Theo đề nghị của đông đảo bạn đọc khu vực Tây Nguyên, Y5Cafe đăng lại bài viết về chẩn đoán đất để bón phân cho cây cà phê một cách hợp lý, tránh sự lãng phí.
Đọc thêm: > Phối trộn phân đơn để bón cho cà phê
> Chia làm nhiều đợt bón phân cho cà phê
Mặc cho sự thăng trầm của giá cả, đến nay cà phê vẫn là loại cây trồng quan trọng chiếm diện tích lớn nhất ở Tây Nguyên. Người trồng cà phê đã có những hiểu biết nhất định về loại cây trồng này để có thể chăm sóc tốt vườn cà phê của mình và đạt năng suất cao.
Nhiều vườn cà phê vối đạt năng suất ổn định 5 tấn/ha trong nhiều năm liền, đây là năng suất thuộc hàng đầu thế giới. Trong kỹ thuật canh tác tổng hợp để đạt năng suất cao, ổn định và có hiệu quả kinh tế cao thì bón phân cho cây trồng luôn đóng vai trò quan trọng.
Để bón phân hợp lý cho một loại cây trồng cần nắm vững nhu cầu dinh dưỡng của nó và phải cung cấp đúng, đủ các chất dinh dưỡng cây cần. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng cho việc chống lãng phí và tăng hiệu quả sử dung phân bón.
Kết quả nghiên cứu nhiều năm của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trên cây cà phê đã đưa ra một công thức bón phân chung cho cây cà phê vối kinh doanh là
- 220-250 kg đạm (N)
- 80-100 kg lân (P2O5),
- 200-230 kg kali (K2O)
cho mỗi ha/năm, ngoài ra cây cà phê cũng cần một lượng lưu huỳnh từ 40-60 kg/ha/năm.
Lượng phân nguyên chất này tương ứng với khoảng 430kg ure, 250kg SA, 600kg lân nung chảy và 380kg KCl/ha/năm. Lượng dinh dưỡng này đủ để bảo đảm cho vườn cây đạt 3 tấn nhân/ha/năm.
Trường hợp vườn cây có năng suất cao hơn 3 tấn nhân thì cứ 1 tấn nhân tăng thêm cần bón thêm 150kg ure, 120kg lân nung chảy và 120kg KCl/ha/năm. Đây là liều lượng phân bón chung đối với đất trồng cà phê có độ phì trung bình, nhưng độ phì đất của các vườn cà phê không giống nhau nên cần phải xác định độ phì cụ thể của mỗi vườn để có chế độ bón phân cho phù hợp.
Người ta đánh giá độ phì nhiêu bằng cách lấy mẫu đất, đưa đến phòng phân tích và phân tích một số chỉ tiêu độ phì quan trọng. Từ kết quả phân tích đề xuất một chế độ bón phân hợp lý cho vườn cây để tránh lãng phí và mất cân đối các chất dinh dưỡng. Khoảng 3-4 năm thì lấy mẫu đất chẩn đoán một lần để điều chỉnh chế độ bón phân.
Thực tế phân tích mẫu đất các vườn cà phê ở Đắc Lắc trong những năm qua cho thấy ở nhiều vườn có sự tích luỹ lân và có một hàm lượng dư thừa kali trong đất so với mức cần thiết của cây cà phê, trong khi đó nhiều người vẫn tiếp tục bón phân lân và kali cho cà phê với liều rất cao.
Đó là hậu quả của một sự tăng cường phân bón vô căn cứ của người làm vườn với hy vọng đạt được năng suất cao khi bón liều phân cao. Có nhiều vườn, người nông dân đã sử dụng loại phân 16-16-8 cho cà phê kinh doanh nhiều năm liền và còn bón thêm từ 500-1.000kg lân nung chảy gây nên một sự dư thừa lớn chất lân trong đất.
Ngoài sự lãng phí tiền bạc thì việc bón phân không đúng còn gây ra ảnh hưởng bất lợi cho vườn cây do sự mất cân bằng dinh dưỡng. Việc tích luỹ lân trong đất có thể gây nên sự thiếu kẽm và một hàm lượng quá dư thừa kali trong đất có thể cản trở sự hút magiê của cây cà phê.
Ngày nay rất nhiều bà con nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc đã biết đến và chấp nhận phương pháp bón phân qua chẩn đoán độ phì của đất. Ngày càng có nhiều nông dân lấy mẫu đất từ các vườn cà phê đem đến các phòng thí nghiệm để phân tích và để được hướng dẫn bón phân.
Điều này giúp người nông dân áp dụng một chế độ bón phân hợp lý do vậy tăng được hiệu quả trong đầu tư phân bón và còn bảo vệ được tài nguyên đất. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến cây cà phê, nhưng những nguyên tắc đã nêu ra luôn phù hợp với bất kỳ loại cây trồng nào.
Lấy mẫu đất như thế nào? Để lấy mẫu đất mang đi phân tích đại diện cho toàn bộ vườn cà phê, ta nên làm như sau:
- lấy đất từ 5 điểm chéo góc trong vườn
- ở mỗi điểm chiếu theo rìa tán cà phê
- đào 1 hố nhỏ sâu 30cm
- xong dùng dao nạo một lớp đất mỏng đều đặn từ trên xuống dưới theo chiều thẳng đứng, lấy khoảng 200g.
Đất được lấy mẫu từ 5 điểm trộn lại thành 1 mẫu đất khoảng 1kg đại diện cho vườn để đem đi phân tích. Tránh lấy đất dưới gốc cây to trong vườn như muồn, keo, cây ăn quả… Không lấy ở các vị trí mới được bón phân.
Cà phê kinh doanh thường được làm bồn để tưới nước và bón phân, vị trí lấy mẫu đất nằm ở mép trong bồn cà phê. Đem phân tích mẫu ở đâu, chi phí khoảng bao nhiêu? Ở Tây Nguyên, bà con có thể đem đất đến phân tích ở Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (xã Hoà Thắng, TP Buôn Ma Thuột). Chi phí bình quân khoảng 100-150 ngàn đồng, chỉ tương đương với giá mua 1 bao phân nhưng giúp việc sử dụng hàng trăm bao còn lại đạt hiệu quả cao nhất.
TS. Tôn Nữ Tuấn Nam (Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên)
Cám ơn Ts Tuấn Nam về bài viết trên, bà con nông dân rất phấn vui khi đọc bài viết này lâu nay bà con bón phân theo quán tính, bón nhiều tốt nhiều, bón ít tốt ít và có lúc bón lân lại trộn vôi… Nói chung không có khoa học. Để giúp bà con về cách chăm sóc tốt hơn về vườn cây của mình, nhất là xa Trung tâm nghiên cứu Đắc Lắc, như bà con ở Gia lai thì nên gởi mẫu đất ở đâu ? Rất mong Ts Nam cho lời khuyên. Xin trân trọng cám ơn…
Trước tiên tôi xin cảm ơn tác giả bài viết nầy. Về lượng phân thì đã có nhưng chưa nêu rõ cách bón trong các đợt như đầu mùa giữa mùa và cuối muà như thế nào?
Cảm ơn TS Tôn Nữ Tuấn Nam đã có bài viết cung cấp về cách chẩn đoán đất để bón phân cho cà phê. Năm ngoái Văn Dân có đứa con mới mua lô cà phê do không biết chất đất ở đó thừa thiếu chất gì, nên có thói quen bón phân trộn , cà phê vàng và rụng trái quá trời. Sau đó mới nghe bà con làm cà phê vùng đó cho biết vùng đất này chỉ hợp với phân NPK 16-8-16 sau đó đứa con Văn Dân bón phân NPK 16-8-16 là cà phê trở màu xanh ngay. Vài ngày nữa Văn Dân sẽ mang mẫu đất để đem đi phân tích.
Có bà con nào biết ở Lâm Đồng chỗ nào có thể làm công việc phân tích đất xin chỉ dùm.
Xin cám ơn trước!
Ỏ Lâm Đồng có Phân viện Nông lâm nghiệp Tây nguyên nằm ngoài Bảo Lộc !
Mọi người muốn phân tích đất xin vui lòng gởi mẫu đến Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt. Thông tin liên lạc Mr Giằng : 0633.552584 – 0909211410
Bón phân đơn tỷ lệ như trên, số lượng tổng cộng 580kg đối với cà vối 1.000 cây/ha, xin hỏi cà chè 4.300 cây/ha thì số lượng phân có thay đổi không? Tôi xin hỏi vì cây cà phê chè nhỏ hơn vối. Còn vỏ cà phê sau chế biến ướt thì làm phân vi sinh như thế nào xin cho biết được không? Và xin hỏi men làm vi sinh có nhiều loại không? Khi làm không có phân chuồng có được không hay cần thêm phụ gia gì? Xin cám ơn.
Tôi có gần 3ha rãy ở Cẩm Mỹ Đồng Nai, trông cà phê, hồ tiêu và một số cây ăn trái. Canh tác trên 20 năm nay. Bón 100 % phân hóa học: NPK, DAP SA, Urea, Kali, vi sinh, các loại thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ. Đến nay các loại cây ăn trái vẫn còn sống, riêng cây cà phê có lần bón phân xong rụng quả hàng loạt, vàng lá nhưng không cây chết hẳn. Đặc biệt cây hồ tiêu tôi cũng bón toàn phân hóa học thị cây bị chết, trông lại lệch ra chố khác vẫn chết, nay chẳng còn cây nào. Kế nhà tôi có bà cũng trồng vài bụi tiêu trên các gò cao đá hộc lổm ngổm, do khó khăn về kinh tế, bà ta bỏ lún xí, chẳng bón phân hóa học, thi thoảng bón ít phân gà mục, thế mà tiêu chẳng chết bụi nào, thu hoạch mỗi bụi cũng được 4-5 kg/vụ.
Tôi ngẫm ra rằng : Cây tiêu cùng họ với cây trầu không, rất khó trồng. Ngoài Bắc không phải nhà nào cũng ươm trồng được cây này. Nó rất ở sạch, bón phân bậy bạ, úng nước thì kiểu gì cũng chết.
Chất độc hại hóa học, các chất độn trong phân, chất diệt cỏ khai hoang… toàn là thuốc độc gây ô nhiễm môi trường, đất, nước. Cây cà phê, cây ăm trái là cây rễ cọc ăn sâu xuống đất cho nên ít tổn thương. Riêng cây hồ tiêu thuộc nhóm thảo mộc thân rễ mềm rất dễ tổn thương khi môi trường đất đã ngộ độc. Bón phân hóa học một số năm đầu thấy cây tốt, cho năng suất cao nhưng lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu thị tồn dư chất độc trong đất ngày càng nhiều, gặp mưa úng thối rễ, nầm bệnh tấn công, tiêu chết nhanh chết chậm hàng loạt. Cách đây vài chục năm, ngày ấy chưa có phân hóa học và thuốc trừ sâu, cây tiêu ở Quảng Trị, Phú Quốc, BR- VT thọ 30-40 năm, đâu có chết yếu như hiện nạy.
Từ nay tôi xin cạch không dùng phân hóa học cho cây tiêu.
Gửi Tieu Cay: Bài báo nói về việc bón phân cho cây cà phê mà, đâu có bảo bón phân cho cây tiêu.
Cái này là công thức chung cho tất cả các loại cây trông như đã nêu ra ở trên. Bác Tiêu Cay nói cũng có lý, đó là bác đưa ra kinh nghiệm đúc kết được của mình trong quá trình sản xuất. Cảm ơn bác rất nhiều.
Tôi đang bón phân N-P-K theo tỉ lệ 3,2-1-3,5, giờ lại có 2,5-1-2,3. Vậy cái nào tốt? Xin cho biết ở Đồng Nai chổ nào có phân tích đất? Cám ơn nhiều!
Em làm đất như sau:
Nhỏ hết cây cà phê cũ, đào hố, bỏ vào hố khoảng 15kg phân cút chưa xử lý + 0,5kg vôi trộn với đất mặt sao cho nó gần đầy hố, sau 1 tháng em đảo hỗn hợp trên và cho thêm vào đó 0,5kg lân + 300g thuốc trừ tuyến trùng là FURADAN 3G xong đảo đều, em chờ khoảng 1 tháng nữa rồi trồng cà phê.
Em làm vậy có được không các bác, trình độ nông nghiệp em còn gà lắm, tại nhà em có 5 sào đất để hoang em thấy phí nên làm vậy thôi, em đã đầu tư máy phát cỏ, máy xịt thuốc, máy cưa, dàn palane để nhỏ cà phê, tổng cộng hết hơn 10tr tiền máy móc rồi, sắp tới là mua phân cút, phân lân, giống (theo các bác em nên trồng cà phê giống nào, em ở Bảo Lộc). Chuẩn bị dây tưới nữa, em tưới nước bằng giếng khoan.
Mong các bác kinh nghiệm chỉ giáo cho em. Em xin cảm ơn
Em nhầm, em chỉ cho mỗi hố 30g Furadan 3G thôi ạ
Làm như vậy là đúng rồi nhưng em bỏ phân cút như vậy là nhiều ~ 5kg thôi khi cafe được 4=> 5 tháng hãy bỏ thêm. Em ở BL nên mua giống ở cơ sở T/Sơn trong Dambri nên mua giống TS1.
Dạ cảm ơn anh đã hướng dẫn cho em tận tình. Nếu bỏ phân cút tiếp sau 4 –> 5 tháng vậy thì bây giờ em mua về ủ luôn. Em thấy ở ngoài đường Quốc Lộ 20 có rất nhiều chỗ ghi bản cà phê Trường Sơn lắm nhưng thôi cứ vô mua chính hãng cho chắc ăn, vì trồng xuống rồi sau 4, 5 năm sau giống xấu không lẽ phải đào lên thay
Cảm ơn tiến sĩ đã giúp bà con chúng tôi. Cho tôi hỏi cùng với hàm lượng tương tự như vậy tôi bón phân NPK có được không ạ?
Tại vì tôi đã và đang sử dụng sản phẩm 16-8-18+7S+B2O3+TE và cho kết quả trung bình một năm 4,9tấn/ha. Xin tiến sĩ cho biết ý kiến!
– Nếu có loại phân NPK nào mà có lượng tương tự thì bón được. Nhưng thực tế, hiếm khi nào có loại phân nào như vậy.
– NPK là loại phân có hàm lượng đạm – lân – kali định sẵn, nếu chỉ sử dụng 1 loại theo tỷ lệ nhất định thì dẫn tới cái thừa, cái thiếu => mất cân đối.
Mùa mưa lại đến nông dân chúng tôi rất cần và kỹ thuật cách chăm sóc cây cà phê… nhất là cách bón phân sao cho hợp lý, mong ban biên tập cộng tác với các nhà khoa học có những bài viết hữu ích, thiết thực, dễ hiểu… trên diễn đàn để bà con tham khảo vận dụng cho vườn cây của mình.
Xin cám ơn Ban biên tập và các nhà khoa học!
Bà con cho tôi hỏi : Thay vì bón 1kgURE/cây thì tôi bón 2kgSA/cây, vậy có được không?
Về lượng thì tạm ổn, nhưng về tính chất thì không được. Trên đất đỏ Ba zan thì:
SA bón vào mùa khô kết hợp với tưới. Bón nhiều gây chua đất.
Như anh Hoàng Minh nói “thay vì bỏ 1 kg urê mà bỏ 2 kg SA” như vậy sợ đất sẽ bị chua dẫn tới cây ko phát triển tốt mà có thể sẽ vàng thêm.
Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng
03 Quang Trung – F2 – Bảo Lộc – Lâm Đồng.
SĐT : 063.3864794
Chào diễn đàn: sau khi đọc bài viết của TS Tôn Nữ Tuấn Nam. Tôi có đi phân tích đất thì được kết quả như sau: pH: 5,37 Nito: 0,24% P2O5: 0,17% K2O :0,1% Mg: 0,11% Zn: 40,59 mg/kg
Vậy bà con có thể cho tôi biết cụ thể lượng phân đơn cần bỏ thêm đc không ạ? vườn tôi trồng cafe arabica năm thứ 2, cây đang ra trái cuối năm nay có thu!
Tôi đang ở Lâm đồng, vườn cây nhà tôi canh tác cà phê chè được 5 năm rồi. Cho tôi hỏi tôi muốn lấy đất trong vườn nhà mình đi phân tích dinh dưỡng để có chế độ bón phân cho hợp lí? Có ai biết chỉ giúp tôi với?
Lấy đất vào tháng mấy là tốt nhất? Cách lấy như thế nào? Phân tích ở đâu? Giá bao nhiêu một mẩu?
Cho tôi quy trình nha, cảm ơn nhiều. Trả lời sớm nhé.
– Phương pháp ở trên, bài viết đã nói rồi.
– Sau khi lấy mẫu, bác có thể gửi mẫu ngay trong ngày tới địa chỉ:
1. Tại Lâm Đồng: Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng
03 Quang Trung – F2 – Bảo Lộc – Lâm Đồng.
SĐT : 063.3864794
2. Tại Đak Lak: Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên
Trưởng phòng: CN. Nguyễn Văn Phương
Phó trưởng phòng: Đặng Thị Vân
Điện thoại: 0500.3862876
E-mail: phuongwasi@gmail.com
Sao em gọi số ĐT này trung tâm Bảo Lộc ko có phân tích đất? Có địa chỉ nào khác… chỉ em với?
Cho tôi hỏi ở Đắc Nông có Trung tâm nghiên cứu phân tích mẫu đất không?
Đỉa chỉ ở đâu có bác nào biết chỉ giùm tôi. Xin cảm ơn nhiều
tôi có mang đất đi xét nghiệm đất trồng cà phê ra kết quả như sau: pH: 3,21. Nitơ: 193,06. Po2: 134,77. K2o: 45.20. Magiê: 59,08. canix: 10.78. Zn: 10,52. kết quả như vậy cho tôi hỏi thừa thiếu như thế nào tôi xin chân thành cảm ơn.
Đất quá dư acid, bón mỗi sào 2 tạ vôi, rải đều trên đất. Đợt tới bón kali tăng gấp đôi. Có điều kiện, nên phun vài lượt phân bón lá sinh học biosol để giúp cây điều chỉnh sinh trưởng, chống rụng quả non. Sau đó, tùy theo thể trạng và biểu hiện của cây mới xử lý tiếp
Không có đơn vị tính của các giá trị phân tích!
cảm ơn anh Thắng Lợi đã trả lời cho tôi mẫu xét nhiệm đất nhưng tôi muốn hỏi thêm là: tôi đã bón vi sinh và phân chuồng vậy bây giờ theo anh tôi rắc vôi có ảnh hưởng gì không?
Ở lâm Đồng không có hai chỗ nghe nói là có phân tích mẫu đất nhưng gọi thì họ nói không nhận xét nghiệm.(Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên) VÀ (trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng)
03 Quang Trung – F2 – Bảo Lộc – Lâm Đồng.
SĐT : 063.3864794
không biết còn chỗ nào nhận phân tích mẫu đất nữa không biết.mọi người giúp với. Mình ở lâm đồng mà qua dăklak thì xa quá.
Thân !
Chào @Tranvanphai. Theo tôj thì anh nên chia ra bón vôi nhiều lần để ko ảnh hưởng đến cây trồng và cũng ko diệt các vi sinh vật hữu ích.