Đây cũng chỉ là giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt. Một giải pháp dài hạn cho THV vẫn còn là dấu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh các công ty cà phê Việt nói chung đang đứng trước nhiều thách thức khi phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài mạnh cả về vốn lẫn kỹ năng quản lý. Hơn nữa, việc phải bán đi các dự án sinh lợi sẽ làm giảm đi dòng tiền trong những năm tới của Công ty.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nhin khong duoc

    Gửi Sàn BEC.
    Cung cách làm ăn không hợp lý để rồi xuống dốc của Thái Hòa đã bộc lộ lâu rồi, người dân cà phê Buôn Ma Thuột thấy hết.
    Đây cũng chính là câu trả lời vì sao người dân cà phê BMT không mặn mà với sàn BEC khi có sự nhúng tay của Thái Hòa vào sàn này.
    Biết làm sao !

  2. Bốn Tùng

    Để trả lời câu hỏi tại sao tập đoàn TH khó vì đâu? Theo tôi là vì.
    Thứ nhất: Do chính nội bộ của tập đoàn mà người chịu trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV không biết lượng sức mình đầu tư dàn trãi nhiều ngành nghề trong khi sức khỏe yếu mà phô trương quy mô để thành lập tập đoàn trong khi máu để nuôi tập đoàn chủ yếu dựa vào nguồn máu vay ngân hàng thương mại.
    Thứ 2: Do các NH thương mại cho vay thẩm định không chặt chẽ, thiếu tư vấn cho khách hàng, chưa nghĩ đến mục tiêu lợi ích của người nông dân trồng cà phê tự cho mình làm thay người nông dân trồng cà phê … Để tồn tại tốt nhất TĐ nên bán hết những dự án trồng, chăm sóc cà phê cho nông dân để trả nợ ngân hàng, sau đó liên kết với nông dân trở thành liên kết 2 nhà, phải lấy dân làm gốc thì mới thành công được.

  3. BienHo

    Chả trách mấy ông kẹ này cứ đổ cho các doanh nghiệp FDI mọi tội lỗi như tranh giành nguồn hàng từ nông dân, lãi suất cao … như báo chí đưa thông tin trong thời gian gần đây.
    VN BMT, INEXIM, Thái Hòa, Trúc Tâm … sắp tới là ai nữa xin minh bạch thông tin để nông dân chúng tôi không bị “bé cái nhầm”.

  4. Hòa Hiệp

    Tiếc cho sàn Bec vừa mới ra đời còn non trẻ lại chọn gửi nhầm trứng cho ác. Có lẽ Bec tự hiểu hơn ai hết.

    Đưa cà phê vào kho rồi ai chịu trách nhiệm? Có giống vụ 188 tấn cà phê gửi kho ở Đắc Min không?

    Bà con nông dân cà phê không tin là cũng có cơ sở hết cả đó.

    1. Trang

      Sao bạn biết mà khẳng định “gửi nhầm trứng cho ác”? Bạn cứ hỏi rõ thông tin thành viên gửi hàng có mất kg cà phê nào khi gửi vào BCEC không thì hãy khẳng định, không nên phát ngôn khi không có bằng chứng.
      Thân !

      1. Hòa Hiệp

        Phải nghe ngóng, xem xét và phán đoán dựa trên cơ sở nhất định chứ bạn.
        Để xảy ra như vụ 188 Đắc Min thì nói làm quái gì nữa cho mất công, khô cổ. Cảnh giác vẫn hơn chứ!
        À! Hình như bạn chưa hiểu hết ý mình.

      2. Trang

        Vậy bạn không hiểu gì về quy trình quản lý của BCEC rồi, nếu bạn mà biết quy trình quản lý của họ thì bạn còn an tâm hơn để Cà phê ở nhà nữa. Nhưng đồng nghĩa bạn phải bị tốn phí và hao hụt lưu kho đó. Còn TH cùng các đơn vị chức năng khác như: Caphecontrol; Techcombank đứng ra làm nhiệm vụ cho BCEC và TH cũng chỉ là đơn vị đứng ra gia công và lưu trữ hàng hóa dưới sự “giám sát chặc chẽ” của BCEC thôi.
        Đây là 1 vài chia sẻ để mọi người biết thêm thông tin.

      3. Hòa Hiệp

        Bạn Trang à. Mình biết thiện chí của bạn và nhiều bà con cũng biết điều đó. Nhưng việc cộng tác của BEC với TH khiến cho bà con e dè.
        Đồng ý là BEC chịu trách nhiệm, nhưng khi có chuyện xảy ra (ví dụ thôi nhé) thì BEC chìa ra văn bản ký kết trách nhiệm với TH, khi ấy bà con chỉ biết… đợi. Chờ vạ thì má sưng.
        Ý kiến của @nhin khong duoc đã nói rõ rồi. Thôi đành chờ nữa vậy.

  5. Nông Văn Dền

    Thời điểm Thái Hòa nhảy vào tham gia hợp tác với sàn giao dịch thì thông tin của sàn là nhằm hạn chế rủi ro cho nông dân khi phải gửi hàng ở các doanh nghiệp tư nhân và đại lý nhỏ. Vậy nơi trú ẩn an toàn như sàn giao dịch BEC thì nay sao rồi các bác ?

  6. Dền Văn Nông

    Chán lắm, THV ko biết rồi sẽ đi về đâu, ông Chủ tịch đúng là ko biết lượng sức mình, trong tay ko có gì mà đi đầu tư tràn lan, lập liền mười mấy cty con mà ko quản nổi. Cấp dưới quản lý thì chỉ có mấy chị em phụ nữ họ hàng chưa ai có nổi tấm bằng chính thức thì thử hỏi sao ko khó khăn?

  7. Tiêu Cay

    Theo tôi Thái Hòa nên đấu giá bán hết dự án, tài sản chung của Tập đoàn và tài sản cá nhân các cổ đông để trả nợ sòng phẳng cho ngân hàng. Nếu thừa thì hoặc là thành lập một công ty be bé làm lại từ đầu, hoặc là chia các cổ đông mỗi người một tý theo tỷ lệ cổ phiếu. Trường hợp xấu nhất là khi bán sạch tài sản, dự án vẫn không trả đủ các ngân hàng và các con nợ khác thì tuyên bố phá sản, hòa cả làng, quên luôn.

    Hoan hô Tập đoàn Thái Hòa, hoan hô ông An đã cho ngành cà phê một bài học về sự thất bại. Và đề nghị nhà nước khen thưởng tập thể và các cá nhân trong Tập đoàn Thái Hòa đã có công chứng minh sự đổ vỡ trong quản lý kinh doanh yếu kém, làm gương cho các doanh nghiệp khác nghiên cứu, tránh né (nếu như muốn tồn tại). Đề nghị nhà nước cũng xét xử buộc các tập thể và cá nhân đơn vị này phải đền cho các ngân hàng, tập thể, cá nhân mà Thái Hòa còn nợ. Đồng thời cũng xử lý các tập thể cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước ăn hối lộ tiếp tay cho Thái Hòa trên con đường làm ăn thất bại.

  8. Trường Tùng DakNong

    Tập đoàn TH chết là do bệnh sĩ, quản trị yếu kém, một phần nữa là do cán bộ một số Ngân hàng thiếu trách nhiệm trong khâu thẩm định cho vay. Nhưng cuối cùng vẫn bài ca “DN kinh doanh lời thì tư nhân hưởng (lãnh đạo) nhưng lỗ có tập thể (Nhà Nước) chịu lo gì, tập đoàn TH cũng vậy mà thôi. Bà con mình theo dõi mà xem.

Tin đã đăng